Bài văn nghị luận về suy nghĩ "Đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công" số 10
Ngày nay, xã hội cần nhiều người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học để phát triển đất nước nhưng cũng rất cần nhiều người thành thạo chuyên môn, tay nghề vững chắc được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trở thành người lao động có trình độ tiên tiến. Tạo áp lực tâm lí phải có bằng đại học sẽ vô tình đầy các bạn trẻ vào vòng quay hình thức để không ít người thất vọng và có thể căng thẳng đảo điên vì cứ trượt dài trên bậc thang không bao giờ tới. Xin hãy đề cao những người thành đạt với xuất phát điểm không phải với bằng đại học, xin hãy tôn vinh những người công nhân lành nghề thứ thiệt đang miệt mài lao động để sống vui và góp sức mình phát triển đất nước.
Trong gia đình, cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt và làm mình nở mặt nở mày, nhiều người không cần biết sức học của con và nhất mực yêu cầu con phải vào được đại học. Nhiều bạn trẻ không chịu nổi sự căng thẳng vì nhiệm vụ “bất khả thi” nên đã buông thả, mặc kệ hoặc có những hành vi thiếu kiềm chế để lại sự hối hận không bao giờ nguôi cho người lớn. Nếu không bắt đầu từ thực tế, từ khả năng, từ thực lực của con, người lớn có thể vô tình tạo áp lực không đáng có nhiều khi khủng khiếp làm các bạn trẻ quay cuồng, mất hết sáng tạo, không đủ tự tin và có lúc tuyệt vọng khi giấc mơ đại học không thành sự thật.
Ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt nhưng vào được đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Xã hội, gia đình và chính bản thân mình khòng chấp nhận các giá trị ảo, không quá đề cao tính hình thức của vấn đề thì nhận thức sẽ thay đổi, áp lực sẽ bớt và hiển nhiên những hành vi manh động, thủ ác trong nhà trường chắc sẽ bớt dần theo năm tháng.