Bài văn phân tích bài "Thơ duyên" số 9

Trong bản hợp xướng những bài ca cuộc sống của mình, Xuân Diệu khiến người đọc bất ngờ với “Thơ duyên” bởi nó nhẹ nhàng, dịu dàng thánh thiện mê li. Nhan đề của bài thơ thật ngọt, là “Thơ duyên” chứ chưa hẳn là thơ tình, thơ yêu. “Thơ duyên” đã mang đến một hương vị dịu ngọt, êm ái cho bộ sưu tập những cung bậc, trạng thái cảm xúc khi thưởng thức vần thơ của “Ông hoàng thơ tình Việt” - Xuân Diệu.


Huy Cận có một nhận xét rất thú vị như sau: “Những người yêu nhau thường hay ra giữa thiên nhiên… đó là một quy luật - vì chỉ có kích thước của vũ trụ họa chăng mới đo được cái không bờ bến của xúc động tình yêu.” Phải chăng mà do đó, chàng thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta mới “lần đầu rung động nỗi thương yêu” trong cái khoảng không gian thơ mộng này:


“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,

Cây me ríu rít cặp chim chuyền.

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.”


Thật là hòa hợp biết mấy, cái hài hòa của thiên nhiên trong đoạn mở đầu này được thể hiện qua con mắt nhạy cảm của Xuân Diệu, phải chăng cũng bởi tâm trạng của con người sắp có biến chuyển mới? Trời thì mộng, nhánh thì duyên, mối quan hệ giữa “chiều mộng” và “nhánh duyên” đó là “hòa thơ”. Từ mối quan hệ tuyệt mĩ ấy, cũng như cảm nhận được trời đất đang giao duyên: một buổi chiều mơ mộng, bầu trời như trong xanh và dường như có gió nhẹ mơn man cành lá. Chim chóc cặp đôi “ríu rít” với nhau tạo nên những âm thanh trong trẻo, vui tươi. Màu sắc thì xanh đến tha thiết lòng. Cái “da trời xanh ngắt” của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã hóa “xanh ngọc” trong con mắt Xuân Diệu. Cái “xanh ngọc” ta cũng có thể bắt gặp trong bức tranh thôn Vĩ của Hàn Mặc Tử:


“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.”

(Đây thôn Vĩ Dạ)


Trong khổ thơ này, đường nét, màu sắc, âm thanh hòa quyện cùng lòng người, chợt nhận ra rằng: “Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.” Tiếng thu ngân lên như “tiếng huyền”, cũng là âm thanh huyền diệu của vũ trụ, của lòng người. Quan niệm thiên nhiên hữu tình được Xuân Diệu nhấn mạnh nhiều lần trong thơ ông:


“Một tối bầu trời đắm sắc mây

Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy

Hoa nghiêng xuống cỏ trong khi cỏ

Nghiêng xuống vườn xuân một tối đầy.”


Trong “Đây mùa thu tới”. Xuân Diệu thể hiện cái buồn, sự chán nản của mình, lan tỏa cả thiên nhiên:


“Mây vẩn tầng không chim bay đi

Khí trời u uất hận chia ly

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa của nhìn xa nghĩ ngợi gì.”


Trái ngược hoàn toàn, chiều trong “Thơ duyên” không một chút vẩn đục, u sầu mà ngược lại, rất trẻ trung, hồn nhiên. Cảnh vật say nghiêng ngả với âm thanh ngây ngất của mùa thu:


“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều.”


Cái chữ “nhỏ nhỏ” ấy khiến cho con đường đáng yêu quá, nó làm cho gió sa xuống, “cành hoang” lả lới với “nắng chiều”. Tất cả hiện lên trong sự hoàn mĩ, mờ ảo và nên thơ của trời đất đất, vũ trụ. Con đường, cành lá à cả nắng gió của trời đất đều là những hình ảnh có hồn, có tâm trạng bởi:


“Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,

Lần đầu rung động mỗi thương yêu.”


Tất cả những sự đáng yêu, nên thơ ở trên là có “lần đầu rung động nỗi thương yêu” kia. Thứ tình cảm nhẹ nhàng “lần đầu tiên” ấy cứ ngân nga trong lòng mỗi chúng ta mãi không thôi. Nhân vật trung tâm bắt đầu xuất hiện từ một thước phim chầm chậm:


“Em bước điềm nhiên không vướng chân,

Anh đi lững thững chẳng theo gần.

Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,

Anh với em như một cặp vần.”


“Anh” với “em”, chúng ta đã dạo bước cùng với nhau trong một buổi chiều ấn tượng tự nhiên như vậy sao? Chúng ta nào có quen biết nhau đâu, nhưng cái sự “duyên” đã để “anh” và “em” được cùng nhau hưởng trọn khung cảnh chiều đáng nhớ này. Em bước khoan thai “điềm nhiên” đâu có để ý đến chàng thi sĩ này đang “lững thững” nối gót bóng hồng. Mới đọc, ta có cảm giác như câu thơ “hơi bị” thừa thải về mặt từ ngữ: đã nói là “điềm nhiên” rồi mà còn thêm “không vướng chân”, “lững thững” thêm “chẳng theo gần”. Ấy vậy, càng đọc càng thấy hai câu thơ này hợp lí. Cái hay của Xuân Diệu là ở chỗ đó, ông muốn nhấn mạnh cái sự hữu duyên mà lại xa cách kia. Ta từng chứng kiến rất nhiều nỗi ám ảnh về xa cách trong thơ Xuân Diệu:


“Có một bận em ngồi xa anh quá

Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn

Em xích gần hơn một chút anh hờn

Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa”

(Xa cách)


Khao khát được gắn bó của Xuân Diệu như quy luật của cuộc sống, như cái lẽ bình thường của trời đất này vậy Trong không gian và thời gian đặc biệt này, Xuân Diệu đã tuyệt đối hóa để “anh” và “em” dù vô tâm đấy nhưng vẫn như “một cặp vần” giữa “bài thơ dịu” không thể tách rời. Một cặp vần ấy là sự hòa hợp trọn vẹn của cả ngôn từ lẫn âm thanh để tạo nên thơ. Sự hòa hợp giữa hai tâm hồn trong một khung cảnh mĩ miều này cũng nên thơ lắm chứ! Sự trăn trở trong lòng thi sĩ lan ra đến cảnh vật xung quanh, dường như chúng cũng có cùng tâm trạng với Xuân Diệu vậy.


”Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

Con cò trên ruộng cánh phân vân.

Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”


Những đám mây của Xuân Diệu thật sáng tạo với kiểu “bay gấp gấp”, cánh cò cũng vậy, biết “phân vân”. Mây và chim là những hình ảnh rất quen thuộc trong ca dao dân gian ấy vậy mà khi bay vào thơ Xuân Diệu nó có thần thái mới rất thú vị, rất Tây. Quả là phong cách của nhà thơ “mới nhất trong những nhà thơ Mới”! Sự tịnh tiến trong tâm hồn thi sĩ hướng tới sự chiêm nghiệm, Xuân Diệu hướng nội với những cảm xúc nồng nàn:


“Ai hay tuy lặng bước thu êm,

Tuy chẳng băng nhân gia tỏ niềm.

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,

Lòng anh thôi đã cưới lòng em.”


Sự ngẩn ngơ của “anh” là vì bóng chiều ư? Có lẽ vậy, nhưng chưa hẳn vậy bởi câu thơ kết thật lạ lùng: “Lòng anh thôi đã cưới lòng em.” Từ “thôi” nghĩa là chấp nhận sự thật không thể kháng cự. Đúng vậy “anh” và “em” dẫu rằng chúng ta không hề quen biết nhau, chưa từng nói gì với nhau nhưng dường như chúng ta đã có Duyên tiền định. “Anh” đã nghe thấy tiếng bước chân trong lòng mình, từng bước từng bước, vang lên nỗi khát khao được sánh đôi với em mãi mãi trên con đường đời dài lâu phía trước. Không cần mai mối,không chủ định, lòng anh đã tự phải lòng em mất rồi, bóng hồng kiều diễm, nàng biết chăng nàng?


“Thơ duyên” là lẽ ấy bởi tự cổ chí kim đã có câu:

“Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng.”


Thơ Xuân Diệu nói chung đó là tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên, nó khiến chúng ta yêu đời và con người muốn trở nên gần nhau hơn. Những rung động nhẹ nhàng và sự quan sát tinh tế của hồn thơ nhạy cảm Xuân Diệu trong “Thơ duyên” đã mang đến cho đời những vui tươi, mới mẻ êm ái. Xin được một lần cảm ơn Xuân Diệu, đã đem cái đẹp góp phần cho đời thêm xanh.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |