Bài văn nghị luận xã hội về lòng khoan dung số 13
Pierre Beonit đã từng khẳng định: "Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác". Thật vật, lòng khoan dung chính là nhân tố quan trọng góp phần làm cho cuộc sống mỗi người đáng sống và ý nghĩa hơn. Khoan dung là một phẩm chất, một đức tính tốt của con người. Nó cũng gần như là vị tha, thể hiện ở việc rộng lượng tha thứ cho người khác, cho đi là không toan tính và độ lượng với chính bản thân mình.
Từ cổ chí kim, lòng khoan dung luôn là điều thiết yếu của cuộc sống. Người xưa từng nói " nhân bất thập toàn". Con người thì chẳng ai có thể hoàn hảo, tốt đẹp đến mức tuyệt đối. Trong thần thoại Hy Lạp ngay cả người con của vị thần như A Sin cũng có yếu điểm ở gót chân, để rồi chính gót chân ấy đã bị kẻ thù lợi dụng và hãm hại. Ai ai cũng hơn một lần mắc lỗi với những người xung quanh và với chính mình.
Đó có thể là do suy nghĩ chưa chín chắn, hành động bồng bột hoặc do hoàn cảnh khách quan, bị đẩy vào sai trái hoặc do bản tính của người đó. Nhưng khi mà ta cứ chấp nhặt, trách móc, chế giễu lỗi lầm của người khác thì sẽ ra sao? Bản thân ta đâu có thanh thản, luôn tìm cách moi móc sai phạm của người khác để trì triết thậm chí là kể xấu. Người mắc lỗi bằng một cách nào đã đã trở thành một hình ảnh xấu xa đến thảm hại trong mắt mọi người. Còn ta, như một cách gián tiếp đã đem đến đau khổ cho họ. Mọi người cứ nhìn vào hành động sai trái để đánh giá con người thì liệu có phiến diện? Phần tâm hồn, bản chất tốt đẹp liệu ta có nhìn nhận và nâng niu?
Vì vậy hãy rộng lượng bỏ qua sai lầm của người khác để ta sống thanh thản hơn bởi lẽ con người đâu phải là tuyệt mĩ. Khi khoan dung với người khác là ta đã trao cho họ cơ hội để nhìn nhận và khắc phục bởi lẽ sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Hơn nữa, khi đã nhận ra sai lầm của mình thì họ sẽ không tái phạm nữa, sẽ sống đẹp và ý nghĩa hơn. Đó cũng là động lực của sự phát triển, thúc đẩy mỗi người tự hoàn thiện bản thân. Như thế thì cuộc sống lại trở nên bình an và đơn giản vô cùng. Trong lịch sử dân tộc, lòng khoan dung là một truyền thống tốt đẹp của dân ta. Khi giặc Minh thất bại, chúng ta không diệt giặc đến cùng mà vẫn mở cho họ con đường sống, để họ trở về với cuộc sống lương thiện như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo:
"Mã Kì, Phương Chính cấp cho 500 chiếc thuyền
Vương Thông, Mã Anh cấp cho hàng nghìn cỗ ngựa"
Khoan dung chính là biểu hiện của một nhân cách cao đẹp. Khoan dung là khi ta mở rộng tấm lòng, trao gửi yêu thương. Khi đó, cái ác, cái xấu cũng sẽ bị loại bỏ. Lòng khoan dung có tính hướng thiện, đưa người ta đến cái chân thiện mĩ. Văn chương suy rộng ra cũng là cuộc sống, có khả năng nhân đạo hóa con người.
Khi khoan dung với người khác thì bản thân mình nếu có mắc lỗi sẽ được tha thứ. Nhưng đó không phải cái cớ để mỗi người ỷ lại, không chịu nhận thức và thay đổi. Lòng người cũng có giới hạn, không ai có thể mãi mãi khoan dung và chấp nhận với những lỗi lầm của bạn. Vì vậy hãy thay đổi khi nhìn thấy một ánh mắt không hài lòng, một sự buồn rầu, thất vọng trên nét mặt chưa cất thành lời. Khoan dung với những người xung quanh nhưng trước hết ta hãy khoan dung với chính mình. Khi mắc lỗi hãy nỗ lực khắc phục đôi khi có thể bỏ qua cho bản thân vì có thể sai lầm đó là do hoàn cảnh đưa đẩy. Ta sẽ sống nhẹ nhàng và bình an hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải ta luôn khoan dung. Lòng khoan dung cần đặt đúng nơi, đúng lúc, đúng thời điểm. Nếu không suy nghĩ chín chắn thì có thể lòng tốt của mình bị lợi dụng, biến thành công cụ để người khác toan tính, vụ lợi. Mỗi người hãy cùng nuôi dưỡng lòng khoan dung để cuộc sống này tươi đẹp hơn, để yêu thương được lan tỏa đi muôn nơi.