Bài văn phân tích bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên số 8

Con cò là hình ảnh quen thuộc với làng quê Việt Nam tự bao đời. Hình ảnh cò đã đi vào ca dao, dân ca Việt Nam Với những ý nghĩa sâu sắc. Nó là hình ảnh biểu trưng cho hình tượng người, phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó. Cảm nhận từ tình mẹ thiêng liêng, cảm nhận vẻ đẹp sâu sắc của hình ảnh cò, tác giả Chế Lan Viên đã mượn chất liệu là những bài ca dao, dân ca Việt Nam để viết nên bài thơ Con cò ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và nỗi nhọc nhằn nuôi con khôn lớn của người phụ nữ, người mẹ.


Bài thơ Con cò được sáng tác năm 1962, in trong tập thơ Hoa, ngày thường – Chim báo bão (1967) của Chế Lan Viên. Viết Con cò, nhà thơ thông qua một cánh cò tượng trưng dập dìu trong lời ru, câu hát thể hiện được tấm lòng yêu thương và những mong ước của người mẹ với đứa con còn bé thơ.


Hình ảnh con cò qua bài thơ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, luôn luôn biến hóa trong tiếng hát và lời ru. Hình ảnh con cò, tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, cho những nỗi khổ của ngày qua, cho niềm vui và mơ ước hôm nay, cho tình yêu thương rộng lớn của người mẹ với cái bé bỏng côi cút của con thơ.. Dường như, với tính chất tượng trưng, con cò trong trường hợp nào cũng đúng cả, cũng để lại cho người đọc nhiều ấn tượng.


Trong trang thơ, cánh cò không tự có, không tự hiện hữu bất di bất dịch như muôn vàn câu chữ của thi ca, nó phải bay ra từ một miền xa xôi lắm. Chế Lan Viên đã đánh thức cánh cò yên ngủ, gọi cò về với những lời ru ấp ủ trong tâm hồn thi nhân để rồi, qua lời ru của mẹ trên trang thơ, con cò bắt đầu đến với tuổi thơ diệu kì của đứa trẻ. Dịu dàng, êm ái, người mẹ bắt đầu thủ thỉ, tâm tình với niềm yêu thương tha thiết:


Con còn bế trên tay

Con chưa biết con cò

Nhưng trong lời mẹ hát

Có cánh cò đang bay


Rất tự nhiên, mẹ thấy con vẫn còn bé bỏng lắm, vẫn còn phải bế trên tay mẹ. Con đã biết cánh cò trắng là gì đâu, con đã biết cuộc đời xung quanh là gì đâu, con chỉ đón nhận cuộc đời một cách vô thức. Vô thức thôi nhưng dường như đứa trẻ đã cảm nhận được cánh cò trắng đang bay đến bên mình, đã nghe thấy âm điệu ngọt ngào trong trẻo của lời ru.


Em chưa hiểu tình mẹ, nhưng mơ hồ, em đã thấy bên em một sự che chở, vỗ về thiêng liêng, một tình yêu thương êm đềm, trìu mến. Và cánh cò bắt đầu chao lượn dập dìu trong lời hát ru con:


“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò cổng phủ

Con cò Đồng Đăng…

"Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

"Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ,

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…"

Ngủ yên! Ngủ yên! Cò ơi, chớ sợ!

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng!

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,

Con chưa biết con cò, con vạc.

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.


Thi sĩ không trích hết lời ca dao, chỉ gợi thôi mà cả một không gian đã rất xa xăm bỗng trở về nguyên vẹn. Nơi ấy thanh bình và yên ả. Nơi ấy có cánh cò, có những hình ảnh rất đẹp đã đi vào tiềm thức không biết bao thế hệ con người. Ở nơi ấy, ta vẫn nghe được tiếng cuộc đời vất vả, nhọc nhằn của người nông dân và đặc biệt là những người phụ nữ, những người chị, người mẹ Việt Nam, tiếng những đứa con yêu thương tha thiết.


Ta thấy những cánh cò kia sẵn sàng hi sinh vì con, dù sa cơ, dù chết cũng xin được “xáo nước trong” để khỏi mang tiếng xấu cho Con. Dẫu rằng đó là lời hát ru, lời ca dao cách tân trong thơ hiện đại, cánh cò vẫn mang theo cả nỗi buồn, niềm vui hòa lẫn, khiến người đọc phải nghĩ suy. Người mẹ ru con trong vất vả, nhọc nhằn càng gieo thêm đắng cay, cái vị đắng cay mà Xuân Quỳnh từng không giấu nổi xúc động khi nghe câu hát ấy trong “gió Lào” và “cát trắng” miền Trung:


Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt

Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng.


Mặc dù người mẹ biết con mình còn quá bé bỏng trước cuộc đời. Nhưng mẹ muốn hát cho con nghe để con hình thành tình yêu thương đối với những gì thuộc về quê hương, đất nước; hiểu được tình thương bao la mà mẹ dành cho con. Bên cạnh đó, mẹ muốn con hãy yên tâm trước cuộc đời, vì đã có mẹ chở che trong câu: "cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng".


Câu thơ khiến ta cảm động trước tình mẹ bao la, sâu sắc, vỗ về, chở che ta từ khi còn tấm bé. Để rồi, khi ta từng bước trưởng thành, vẫn có mẹ bên cạnh sẻ chia:


Ngủ yên! Ngủ yên! Ngủ yên!

Cho cò trắng đến làm quen,

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ.

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.

Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

Con làm gì? Con làm thi sĩ!

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn…


Khổ thơ thứ hai có thể chia làm ba giai đoạn, tựu chung lại vẫn là ý nghĩa của hình ảnh cò gắn bó mật thiết và trở thành người bạn đồng hành với cuộc đời con trẻ từ lúc ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Đoạn đầu là mối tương quan mật thiết giữa cò với con trẻ trong suốt thời thơ ấu. Cò "đứng ở quanh nôi", rồi cò "vào trong tổ"; con có ngủ thì cò mới ngủ.


Hình ảnh cò tới đây không còn là hình ảnh con cò giản dị nữa, mà đã ẩn dụ cho hình tượng người mẹ chăm sóc, vỗ về, ấp iu cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi con lớn hơn một chút thì tình yêu mẹ dành cho con như thế nào? Đoạn thứ hai:Mai khôn lớn con theo cò đi học,Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.


Đó là sự đồng hành của người mẹ với con mình trong thời niên thiếu. Buổi ban đầu chập chững bước vào cuộc đời, đứa trẻ cần lắm đôi tay dìu dắt của mẹ. Thế nhưng, người mẹ sẽ không dìu dắt con mãi mãi, mà theo năm tháng, mẹ tập cho con tự bước đi trên đôi chân chính mình. Ban đầu, thì cò dắt con đi học. Nhưng dần dà, cánh trắng cò chỉ bay theo gót chân con.


Khi con đến giai đoạn niên thiếu, tình thương của mẹ dành cho con đã có cách thể hiện khác. Mẹ không còn nâng niu con nữa, mà chỉ đồng hành bên con, dõi theo mỗi bước chân con. Mẹ muốn con tự đi trong cuộc đời bằng đôi chân của chính mình. Vì chỉ có thế, bước chân con mới vững vàng, không sợ vấp ngã. Ta cảm nhận được tình mẹ vừa sâu sắc, lại vừa bao la.


Đoạn thứ ba nói lên hình ảnh cò – hình ảnh mẹ đã đi vào tiềm thức, hóa nên tâm hồn phong phú cho con người khi trưởng thành. Cho dù lúc trưởng thành con có làm bất cứ nghề nghiệp gì, thì hình ảnh mẹ luôn là nguồn cảm xúc dạt dào, là chất xúc tác giúp con thành công hơn trên bước đường công danh sự nghiệp. Hình ảnh thân thương của mẹ trở nên ý nghĩa lớn lao với cuộc đời mỗi người. Khổ thơ thứ ba thật giản dị mà lại gây nhiều xúc động với người đọc bởi lời mẹ chân tình, tha thiết.


Dù ở gần con,

Dù ở xa con,

Lên rừng, xuống bể

Cò sẽ tìm con,

Cò mãi yêu con.

Con dù lớn, vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.


Phải chăng đây cũng chính là lời tự sự của tất cả những người mẹ có con cái đã trưởng thành, có khung trời và lối đi riêng? Cho dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn dang rộng vòng tay yêu thương, vẫn là bến bờ là điểm tựa cho con bởi: "con dù lớn vẫn là con của mẹ". Thế nên: "đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con". Có biết bao nhiêu tình cảm trên đời, nhưng có tình nào bao la, sâu sắc và vô tận như tình mẹ dành cho ta.


Tình mẹ là thế, bao la, lời ru của mẹ là thế, êm đềm, tha thiết, suốt đời con được hưởng, suốt đời con tìm thấy, nhưng chắc gì con đã thấu hiểu. Cả cuộc đời mẹ đã gửi vào trong đó tất cả tình cảm, tất cả sự chở che, tất cả tình yêu thương êm đềm tha thiết:Ta đi trọn kiếp con người Cũng không đi hết mấy lợi mẹ ru. (Ngồi buồn nhó mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)Bài thơ được mở đầu bằng những câu hát ru và kết lại cũng bằng lội ru à ơi:


À ơi!Một con cò thôi,

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi.

Ngủ đi! Ngủ đi!

Cho cánh cò, cánh vạc,

Cho cả sắc trời

Đến hát quanh nôi.


Lời ru đến lúc này sao thắm đượm quá đỗi tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ. Lại một lân nữa các cụm từ: "ngủ đi", "cánh cò, cánh vạc", "nôi" được nói về kì niệm tuổi thơ, nhắc nhớ về giấc ngủ đầu nôi cũng là dấu ấn thiêng liêng trong tâm thức của mỗi người.


Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ này với một sự chiêm nghiệm sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Ông đã thể hiện niềm yêu kính đối với hình tượng người mẹ bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trau chuốt. Tình mẹ, chắc có lẽ trong tâm thức mỗi con người đều cảm nhận được.


Thế nhưng, với bài thơ Con cò của Chế Lan Viên, ta như được trải nghiệm và hiểu thêm một cách sâu sắc về ý nghĩa của tình mẹ trong cuộc đời của mỗi con người. Để rồi, mỗi lần đọc lại bài thơ Cơn cò vần gợi lên những rung động và suy nghĩ sâu sắc về công ơn sinh thành của người mẹ. Từ đó mỗi người chúng ta càng thấy rõ trách nhiệm của mình trước lòng mẹ bao la, dạt dào thân thương và trìu mến, trước cuộc sống hôm nay của đất nước.


Con cò cùng với những bài thơ khác trong Hoa ngày thường – Chim báo bão, Ánh sáng và phù sa giúp chúng ta thấm thía hơn những "Trang đời, trang viết, nặng nghĩa đời sau" của nhà thơ Chế Lan Viên.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |