Bài văn nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái số 5
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh núi Thái Sơn cao vời vợi và nước trong nguồn vô tận kia được đem ra so sánh với “công cha, nghĩa mẹ”. Cha mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lớn để mau thành người. Tấm lòng của cha mẹ dành cho con thật là vô tận, công lao ấy chỉ có thể so sánh với núi sông hùng vĩ và trường cửu mà thôi. Vì vậy, khi ta trưởng thành có thể tự lo cho cuộc sống, ta phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ và luôn luôn đem lại niềm vui cho cha mẹ. Công ơn của cha mẹ như trời biển nên những việc ta làm không thể đền đáp đủ được. Chính vì thế, bằng tình cảm biết ơn cha mẹ tự đáy lòng, ta phải cố gắng hết sức và chân thành tự nguyện phụng dưỡng cha mẹ mình. Đó là một phần bổn phẩn của con cái trong gia đình và là tình cảm của con cái đối với cha mẹ.
Vậy ta hiểu như thế nào là tình cảm của con đối với cha mẹ? Đó đơn giản là thứ tình cảm từ trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người chúng ta - một tình cảm hết sức cao cả, thiêng liêng, vô cùng trong sáng mà chẳng gì có thể mua được. Đó là sự vun đắp gắn chặt lâu bền giữa người con đối với cha mẹ.
“Mẹ thương con con có hay chăng
Thương từ khi thai nghén ở trong lòng.”
Đúng như lời bời hát, người con kể từ lúc còn trong bụng đã cảm nhận được biết bao tình cảm của người mẹ và cả sự quan tâm chăm sóc của người cha. Và rồi khi ta chào đời, ta lại được nuôi lớn bằng dòng sữa ngọt ngào của người mẹ và bao vất vả khó nhọc của cha. Cha mẹ - những người có công rất lớn trong cuộc đời chúng ta, những người đã chứng kiến từng giai đoạn chúng ta trưởng thành và lớn lên. Từ “ba tháng biết lẫy”, “bảy tháng biết bò” rồi đến “mười tháng lò giò biết đi”, họ trông mong chúng ta khôn lớn từng ngày. Ngay từ những bước tập đi đầu đời, ta ngã thì cha mẹ đã vội chạy lại nâng đỡ dỗ dành hết sức khi con khóc, ngày con biết tập nói cả nhà như tập nói theo con. Thời gian cứ thế trôi đi, đồng nghĩa với việc con ngày càng khôn lớn và cha mẹ lại ngày càng vất vả hơn.
Họ phải lo cho chúng ta từ cái ăn, cái mặc đến cái học hành. Cho dù vất vả mệt nhọc như thế nào thì họ vẫn luôn yêu thương, che chở cho con. Có ai trên đời này dám đảm bảo rằng từ lúc nằm trong nôi cho đến khi trưởng thành mà không làm cho cha mẹ mình buồn không? Lúc còn bé ta đã bao lần làm cha mẹ phải buồn lòng: nói dối cha mẹ, trốn học, bỏ học, cãi lại cha mẹ,… Chúng ta làm cho cha mẹ phải phiền lòng như vậy, ta chỉ thấy họ mắng chúng ta, có đôi lúc còn vung tay đánh mấy cái nhưng đâu có ai biết rằng đánh chúng ta đau như thế nào thì trong lòng họ lại đau bội phần. Họ thương chúng ta lắm nhưng không bộc lộ ra ngoài mà chỉ toàn là mắng chửi là vì học muốn ra nhận ra cái sai trong việc mình làm và hối lỗi. Nhưng ta đâu hiểu họ, hiểu được tấm chân tình của họ để rồi ta nghĩa rằng họ ghét ta lắm. Chúng ta chẳng không bao giờ biết được tình cha mẹ bao la biết chừng nào cho đến khi chúng ta trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Khi lớn lên rồi ta mới biết được cha mẹ ta bao dung biết nhường nào bởi ta làm sai hay đối xử tệ bạc với cha mẹ thì họ vẫn luôn sẵn sàng tha thứ. Sau này lớn lên, bước vào đời, rời xa vòng tay yêu thương, che chở của cha mẹ ta mới biết được trên đời chẳng có ai quan tâm đến ta bằng họ.
Thử hỏi xem khi bạn ốm ai là người chăm sóc bạn? Khi bạn bị thương ai là người lo lắng nhất? Khi bạn buồn ai sẽ là người luôn có mặt ở bên để an ủi động viên, khi bạn vui ai sẽ là người ở bên để sẻ chia niềm vui đó cùng bạn? Những lúc đó chẳng ai có thể quan tâm bạn hết mực bằng cha mẹ bạn. Nói như vậy mới biết được tầm quan trọg của cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, sống trong một gia đình thì làm sao tránh khỏi nhữg hiểu lầm xung đột. Con cái càng lớn, cái tôi trog con người ngày càng lớn. Có đôi lúc, cha mẹ trách nhầm, hoặc chửi oan con cái thì lúc đó cái tôi trog con người ta tự dưng bộc lộ ra. Chúng ta tự xây lên cho mình giải ngăn cách tình cảm giữa cha mẹ và con cái để rồi chúng ta không hiểu rõ lẫn nhau, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Hiện nay trên nhữg phương tiện truyền thông đại chúng tràn lan nhữg tin tức ví dụ như con chỉ vì cha mẹ chửi mắng vài câu mà bỏ nhà ra đi, nhảy lầu tự tử,…
Nguyên nhân cơ bản cũng chỉ vì chúng ta không hiểu rõ nhau mà dẫn đến nhữg kết quả đó. Hầu hết các ông bố, bà mẹ, nhất là các bà mẹ, luôn khẳng định "yêu thương con cái hơn mọi thứ trên đời". Với họ, đó là một kết luận không cần phải chứng minh. Thế nhưng, liệu con cái có yêu thương bố mẹ không? Trước câu hỏi này, nhiều người gật đầu hài lòng nhưng không ít người lại ngập ngừng: "Chắc là có, nhưng thật khó hiểu những biểu hiện của bọn trẻ, sao có lúc chúng quá vô tâm, vô tình, chẳng quan tâm gì đến bố mẹ". Cha mẹ luôn dành đến cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất tại bởi họ yêu thương ta vô bờ bến, tình yêu thương đó đôi lúc quá lớn mà chính nó lại hủy hoại đứa con mình. Chỉ vì sợ con vất vả mà làm hết mọi việc cho con để rồi dần dần hình thành trong con người chúng ta những thói hư tật xấu, ỷ lại người khác. Rõ ràng cha mẹ đã sai khi thay con làm hết mọi việc nhưng một phần lỗi cũng là con người con, bởi thấy cha mẹ mình khó nhọc mà cũg chẳng thèm giúp đỡ hay khi cha mẹ làm thay cho mọi việc cũng chẳng có lấy một lời cảm ơn.
Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, ta chưa đủ sức để giúp đỡ bố mẹ làm việc nhưng phải chăm ngoan, nghe lời cha mẹ, cố gắng siêng năng đạt thành tích cao trong học tập, như vậy dù chưa làm được việc gì giúp cho cha mẹ đỡ vất vả, nhọc nhằn nhưng như cũng đủ làm cho cha mẹ vui lòng. Không có đứa trẻ nào là không ham chơi, bỏ quên lời dặn của cha mẹ nhưng khi phạm lỗi rồi hãy biết nhận lỗi và sửa sai. Đây chính là lời xin lỗi gửi đến cha mẹ mình. Con cái ngày càng lớn lên, trưởng thành bao nhiêu thì cha mẹ ngày càng già yếu bấy nhiêu. Đây mới chính là thời gian mà mỗi người cha người mẹ cần đến sự báo đáp của con cái nhất. Sự báo đáp ở đây không phải là người con chỉ cần kiếm ra thật nhiều tiền để cho cha mẹ mình sống một cuộc sống sung sướng. Mà mỗi người con trưởng thành cần là một chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cha mẹ mình khi về nhà, cần phải thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực khiến cho tâm hồn họ đừng cảm thấy trống trải và cô đơn…Lúc này đây, khi ta đã đủ lớn, đủ trưởng thành để suy nghĩ về những điều đó, hãy bày tỏ tình cảm đó một cách chân thành và giản dị nhất, để sưởi ấm tấm lòng của cha mẹ, hãy học cách yêu thương, san sẻ, cảm thông cho nhau và quan tâm hơn đối với họ.
Sự quan tâm hay yêu thương đơn giản đó là lời chúc mừng và món quà sinh nhật trao tận tay, một đóa hồng cho những ngày lễ dành cho phụ nữ đối với mẹ; một buổi đánh cờ, nhâm nhi môt chút hay một cánh thiệp gửi đến ba trong ngày của cha… Đôi lúc, không cần quà cáp mà chỉ cần một lời chúc, lời nhắn gửi yêu thương cũng làm cho các bậc sinh thành nở những nụ cười thật tươi trong tận cõi lòng… Tuy nhiên, có bao nhiêu người trưởng thành đã làm được điều đó? Nhiều người, lúc nhỏ lại rất quấn quýt bên ba mẹ, lúc nào cũng ôm ốp và hôn ba mẹ, nhưng khi lớn lên thói quen ấy tan biến đi do những bộn bề, những mối quan hệ đan xen chằng chịt khác, khiến họ lãng quên đi những điều hiện hữu quý giá nhất… Lúc nhỏ, khi ba mẹ la mắng, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy rất buồn lòng dù sự la mắng ấy xuất phát từ sự răn dạy và yêu con. Nhưng khi chúng ta lớn, ta lại vô tình “la mắng” hay “bực mình” lại với bậc sinh thành… Sự la mắng hay bực mình ấy có hoà trong yêu thương? Hay chỉ là những áp lực vỡ oà trong cảm xúc, để trút giận đâu đó… Tuổi thơ, chúng ta thích thú, hạnh phúc biết bao khi được ba mẹ ôm ấp, vỗ về, được tặng quà, được dẫn đi chơi, được đáp ứng những sở thích… Ba mẹ chúng ta cũng vậy, dù họ không là trẻ thơ nhưng vì họ là người yêu chúng ta, nên rất cần sự quan tâm và yêu thương. Bởi yêu thương khó xuôi một dòng mà cần có sự tương tác qua lại thì cuộc sống của mỗi con người mới đủ đầy và trọn vẹn… Mỗi tháng có bốn tuần, mỗi tuần có bày ngày, mỗi ngày lại có hai mươi bốn giờ…
Yêu thương dành cho cha mẹ đó chỉ là những khoảnh khắc rất nhỏ bé của mỗi ngày nhưng lại rất quý báu. Đối với một người suốt ngày bận rộn làm kinh doanh, sự quan tâm đó là cuộc gọi mỗi buổi sáng sớm hỏi thăm ngày mới hay một cuộc gọi hỏi thăm ngày đã qua với cha mẹ. Nó dường như trở thành thói quen không thể thiếu đối với anh, tuy mỗi lần gọi chỉ một hai phút, và với nhưng câu hỏi quen thuộc... Nhưng anh chưa bao giờ ngưng nghe nụ cười từ phía đầu dây bên kia, nụ cười hạnh phúc của cha mẹ đã khiến anh dù xa gia đình hàng ngàn cây số vẫn cảm nhận được những yêu thương rất đỗi đong đầy... Yêu thương ấy không thể hiện ngay sẽ trở thành muộn màng… Gia đình mãi là nền tảng, là cội nguồn yêu thương. Cội nguồn ấy sẽ trở nên dạt dào hơn nếu được sự vun đắp từ những trái tim của con cái… Sự vun đắp ấy bắt nguồn từ việc dành thời gian, dành sự sẻ chia, chú ý đến những sở thích của cha mẹ, chăm chút tinh thần và sức khỏe cha mẹ bằng nhưng hành động rất giản đơn như trên không quá khó để thể hiện lòng hiếu thảo, sự yêu thương...
Ông cha ta có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” là như vậy. Cha mẹ chúng ta khi về già thường cảm thấy rất cô đơn vì con cái đều bận rộn với công việc riêng của mình, không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ. Nên để trở thành một chỗ dựa tốt cho cha mẹ mình, thì bên cạnh việc chăm lo đầy đủ về vật chất để cha mẹ không phải sống một cuộc sống cực khổ, những người con cần dành thời gian “chăm sóc” cuộc sống tinh thần cho cha mẹ mình hơn, từ việc thu xếp thời gian để tâm sự, trò chuyện hay đơn giản như từ chối một cuộc hẹn với bạn bè để về ăn bữa cơm gia đình cùng cha mẹ, như vậy cũng làm cho cha mẹ cảm thấy bớt cô đơn hơn. Hay những việc làm có ý nghĩa như vào những ngày lễ của cha của mẹ hoặc một dịp nào đó có ý nghĩa đặc biệt với gia đình thì bạn hãy mua một món quà dành tặng cho cha mẹ mình dù không phải là món quà có giá trị cao về vật chất mà chỉ đơn giản là một bó hoa thôi nhưng cũng có ý nghĩa về tinh thần rất lớn.
Tuy nhiên không phải người con nào cũng làm được như vậy, có những người họ chỉ nghĩ báo đáp công ơn của cha mẹ bằng cách đưa cho cha mẹ thật nhiều tiền, rồi lao vào công việc, vào những cuộc chơi với bạn bè nhưng họ đâu biết rằng điều những người cha người mẹ mong muốn ở con mình không phải như vậy. Dẫu biết rằng, sống ở đời ai cũng phải có sự nghiệp và bạn bè nhưng cũng đừng đam mê quá mà bỏ quên người đã mang ơn sinh thành, nuôi dưỡng ta khôn lớn, những người mà trong cuộc đời ta chỉ có một mà thôi. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, nhiều người con cho rằng cha mẹ già là gánh nặng của họ mà không ngần ngại cho đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão – nơi mà đáng lẽ ra chỉ có những người neo đơn, không nơi nương tựa mới phải ở, vậy mà những người cha, người mẹ có gia đình đấy, có con cái đấy mà vẫn phải vào đây, tuy cuộc sống có ăn, mặc đầy đủ nhưng thiếu thốn về đời sống tinh thần. Và còn rất nhiều những trường hợp ngược đãi cha mẹ khác chỉ về vấn đề tài sản hay những giá trị vật chất tầm thường khác. Chúng ta phải kịch liệt phê phán những con người đã không biết trân trọng mà còn chà đạp thứ tình cảm ca đẹp thiêng liêng đó.
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Hạnh phúc thay cho những đứa con được ấp ủ, yêu thương trong vòng tay cha mẹ! Làm con phải biết đối xử sao cho xứng với cha mẹ để cho tròn chữ hiếu. Bởi, chữ hiếu là nền tảng của xã hội. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người. Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc giacos an lạc, bình an thì xã hội , quốc gia đó mới có được an lạc, bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc, bình an thì thế giới của chúng ta mới có an lạc, bình an. Đúng như người xưa đã nói:
“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng biển.
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.
Tình cảm giữa cha mẹ với con cái là thứ tình cảm đáng quý nhất mà suốt cuộc đời này người con sẽ mãi trân trọg. Những ai đã và đang được nhận thứ tình cảm thiêng liêng ấy thì nhất định phải biết gìn giữ và trân trọng bởi nếu không có tình yêu thương đó thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nhiêu!