Bài văn nghị luận xã hội về học đi đôi với hành số 6
Lê nin đã từng nói: “Học đi đôi với hành”, đây được coi là một trong những phương pháp học tập hiệu quả giữa việc học lí thuyết và thực hành. Câu nói ấy đã trở thành một phương châm, bài học kinh nghiệm cho mỗi chúng ta để ta có thể vận dụng hiệu quả những gì đã được học vào cuộc sống.
Trước hết, “học” là một quá trình xử lí, tiếp nhận những kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm từ thầy cô, sách vở,… Nó còn là kiến thức nền tảng để áp dụng những gì được học vào thực tế. “Hành” là thực hành, là quá trình vận dụng lí thuyết vào giải quyết các nhu cầu của cuộc sống, lao động sản xuất. Thực hành sẽ giúp chúng ta nhớ kiến thức lâu hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ý nghĩa của câu nói trên là việc học và thực hành phải đi đôi, song hành với nhau mới mang lại được kết quả cao cũng như nâng cao hiệu quả công việc.
Nếu học không đi đôi với hành thì người học sẽ không nắm được các kĩ năng, các cách vận dụng lí thuyết trong việc xử lí các tình huống. Đồng thời, việc này sẽ biến người học trở thành những con mọt sách, chỉ biết kiến thức mà không biết thực hành, vận dụng. Còn nếu hành mà không học thì sẽ gặp khó khăn, thất bại, hiệu quả công việc sẽ thấp bởi người học không được trang bị những kiến thức nền tảng, không có cơ sở để thực hành. Điều này có thể dẫn đến mù quáng, gây ra những sự cố hoặc thiệt hại lớn.
Chẳng hạn như học sinh được học lí thuyết về các phản ứng hóa học nhưng lại không được thực hành thì lượng kiến thức đó không được vận dụng, người học chỉ biết chất này có màu, mùi gì mà không được nhìn thấy, thử nghiệm thì sẽ rất khó để hình dung ra chất đó. Cũng giống như việc cho các chất phản ứng với nhau gây ra hậu quả cháy nổ do không nắm được các kiến thức cơ bản.
Học đi đôi với hành là một phương châm học tập rất đúng đắn. Chỉ khi kết hợp hai yếu tố đó hiệu quả của việc học mới đạt chất lượng tốt, người học sẽ tích lũy được kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Học đi đôi với hành còn tránh gây lãng phí thời gian cho người học và cả hệ thống đào tạo. Hơn nữa, đó cũng là cách để Việt Nam khẳng định chất lượng giáo dục trong khu vực và trên thế giới. Cách học như vậy sẽ không gây ra sự nhàm chán cho người học, ngược lại còn có tác dụng tạo sự hứng thú, nhiệt tình cho người học.
Tuy nhiên, thực trạng việc học ở nước ta hiện nay chưa đảm bảo được yêu cầu đó, nhiều nơi chưa được trang bị đầy đủ các phòng thí nghiệm hay các phòng học chức năng nên việc vận dụng kiến thức vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là việc chúng ta chưa ý thức tầm quan trọng của học đi đôi với hành nên chỉ chăm dạy lí thuyết suông mà quên mất phần áp dụng những gì được học vào cuộc sống.
Chúng ta cần phê phán những hiện tượng học không đi đôi với hành. Để thực hiện phương châm này mỗi chúng ta, người học phải xác định rõ mục đích học tập của mình, “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tự khẳng định mình” (UNESCO). Chúng ta cần nắm chắc lí thuyết rồi vận dụng vào thực tiễn. Như vậy, chất lượng người học sẽ được nâng cao và đáp ứng được đầy đủ các đơn đặt hàng, các yêu cầu của xã hội trong thời buổi công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện tại.
Học đi đôi với hành luôn là một phương châm học tập đúng đắn và nhờ phương pháp học đó mà người học được phát triển toàn diện cả về lí thuyết lẫn thực hành. “Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” (Hồ Chí Minh).