Bài văn phân tích bài thơ "Mưa" của Trần Đăng Khoa số 6
Trần Đăng Khoa có thể coi là một hiện tượng thi ca thần đồng của nền thơ Việt Nam một thời. Giản dị, tự nhiên và trong trẻo như khí trời, như ánh sáng, tiếng thơ của Khoa từ tuổi thiếu niên mộc mạc mà thấm vào lòng người rất sâu, bởi nó là tiếng nói chân thành, hồn hậu và dung dị từ một tâm hồn thơ trẻ, từ một trái tim giàu rung cảm.
Từ “góc sân và khoảng trời” của riêng mình, Khoa đã viết về gia đình, về mọi sự vật hiện tượng xung quanh em bằng con mắt “xanh non” và tư duy thơ của một cậu bé 10 tuổi. Hình tượng Mưa trong bài thơ cùng tên của Khoa cũng hiện lên thật sinh động, rõ nét.
Có thể thấy Trần Đăng Khoa viết về Mưa không nhằm để nhận thức, lý giải, cắt nghĩa một hiện tượng thiên nhiên, mà hình tượng Mưa trong thơ Khoa hiện lên theo một trật tự thời gian tuyến tính, đúng như quan sát của cậu bé Khoa. Tưởng như cuộc sống đời thường, tự nó, chảy vào trang thơ em, tan hòa cùng xúc cảm và tưởng tượng của Khoa, để tạo nên những hình ảnh ngộ nghĩnh, sống động.
Cơn mưa được tái hiện ngay từ tiếng reo hân hoan, náo nức đầu tiên: “Sắp mưa – Sắp mưa”, cho đến lúc “Mưa – Mưa – Ù ù như xay lúa…”. Cả một thế giới sự vật hiện lên rất sống, rất có hồn, tưởng như cựa quậy trên trang thơ. Tất cả đều trong sự vận động hối hả, nao nức trước và trong cơn mưa.
Liên tưởng của Khoa không ôm trùm, khái quát một cơn mưa kì vĩ, mà đi vào mỗi sự vật, hiện tượng giản dị, quen thuộc hàng ngày, quan sát chính xác, tinh tế vận động của chúng để tạo nên những hình ảnh thơ không kém phần bay bổng, thú vị và ngộ nghĩnh. Hoành tráng và sôi động thay là hình ảnh:
Ông trời
Mặc áo giáp đen
Ra trận
Muôn ngàn cây mía
Múa gươm…”
Sống động và đáng yêu thay là liên tưởng:
“Cỏ gà rung tai
Nghe bụi tre
Tần ngần
Gỡ tóc
Hàng bưởi
bế lũ con
đầu tròn
trọc lóc…
Rồi có cả âm thanh của Sấm “ghé xuống sân – khanh khách cười”, của Mưa “ù ù như xay lúa – lộp bộp”… Rồi cả không khí xao xác, tan tác của mối, của gà con, của kiến, của “gió cuốn, bụi bay”… Cả thế giới sự vật đều hân hoan nhảy múa, reo ca trong mưa.
Có thể thấy, trong bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa, hình tượng cơn mưa hiện lên trong sự kết nối một thế giới sự vật hiện tượng quen thuộc, giản dị, gần gũi với cuộc sống và tâm hồn của Khoa. Đó là những cây mía, cây bưởi, bụi tre, cây dừa, ngọn mùng tơi, cỏ gà…; là những con mối, con kiến, con cóc, con chó; là những hiện tượng thiên nhiên như sấm, chớp, mưa, gió… bình thường, thân thuộc.
Nó là không gian “góc sân và khoảng trời” của em, là mảnh đất nuôi dưỡng hồn thơ cậu bé Khoa với nguồn mạch ánh sáng, khí trời trong lành của một vùng nông thôn Việt Nam bình dị. Điều đặc sắc và thú vị là từ sự quan sát tinh tế và tình yêu máu thịt với thiên nhiên quê hương, Khoa đã làm sống dậy một thế giới nghệ thuật sinh động, “quen” mà “lạ”.
Những liên tưởng, tưởng tượng của Khoa rất hồn nhiên, bay bổng, linh động nhờ thấm nhuần trong cảm xúc và điểm nhìn tươi tắn của trẻ thơ, lại vừa thể hiện một tư duy nghệ thuật khá chững chạc và già dặn, biết đánh thức kho ấn tượng thẩm mỹ dồi dào trong tâm hồn mình và viết thành thơ.
Đặc biệt, bài thơ Mưa của Trần Đăng Khoa kết lại bằng hình ảnh:
Bố em đi cày về
Đội sấm
Đội chớp
Đội cả trời mưa…
Một hình ảnh sáng tạo độc đáo và kì vĩ! Mưa trong thơ Trần Đăng Khoa khơi dậy sự sống sinh động quanh em. Và hiện lên như khắc, như tạc trên trang thơ là hình ảnh con người vừa bình dị, vừa phi thường. Cái phi thường ẩn sâu trong cái giản dị bề ngoài. Câu thơ đọc lên ngỡ như đơn giản, không có gì mới lạ, vậy mà lại là cả một sự phát hiện thú vị và tinh tế của nhà thơ nhỏ tuổi Trần Đăng Khoa.
Hình tượng Mưa thơ của Trần Đăng Khoa là hình tượng thẩm mỹ mang phẩm chất nghệ thuật cao, là sản phẩm của trí tưởng tượng bay bổng, hồn nhiên, khoáng đạt đến kì lạ. Cơn Mưa của Trần Đăng Khoa cụ thể, sống động, và gắn với cái nhìn thơ trẻ mà tinh tế và sâu sắc của nhà thơ. Mưa của Khoa mang đậm chất thơ gợi cảm, mộc mạc và vô cùng hấp dẫn.