Bài văn nghị luận xã hội về lối sống có trách nhiệm số 6
Mỗi người, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một cách sống. Hẳn ai sống đúng nghĩa cũng đều đã hình thành cho mình thái độ sống có trách nhiệm với bản thân. Nhưng liệu chỉ sống vì mình thôi đã đủ chưa hay còn phải sống cho gia đình và cho cả xã hội.
Sống có trách nhiệm với bản thân là biết nhận thức và giữ gìn được những giá trị bản thân. Điều này cũng là để cho gia đình và xã hội. Nhưng cách sống quá đề cao bản thân mà không màng đến người khác là một lối sống ích kỉ. Đó là sống vị kỉ.
Người Trung Quốc có câu “Sống không vì mình thì trời tru đất diệt”. Câu nói này đề cao lối sống có trách nhiệm với bản thân. Đây cũng là lối sống của đa số các bạn trẻ hiện nay. Ranh giới giữa việc sống có trách nhiệm với bản thân và sống cho riêng mình rất mỏng manh. Vì vậy, cuộc đời con người có ý nghĩa hay không là do biết dừng đúng lúc. Lấy một so sánh giữa hai nhân vật nổi tiếng mang tầm ảnh hưởng đến cả thế giới là Steve Job và Bill Gates.
Điểm khác biệt ở Bill Gates chính là ông đã biết chọn cho mình một điểm dừng. Khi đã thành công trong lĩnh vực của mình, ông chuyển hướng sang những tổ chức từ thiện để sau đó tên tuổi của ông được nhắc đến như một “người hùng- vị cứu tinh” cho người nghèo, đặc biệt là người dân Châu Phi. Bill Gates đã sống cho mình và cũng đã dừng lại để sống cho xã hội. Điều này làm cho giá trị bản thân ông được nâng cao.
Giá trị tổng thể của con người được thể hiện ở ba phương diện: Đó là nhân diện (Những gì bạn đang sở hữu), nhân hiệu (Tài năng của bạn), giá trị nhân phẩm (Chuẩn mực đạo đức của bạn). Giá trị bên ngoài không nói lên được điều gì. Đó chỉ là giá trị tạm thời. Người sống vì mình luôn chú trọng đến giá trị bên ngoài - vẻ đẹp bên ngoài và tiền bạc trong tay. Người sống có trách nhiệm với bản thân luôn chú trọng đến việc bồi dưỡng tài năng và nhân phẩm.
Tài năng phải do gọt dũa, rèn luyện mà thành. Tuy nhiên, ranh giới giữa những giá trị khá mỏng manh. Vì vậy không nên tuyệt đối hóa giá trị riêng mình. Nhiều người đã bất chấp thủ đoạn, chà đạp lên người khác để đảm bảo quyền lợi của mình. Họ có thể dùng tiền mua bằng cấp để tạo nên giá trị nhân hiệu. Nhưng đó không phải là giá trị đích thực. Đó là cách sống vị kỉ.
Xã hội con người vốn đa dạng. Có những người sống vị kỉ nhưng cũng có những người sống quên mình vì người khác. Nước Nhật vừa trải qua một trận động đất kinh hoàng để lại biết bao nhiêu tổn thất cho người dân. Con người ở giữa cái chết và cái sống. Một em bé lạc mất cha mẹ, bơ vơ, lạ lẫm, xếp hàng hằng giờ liền để nhận lương khô. Em được viên cảnh sát cứu trợ ưu tiên nhận trước, nhưng em đã chối từ vì còn nhiều người đói hơn em. Đó là một cử chỉ đẹp xuất phát từ một tâm hồn đẹp. Dù nhỏ tuổi nhưng em đã biết sống cho người khác. Có sự hi sinh cao đẹp và có cả sự hi sinh đau đớn.
Trong một video clip trên mạng xã hội mà tôi từng được xem, ông bố là người điều khiển cây cầu vượt. Ông có một cậu con trai duy nhất. Một lần, không may bộ phận điều khiển gặp trục trặc. Cậu con trai chơi gần đó phát hiện ra và cố hạ cần gạt. Đến khi người cha nhận ra thì đã muộn. Con ông bị mắc kẹt dưới gầm cầu. Chưa đầy một phút, ông phải đưa ra quyết định. Người đàn ông hạ cần gạt. Đồng nghĩa với việc ông hi sinh cậu con trai. Đó là sự hi sinh đau đớn. Ông đã hi sinh để đem lại hạnh phúc tổng thể cho nhiều người.
Không ai là không sống cho bản thân. Nhưng tùy vào cách sống mà họ lựa chọn có là lối sống đẹp hay chưa? Sống không nên buông thả hay quá đề cao bản thân mình. Vì như vậy sẽ làm cho bạn cách xa mọi người. Hoặc quá xem thường bản thân sẽ dẫn đến tự hủy hoại bản thân mình. Không khỏi nhắc đến việc xem thường bản thân là một điều dại khờ. Tính mạng và tinh thần của bạn là kết quả của bố mẹ mang nặng đẻ đau. Bạn cần phải nâng niu, trân trọng. Nhưng đừng vỉ bản thân mà chà đạp lên người khác. Phải biết dung hòa giữa quyền lợi cá nhân và tập thể. Phải biết chia sẻ để cuộc đời có ý nghĩa. Vì tất cả đều phải tương đối thì mới tồn tại được.
Hãy sống có trách nhiệm với bản thân nhưng cần có điểm dừng giữa hai lối sống vì mình và vì cả người khác nữa. Vì cuộc sống còn biết bao nhiêu người khác đang cần ta chia sẻ. Chia sẻ cho họ cũng là cho mình đấy thôi. Bởi vì “Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta còn vương mùi hương” – Ngạn ngữ Bungari.