Bài văn nghị luận xã hội về đức tính khiêm tốn số 4
Khiêm tốn không chỉ là một đức tính tốt mà nó còn là nghệ thuật sống, là nền tảng vững chắc giúp mỗi người chúng ta tạo lập sự nghiệp.
Vậy, lòng khiêm tốn là gì? Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong công việc và trong cuộc sống, những người có thái độ khiêm tốn thường không thỏa mãn với những gì mình đã đạt được mà ngược lại, họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể đạt được những thành quả cao hơn nữa. Vì vậy, họ thường gặt hái được nhiều kết quả và thành công mỹ mãn.
Lâm Ngữ Đường, một học giả Trung Quốc đã từng nói: ”Lòng khiêm tốn có thể coi là một bản tính căn bản cho con người trong nghệ thuật xử thế và đối đãi với sự vật”; bởi thế, lòng khiêm tốn là một thái độ rất cần thiết đối với mỗi người. Bất luận khi mình làm nghề gì, đảm nhiệm chức vụ cao thấp như thế nào, thì chúng ta phải lấy khiêm tốn làm trọng, bởi chỉ có lòng khiêm tốn, con người mới luôn có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ. Khiêm tốn sẽ chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ ra thái độ kiêu căng tự mãn, và giúp ta biết bình tĩnh và tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Chỉ cần có lòng khiêm tốn, chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn và được mọi người yêu quý.
Khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, và người biết khiêm tốn sẽ lấy thành công đó làm động lực thúc đẩy họ tiếp tục tiến lên phía trước. Nhưng trái lại, những kẻ tự mãn, ngu ngốc đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập những thành quả mới. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh.
Thực chất thì chúng ta không có đủ tư cách để có thể tỏ ra kiêu ngạo trước những người khác, trí tuệ của chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ giữa cả một sa mạc tri thức rộng lớn, bởi lẽ "Đời người có hạn mà tri thức lại vô hạn”. Cho dù chúng ta có tài giỏi đến mức nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải tiếp tục học hỏi không ngừng để mở mang hiểu biết nhiều hơn nữa; có như thế, ta mới đạt được nhiều thành công trong tương lai.
Trong cuộc sống hiện diện rất nhiều người có lòng khiêm tốn, chẳng hạn như nhà bác học vĩ đại Einstein, ông đã từng nói: "Tôi chỉ là một người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng?". Và cũng như Einstein, nhà thơ Tố Hữu đã viết về lòng khiêm tốn của vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh: "Như đỉnh non cao tự giấu hình. Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”.Bác Hồ quả là một người khiêm tốn, ai ai khi gặp Bác đều thấy được vẻ đẹp nội tâm sâu sắc của Bác qua cử chỉ, lời nói, hành động, nụ cười đều rất giản dị và đáng kính biết mấy.
Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, khiêm tốn trước người, khiêm tốn trước đời, để có thể đạt được nhiều thành công trên đường đời.