Bài văn nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể số 11
Tuổi thơ ai lớn lên đã từng được bà, mẹ hát ru những câu hát của Tố Hữu:
“Con ong làm mật, yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.”
(“Tiếng ru”)
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không sống một mình mà phải cùng nhau. Bởi cá nhân luôn có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng.
Cá nhân là bạn, là tôi, là một người, một cá thể hay có thể hiểu là “cái tôi” riêng biệt, có ý thức và sự độc lập nhất định đối với xung quanh. Còn “tập thể” chính là một nhóm, một tổ chức, một xã hội hay rộng lớn hơn là một thế giới. Tập thể ấy không phải sự ghép lại cơ học của các cá thể mà có sự liên kết hoặc thống nhất về mục tiêu hay một mục đích, đặc điểm chung nào đó. Như vậy. có thể thấy cá nhân và tập thể có mối quan hệ qua lại, chặt chẽ với nhau.
Nếu nói tập thể là một cánh đồng rộng lớn thì cá nhân chính là mỗi bông lúa trên cánh đồng ấy. Nếu nói tập thể là một căn nhà thì cá nhân chính là chiếc rường, chiếc cột xây dựng lên ngôi nhà ấy. Cá nhân chính là yếu tố cơ bản và trực tiếp xây dựng lên cộng đồng. Núi cao cũng cần có đất mà tạo thành, biển hay sông cũng phải từ nước mà nên. Một cá nhân có thể không tham gia vào bất cứ tập thể nào, nhưng không có tập thể nào tồn tại mà không cần đến cá nhân. Chỉ một vùng đất được gọi là quốc gia khi nó có người dân sinh sống ở đó. Nhưng đó chưa đủ, tập hợp những cá nhân riêng rẽ không làm nên tập thể và một tập thể vững mạnh. Đó cần phải là sự hợp nhất, thống nhất giữa các cá thể và đôi khi còn là sự nhường nhịn và sẻ chia. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta thắng lợi được những cường quốc, đế quốc thế giới chẳng phải bởi sự đồng lòng, quyết tâm và ý thức dân tộc của hàng triệu trái tim Việt Nam đó sao? Như lẽ sống của đất tôn nhau lên, lẽ sống của nước hòa vào nhau, của cỏ tan vào nhau, những cá nhân viết sẻ chia và tôn nhau sẽ làm nên ngọn núi, làm nên biển cả với những con sóng cuộn trào hay những thảm cỏ xanh tươi của sự sống.
Nhưng nói như thế không có nghĩa chúng ta phải biến mình thành đám đông. Mỗi người là một cá thể riêng biệt, là món quà độc nhất của tạo hóa. Những tính cách riêng, những sở thích và khả năng riêng, không chỉ xây dựng tập thể mà còn làm cho tập thể đa sắc màu và phát triển đa dạng. Và một tập thể vững mạnh là tập thể không có chữ “kỷ” nhưng biết tôn trọng cái “tôi” để phát huy sức mạnh cá nhân. Có người chọn mình là “chiếc lá” để xanh cho đời nhưng cũng cần có những người “vá trời lấp bể”, “đắp lũy xây thành” để lãnh đạo và hướng tập thể đến những chặng đường mới. Đó là cách mà Hồ Chí Minh, Lê Nin. M.Gandhi, J. Luther King,… đã chọn.
Nhưng ngược lại, chỉ có ở trong tập thể, cá nhân mới có thể tồn tại và phát triển một cách toàn diện nhất. Biển cả thiếu một giọt nước vẫn là biển cả, nhưng giọt nước ấy không có biển cả, sẽ sớm trở thành hư vô. Ngọn núi nếu thiếu một viên sỏi vẫn là ngọn núi nhưng viên sỏi ấy lại chẳng có nghĩa lý gì. Tập thể sẽ cho cá thể một sự xác nhận tồn tại ý nghĩa. Trong tập thể, mỗi cá nhân được đảm bảo quyền lợi và phát triển. Trong cộng đồng, ta học được cách giao tiếp và kết nối. Có một bờ vai để dựa mỗi lúc ngã lòng, có một tấm lòng luôn sẵn sàng lắng nghe, một bàn tay sẵn sàng nâng đỡ, không phải cuộc sống vội vã và phức tạp ngoài kia sẽ tốt hơn nhiều sao? Xu thế hội nhập toàn cầu với các tổ chức liên kết quốc tế ngày càng nhiều cũng là những cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập và phát triển. Sự tham gia tổ chức ASEAN, APEC hay Liên Hợp Quốc, … chính là những minh chứng rõ nhất.
Tuy nhiên, tập thể không có nghĩa là cái bọc để cá nhân có thể mượn danh để ỷ lại, không chịu cố gắng. Hiện nay, trong xã hội phức tạp, rất nhiều người dựa vào tư duy đám đông, lấy đám đông để bảo vệ mà a dua nói xấu, làm hại người khác.
“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng
Một người - đâu phải nhân gian
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!”
Những câu thơ của Tố Hữu không chỉ để ru trẻ nhỏ mà còn để thức nhận những người lớn chúng ta. Sống sao để hòa nhập nhưng không hòa tan để có thể tỏa sáng.