Bài văn nghị luận về quyền trẻ em số 2
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”
Trẻ em chính là những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì vậy, các em cần có được những quyền lợi cần thiết được gọi là “quyền trẻ em”.
Hiểu một cách đơn giản nhất quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và phát triển một cách lành mạnh. Những quyền lợi này sẽ được quy định trong các bộ Luật, chịu sự kiểm soát của Nhà nước.
Đầu tiên, quyền lợi cơ bản nhất của trẻ em là có quyền được sống và được đáp ứng các nhu cầu cơ bản để tồn tại như được nuôi dưỡng, được chăm sóc sức khoẻ... Tuy nhiên, trên thực tế, hằng ngày có hàng triệu trẻ em phải chịu đựng thảm hoạ của đói nghèo, khủng hoảng kinh tế, tình trạng vô gia cư, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp... Hàng triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới không có những điều kiện thiết ỵếu để tồn tại như thiếu thực phẩm, nước uống, thiếu thuốc chữa bệnh... ở nhiều nước đang phát triển, đặc biệt những nước kém phát triển nhất (đặc biệt là các nước ở châu Phi). Những con số biết nói với mỗi ngày có tới 40.000 trẻ em chết do suy dinh dưỡng, bệnh tật, kể cả hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) hoặc do thiếu nước sạch, thiếu vệ sinh và do tác động của vấn đề ma tuý. Tỉ lệ tử vong của trẻ em nói chung, trẻ sơ sinh nói riêng ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Tiếp đến, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, bị bỏ rơi, bị bóc lột hay xâm hại. Nhưng trên thực tế, mỗi ngày cũng đều có vô số trẻ em bị phân biệt đối xử. Nhiều cuộc nội chiến vẫn nổ ra liên miên trên khắp thế giới. Có thể kể đến như cuộc chiến ở Cô-xô-vô, Nam Tư; cuộc chiến tranh của Mỹ và Anh ở I-rắc; cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan; các cuộc xung đột ở Trung Đông; chủ nghĩa khủng bố hoành hành khắp nơi... đã biến trẻ em thành nạn nhân của những cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, hàng triệu trẻ em là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, chế độ A-pác-thai, nạn khủng bố, bắt giữ con tin... mà gần đây nhất là vụ khủng bố đẫm máu ở một trường học nước Nga (Bes-lan) làm hàng trăm trẻ em bị giết, hàng trăm trẻ em sống sót trong nỗi kinh hoàng khôn tả… Cũng do chiến tranh và tình hình chính trị phức tạp, nhiều trẻ em trở thành người tị nạn, phải từ bỏ gia đình sống tha hương để trốn tránh nỗi hiểm nguy. Có nhiều trẻ em tàn tật đã trở thành nạn nhân của sự lãng quên, ruồng bỏ, hoặc bị đối xử tàn nhẫn, bị bóc lột. Cụ thể hơn, ở Việt Nam, chắc hẳn chúng ta không thể quên được liên tiếp các vụ việc các em nhỏ sơ sinh bị bỏ rơi trong hố ga, thùng rác…
Đặc biệt nhất là trẻ em có quyền được đáp ứng các nhu cầu cho sự phát triển một cách toàn diện như được học tập, được vui chơi giải trí, được tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao... Nhưng trong thực tế hiện nay, có hơn 100 triệu trẻ em không được đến trường hoặc chưa trải qua giáo dục cơ sở.
Những vấn đề mà quyền trẻ em đặt ra và thực tế cuộc sống đặt ra cho chúng ta một vấn đề lớn. Để những quyền trẻ em không chỉ là nằm trên những trang giấy, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội.
Trẻ em là một đối tượng cần được bảo vệ. Những quy định về quyền trẻ em đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để góp phần giúp cho cuộc sống của các em trở nên ngày một tốt đẹp hơn.