Bài văn phân tích bài thơ "Lượm" của Tố Hữu số 9

Lượm là bài thơ tự sự xinh xắn, cảm động về một em thiếu nhi hi sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhà thơ Tố Hữu làm bài này vào năm 1949, in trong tập thơ Việt Bắc.


Bài thơ có ba đoạn. Đoạn một kể về cuộc gặp gỡ với Lượm (5 khổ đầu). Đoạn hai kể về hoàn cảnh Lượm hi sinh (6 khổ giữa). Đoạn ba thể hiện lòng nhớ tiếc em Lượm (3 khổ cuối cùng). Chúng ta hãy tìm hiểu hình ảnh em Lượm qua bố cục bài thơ. Phần một là phần giới thiệu nhân vật. Một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tác giả với chú bé Lượm giữa thành phố Huế, ngày kháng chiến ở Huế bắt đầu.


“Ngày Huế đổ náu” tức là ngày Huế bắt đầu kháng chiến. Từ ngày 20/12/1946 ta với quân Pháp đánh nhau to ở IIuế. Đến tháng 2/1947 thì mặt trận Huế vỡ, quân ta chuyển lên chiến khu, đánh du kích. Như vậy Lượm thuộc vào số các em bé đi làm liên lạc từ ngày đầu kháng chiến. Trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vai trò liên lạc do các anh chị giao liên đảm nhiệm, còn đầu thời kháng chiến chống thực dân Pháp, làm liên lạc là các em thiếu nhi. Năm 1948, Lê Đức Thọ có bài thơ dài Em liên lạc với những câu kết:


Ngày mai trên quãng đường trường,

Có em bé lại dẫn đường bên anh.

Miệng cười chân bước nhanh nhanh,

Như con chim nhỏ trên nhành vui tươi.


Điều thú vị là nhà thơ Tố Hữu cũng hình dung em Lượm liên lạc như một con chim non:

Chú bé loắt choắt,

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca lô đội lệch,

Mồm huýt sáo vang.

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng.


Tố Hữu có ý thức miêu tả em Lượm thành một chú chim non. Từ “loắt choắt” chỉ vóc dáng quá mức nhỏ bé của Lượm. “Cái xắc xinh xinh” cũng nhỏ bé. Xắc là cái túi đeo (một từ du nhập từ tiếng Pháp – sac), cũng như ca lô (từ du nhập từ tiếng Pháp – calot – một thứ mũ vải mềm có ba góc dùng trong quân lính). Động tác nhảy nhót, nhanh nhẹn – “Cái chân thoăn thoắt”.


Ca lô đội lệch với cái đầu nghênh nghênh, lại thêm “mồm huýt sáo vang”, làm cho em bé càng giống con chim chích – một thứ chim bé nhỏ, nhanh nhẹn, như chích chòe. “Nhảy trên đường vàng” – con đường rực rỡ nắng vàng. Phải dùng hình ảnh con chim chích mới hình dung được vẻ đẹp hồn nhiên, trẻ thơ, đáng yêu của chú bé liên lạc. Từ nét chủ đạo là con chim, nhà thơ miêu tả Lượm vui như con chim sổ lồng:


Cháu đi liên lạc,

Vui lắm chú à.

Ở đồn Mang Cá,

Thích hơn ở nhà.


Cái ý đi làm liên lạc thích hơn ở nhà, đúng là niềm vui của con chim sổ lồng. Đó là niềm vui chung của cả một thế hệ trẻ sau Cách mạng tháng Tám, chứ không riêng gì của bé Lượm. Đôi mắt em “cười híp mí”, là một nét cười say sưa, hai mắt như nhắm lại, ngoài Bắc gọi là “cười tít”. “Má đỏ bồ quân”, thêm một nét khỏe mạnh, rạng rỡ.


Tác giả còn “chào đồng chí” với đứa cháu bé bỏng, như nâng cháu lên tầm người lớn, tạo một không khí thân ái. Trẻ em nào mà không làm người lớn? Tác giả đã hoàn thành một bức chân dung em Lượm sống động, độc đáo với cái nhìn riêng đầy trìu mến của mình. Phần hai kể chuyện Lượm đi làm nhiệm vụ và hi sinh với khoảng cách chừng hai năm, đã xảy ra một mất mát đột ngột, đau đớn:


Đến nay tháng sáu

Chợt nghe tin nhà

Ra thế

Lượm ơi!…..


Tiếp theo là lời kể của người đưa tin về Lượm. Chú ý: nhà thơ gọi Lượm là “cháu”, người đưa tin gọi là “chú”.

Một hôm nào đó,

Như bao hôm nào.


Lượm đã nhiều chuyến đi liên lạc thành công, và đây là chuyến đi cuối cùng. Hoàn cảnh rất ác liệt. Lượm hành động dũng cảm với một ý thức rõ rệt:


Vụt qua mặt trận,

Đạn bay vèo vèo.

Thư đề “thượng khẩn”,

Sợ chi hiểm nghèo.


Nhưng Lượm vẫn là một chú bé ngây thơ, hồn nhiên. Trên cánh đồng vắng vẻ, hình như em vẫn nhảy nhót, tung tăng như chú chim non lúc bình thường:


Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng

Và cái chết đột ngột ập đến:

Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi!


Em hi sinh trong một tư thế rất bé bỏng và rất đáng yêu:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa…


Hai tay em níu lấy bông lúa đang thơm mùi sữa như níu lấy sự sống. Lượm chết mà như nằm trong lòng mẹ, trở về với lòng mẹ. Đó hoàn toàn không phải là một hình ảnh chết! Cái chết đã trả em về với tuổi thơ! Em đã sống như con chim, chết cũng như con chim: Hồn bay giữa đồng…


Lượm đã chết rồi, nhưng em bất tử. Một câu hỏi mơ hồ: “Lượm ơi, còn không?”, nhưng là để khẳng định em bất tử. Tác giả nhắc lại hầu nguyên hai khổ thơ ở đoạn đầu, nhưng có thay đổi một chút. Lần này nhà thơ không gọi Lượm bằng “chú bé”, bởi Lượm đâu phải chỉ là cháu của tác giả, mà đã là chú bé của quê hương như bao nhiêu chú bé khác đã anh dũng tham gia kháng chiến:


Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt,

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng…


Hình ảnh đọng lại cuối cùng vẫn là một chú chim non hồn nhiên, bé bỏng, bắt đầu nhảy nhót trên con đường vàng. Tư tưởng đọng lại cuối cùng là lòng thương tiếc vô hạn đối với chú chim non đã hi sinh cuộc đời non tơ cho kháng chiến thắng lợi.


Lượm là một bài thơ hay, cảm động về một tấm gương hi sinh dũng cảm trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |