Bài văn nghị luận xã hội về lòng biết ơn số 9
Không phải tự nhiên mà Amburgh đã phải khẳng định chắc chắn rằng: “Không có kẻ nào bần cùng, thiếu thốn bằng những người không có lòng biết ơn”. Thế mới biết lòng biết ơn trong cuộc sống này có ý nghĩa biết nhường nào đối với mối quan hệ người – người.
Ngay từ khi sinh ra, nếu đã là con người thì ai cũng phải mang trong mình lòng biết ơn cha mẹ – đấng sinh thành đã cưu mang cho ta có mặt trên cuộc sống tươi đẹp này, cất công chăm sóc, nuôi dưỡng ta lớn khôn từng ngày, dạy ta cất tiếng nói đầu tiên, chập chững những bước đầu đời. Lớn lên khi đến trường, ta lại biết ơn thầy cô đã truyền đạt tri thức, dạy cho ta những bài học đạo lý làm người, dìu dắt ta trở thành con người có ích trong cuộc sống. Cuộc sống bình yên ngày hôm nay đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha, gợi nhắc ta niềm biết ơn. Cuộc sống thú vị với những thành tựu khoa học kĩ thuật, những sáng tạo nghệ thuật, đánh đổi bằng công sức lao động của bao người, gợi nhắc ta niềm biết ơn. Tất cả mọi thành quả trên đời không phải tự nhiên mà có, ta lại đang được thụ hưởng những thành quả ấy, lẽ nào ta không mảy may biết ơn một chút nào?
“Uống nước” phải nhớ về “nguồn”, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay. Thừa hưởng truyền thống đạo lý tốt đẹp đó, chúng ta cũng có những ngày kỉ niệm những công lao của những con người. Là con cháu Lạc Hồng, ai mà không nhớ đến ngày mùng mười tháng ba âm lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương – dịp để con cháu người Việt Nam chúng ta đến thắp những nén hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, thành kính. Ngày 8 tháng 3, ngày Quốc tế Phụ nữ, ta nhớ đến những người bà, người mẹ, người chị, người phụ nữ thầm lặng mà cao đẹp. Tuổi học trò ngây thơ, trao cho cô một cánh hoa hồng nhân 20/11… Trong khi cả thế giới hướng về lòng biết ơn như một điều gì thiêng liêng, lẽ nào bản thân lại đi ngược lại những gì đã trở thành đạo lý, lại không mảy may biết ơn một chút nào?
Biết bao điều để ta đặt vào đó lòng biết ơn, với người đã nhắc mình quên chưa gạt chân chống xe, với người đã mang cho mình một niềm vui, một lời an ủi,… Có khi chỉ đơn giản như thế thôi, lòng biết ơn như một thứ xúc cảm nhẹ nhàng, một mối lâng lâng trong lòng không chỉ là sự cảm kích đơn thuần vì người ta đã giúp đỡ mình mà còn là niềm vui khó tả rằng thì ra trên đời còn biết bao điều tốt, người tốt, là sự thúc giục bản thân cũng hãy giúp đỡ những người xung quanh, hãy làm một điều gì tốt đẹp để lòng thấy thỏa và thấy xứng đáng với niềm biết ơn kia. Sống với tấm lòng và trái tim luôn biết ơn người khác, đó là khởi nguồn nuôi dưỡng của biết bao đức tính tốt đẹp. Và biểu hiện cao nhất của lòng biết ơn là ở chỗ, không phải ngồi nhớ mãi hay tưởng niệm suông về những người đã giúp đỡ mình mà là tạo thêm cơ hội cho lòng biết ơn, nói cách khác là tạo ơn thật nhiều. Tạo ơn cũng chẳng phải để người khác biết ơn mình, để được cảm kích, được biết đến mà cốt để biết ơn cuộc sống đã cho ta cơ hội tạo ơn và biết ơn…
Song nếu như con người không có lòng biết ơn, nếu như phải sống trong xã hội mà không ai mảy may nghĩ đến những điều tốt đã làm thì không chỉ đơn giản là sự bần cùng trong tâm hồn như Amburgh đã nói mà còn là sự lạnh lùng, vô cảm giữa xã hội người, sự kết nối mất chân thành của mối quan hệ người – người. Nhưng thật đáng buồn khi càng ngày, cái “nếu như” ấy càng trở thành sự thật. Những con người “ăn cháo đá bát” không còn chỉ xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích như Lý Thông bội bạc Thạch Sanh nữa mà đã hóa đời thật, khiến ta giật mình trước những bài báo con giết cha để lấy tiền đi chơi, trước những hành động lật lọng vô tình đáng phê phán…
Lòng biết ơn, là câu chuyện của cảm xúc, của tình người hay là câu chuyện của làm người, của tính người?