Bài văn nghị luận về tinh thần tự học số 6
Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: “Nếu còn trẻ mình chẳng chịu học hành thì khôn lớn sẽ chẳng làm được việc gì có ích” hoặc “Bất học bất tri lí”. Vậy thì chúng ta cần học thế nào cho đúng, cho có kết quả? Và qua kinh nghiệm bao đời được đúc kết, người ta đã nhận ra rằng chỉ có tự học mới là phương pháp hữu hiệu nhất.
Suốt lịch sử phát triển mấy nghìn năm, nhân loại đã tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ. Vì thế, muốn tiếp thu những tinh hoa ấy, con người chỉ có một cách duy nhất là phải học suốt đời. Bác Hồ đã từng dạy: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”, Lê – nin đã khuyên: “Học, học nữa, học mãi”. Vì thế, tự học là xác định được ý thức, học có mục đích và học một cách tự giác.
Thực tế đã cho ta thấy những tấm gương tự học như Mạc Đĩnh Chi vì nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp sáng nên ông đã bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng thay đèn để học bài. Hay nhà toán học Lương Thế Vinh từ một đứa trẻ chăn trâu vẫn luôn tu chí học hành, hoặc không ai xa là Bác Hồ từ một anh Ba phụ bếp, người thợ ảnh ở ngõ nhỏ đến người thợ quét tuyết trong công viên, Bác vẫn không ngừng tiếp thu và học tập để nâng cao hiểu biết về văn hóa, lịch sử nhân loại, rút ra những kinh nghiệm bổ ích và Người đã trở thành một danh nhân văn hóa thế giới…
Những minh chứng trên phải chăng đã quá sáng tỏ để nhận ra rằng, có tự học, chúng ta mới xác định được năng lực của bản thân. Khổng Tử đã dạy: “Bể học không bờ”, vì thế ta không nên nản lòng khi thấy việc học của ta còn nông cạn, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và ta cần phải cố gắng bồi đắp bằng ý chí và nghị lực của mình bởi việc tích lũy kiến thức của con người như “Kiến tha lâu đầy tổ”. Càng học chúng ta mới nhận ra rằng có tự học, chúng ta mới tiến bộ nhanh và có những kết quả vững chắc.
Tự học sẽ giúp chúng ta có thêm nghị lực, niềm tin trong cuộc sống. Ngạn ngữ Hi Lạp có câu: “Học vấn như những chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Vì thế bước đường tự học bao giờ cũng sẽ bắt đầu với nhiều trở ngại, khó khăn dễ làm ta chùn bước nhưng nếu ta có ý chí, quyết tâm vươn lên trở ngại khó khăn thì những đắng cay sẽ cho ta những hoa quả ngọt ngào. Lúc bấy giờ, ta mới thấy được hết giá trị của học vấn. Như cô bé Trần Bình Gấm bán khoai đã đậu ba trường đại học, nhận học bổng “Học trò giỏi – hiếu thảo” của báo Tuổi trẻ bằng tinh thần tự học, bằng sự cần cù, siêng năng, vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân mình là một tấm gương cho bạn trẻ hôm nay.
Nhưng lại có một phần các bạn trẻ ngày nay được học ở trường dưới sự dìu dắt của thầy cô nhưng chỉ học chày, học vẹt, học dựa dẫm thì kết quả sẽ không có hoặc chỉ là những điểm ảo. Một khi các bạn ấy tự bơi ngoài biển rộng, họ sẽ chìm ngập vì không có phao, không có bàn tay của thầy. Phải chăng đó là điều các bạn muốn? Để tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống sau này, mỗi người cần phải trang bị một khối lượng kiến thức cũng như một cách học phù hợp, phải xác định đúng mục đích và động cơ học tập; học để nắm vững những kiến thức cơ bản, học và làm bài đầy đủ để cũng cố kiến thức… tham khảo trong cuộc sống để mở rộng vốn hiểu biết…
Học ở sách là một trong những phương pháp tự học tốt nhất nhưng việc học này cần phải được thực hiện thật nghiêm túc, tức là đọc có chọn lọc, suy nghĩ, có hệ thống chứ không phải là chép, học thuộc để đối phó… Vẫn còn rất nhiều phương pháp tự học, vì vậy, mỗi người cần phải tự chọn cho mình một cách học phù hợp và hiệu quả nhất.
Tự học là phương pháp tốt nhất để tiếp thu, tích lũy những điều thú vị ở quanh ta. Mỗi người cần tập dần tính tự học để có kiến thức uyên bác làm giàu cho đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay muốn chiếm lĩnh được đỉnh cao khoa học, làm chủ cuộc sống và tương lai thì phải xác định được phương pháp học tập đúng đắn nhất là tự học.