Bài văn phân tích bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu số 6
Bài thơ Từ ấy là cái mốc đánh dấu thời điểm (1937) của nhà Thơ Tố Hữu, khi ông được kết nạp Đảng năm 1938. Qua tác phẩm của mình ông thể hiện giác ngộ khi gặp ánh sáng lí tưởng cộng sản. Hay nó chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Tố Hữu - là một tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi đi theo lí tưởng cao đẹp, dám sống, dám đấu tranh.
Xuyên suốt bài thơ là niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản.
Mở đầu bài thơ ông đã diễn tả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng. Hai câu đầu viết theo bút pháp tự sự: Từ ấy trong tói....Rất đậm hương và rộn tiếng chim. Từ ấy. là lúc nhà thơ mới vào tuổi 18 thật trẻ trung được mặt trời chân lí cách mạng soi sáng đường đời.
Hình ảnh ẩn dụ nắng hạ cho nguồn nhiệt lượng cách mạng làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ mặt trời chân lí là một liên kết đầy sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa. Câu thơ ca ngợi ánh sáng diệu kì của cách mạng. Đó là thứ ánh sáng của tư tưởng cộng sản - ánh sáng của những công bình xã hội, của chân lí xã hội.
Hai câu thơ sau của khổ thơ đầu, chợt vụt thoát bay bổng, dạt dào cảm hứng lãng mạn. Những vang động và vui tươi tràn ngập trong tâm hồn được so sánh bằng những hình ảnh và âm thanh lấy từ thiên nhiên tạo vật: vườn hoa lá, đậm hương, rộn tiếng chim. Đón nhận ánh sáng cách mạng là Tố Hữu đã đón nhận một con đường thênh thang tươi sáng cho cuộc đời, cho hồn thơ: một cuộc đời có ý nghĩa thiêng liêng, to lớn, một hồn thơ bát ngát tình yêu cách mạng, yêu đồng bào.
Tiếp nối mạch cảm xúc toàn bài thơ, khổ thơ thứ hai biểu hiện những nhận thức về lẽ sống. Hai dòng thơ mở đầu khổ hai: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người.
Động từ buộc là một động từ mạnh thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm sắt đá của Tố Hữu để vượt qua ranh giới của cái tôi để chan hòa mọi người "Tôi buộc lòng tôi với mọi người". Từ đó, tâm hồn nhà thơ vươn đến trăm nơi (hoán dụ) và trang trải sẻ chia bằng những đồng cảm sâu sắc, chân thành và tự nguyện đến với những con người cụ thể.
Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương của người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng. Nhà thơ đặc biệt quan tâm đến quần chúng lao khổ: "Để hồn tôi với bao hồn khổ" và từ đó như một biện chứng mang cái tất yếu là sức mạnh tổng hợp: "Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời". Ta cũng gặp điều đó trong thơ Nguyễn Khoa Điềm - nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ xâm lược: khi chúng ta cầm tay mọi người - Đất nước vẹn tròn, to lớn.
Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân. Khép lại bài thơ ở khổ cuối là: Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ. Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản.
Khi ánh sáng cách mạng như Mặt trời chân lí chói qua tim, đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu vẹn tròn to lớn. Nhà thơ tự nhận mình là con của vạn nhà trong nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất, là em của vạn kiếp phôi pha gần gũi bằng tình cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương là anh của vạn đầu em nhỏ, cù bất cù bơ.
Từ những cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp cống hiến đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã hội tăm tối dưới bóng thù xâm.
Tóm lại hồn thơ Tố Hữu chứa chan tình yêu giai cấp và niềm biết ơn sâu sắc cách mạng. Thơ Tố Hữu rõ ràng là thơ trữ tình - chính luận, hướng người đọc đến chân trời tươi sáng. Tiếng nói trong thơ là tiếng nói của một nhà thơ vô sản chân chính. Giọng thơ chân thành, sôi nổi, nồng nàn. Hình ảnh thơ tươi sáng, ngôn ngữ giàu tính dân tộc.