Bài văn nghị luận về chủ đề "Chớ nên tự phụ" số 6
Tony Hsieh từng nói: “Đừng tự mãn. Đừng hào nhoáng. Luôn luôn có người giỏi hơn bạn.” Đúng vậy, trong cuộc sống rộng lớn này, ta luôn có thể tìm thấy những con người tài giỏi khiến ta khâm phục, đó là lí do mà chúng ta: “Chớ nên tự phụ”.
Tự phụ là tự đánh giá quá cao tài năng, thành tích của mình, do đó coi thường mọi người, kể cả người trên mình. Một người tự phụ sẽ tự coi bản thân mình là giỏi giang, không ai sánh bằng, có thể tỏ thái độ kiêu căng, tự, mãn, không xem người khác ra gì bởi đối với họ, người khác vì thua kém hơn nên phải lép vế trước họ.
Điều này là rất không nên bởi nhân dân ta có câu: “Núi cao còn có núi cao hơn”, không ai trên đời này có đủ khả năng nhận mình là tài giỏi nhất và sư thật là cũng không có ai là giỏi nhất cả. Trong hơn bảy vạn người trên trái đất, ta chẳng qua chỉ là một hạt cát vô danh bé nhỏ, chỉ có một chút điểm sáng không có nghĩa ta là vần hào quang. Nếu xét khả năng của một người trong cùng một lĩnh vực, khó mà khẳng định người ấy tài giỏi nhất cho dù có xuất sắc đến đâu bởi trên khắp mọi miền thế giới có không biết bao nhiêu nhân tài, qua thời gian nhân tài ấy lại càng tăng lên do sự biến đổi và tuần hoàn không ngừng của vũ trụ. Còn nếu xét toàn diện, người xuất sắc ở lĩnh vực này chưa chắc đã thể hiện tốt ở một lĩnh vực khác.
Nếu là vậy, con người ta không có lí do gì để tự phụ về một chút tài mọn của bản thân cả. Hơn nữa, người tự phụ vì luôn đặt bản thân mình lên trước nhất lại coi thường người khác nên không những không được yêu quý và tôn trọng cho dù có tài năng đến đâu mà còn bị ghét bỏ, xa lánh, coi thường. Họ không biết rằng ở mỗi người đều có những điều tốt đẹp mà người khác cần học hỏi, không ai có quyền coi thường ai và không ai có quyền tự mãn về bản thân mình. Thêm vào đó, những người có tính tự phụ luôn có suy nghĩ bản thân đã đủ tài giỏi, hơn hẳn những người khác nên không có tư tưởng cố gắng, không chịu học hỏi thêm để tích lũy thêm tri thức trong khi bản thân chỉ mới có chút tri thức nhỏ nhoi chỉ bằng hạt cát trong kho tàng tri thức nhân loại. Lâu dần, tài năng có đến đâu cũng sẽ bị hao mòn, trở thành ếch ngồi đáy giếng.
Vậy làm thế nào để tránh tính tự phụ? Đầu tiên là phải hiểu quy luật vận động của xã hội, biết mình cần gì, muốn gì, biết mình là ai, luôn ý thức được sự hữu hạn của bản thân để luôn làm đầy thêm vốn hiểu biết cũng như đạo đức của mình. Tránh có suy nghĩ coi thường những người hiện tại chưa bằng mình mà cần chan hòa, giúp đỡ họ nếu cần thiết. Mỗi người đều mang trong mình những tài năng khác nhau mà chưa từng bộc lộ, ở mỗi người đều có điểm thiếu sót và hơn hẳn người khác, điều quan trọng là chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt, khắc phục những yếu điểm của bản thân đồng thời phát huy những ưu điểm để phát triển tốt nhất. Và không quên ý thức rằng bản thân còn nhiều điều cần học hỏi và chớ tự phụ về bản thân mình.
Nhưng một điều cần lưu ý đó là không tự phụ không đồng nghĩa với việc tự ti mà chỉ đồng nghĩa với khiêm tốn. Nếu quá tự ti thì sẽ trở thành người nhút nhát, không tin chính bản thân mình và không bao giờ có thể phát triển được. Người sống khiêm tốn thì được tôn trọng, kẻ tự phụ chỉ khiến cho mọi người xa lánh. Hãy nhớ rằng: “Chớ nên tự phụ” và cuộc sống sẽ trở nên thật tốt đẹp biết bao.