Bài văn nghị luận về câu hỏi tuổi trẻ phải sống như thế nào? số 3
Có rất nhiều điều khiến chúng ta dần thay đổi cách nhìn cuộc sống. Nhưng tựu chung lại, đó là những trải nghiệm. Trải nghiệm về thất bại có lẽ tác động tới tôi sâu sắc và mạnh mẽ hơn cả.
20 tuổi, va vấp, gục ngã và nhiều khi muốn buông xuôi, tôi mới thực sự nhận ra rằng tôi chưa từng có một sự định hướng rõ ràng cho bản thân. Tôi để tuổi trẻ trôi đi vô nghĩa. Và sau những thất bại triền miên, khiến tôi nhận ra, mình cần thay đổi. Tôi cần sống một tuổi trẻ khác- tuổi trẻ theo đúng nghĩa. Thế nhưng:
Tuổi trẻ cần sống như thế nào?
Đó có lẽ là câu hỏi khiến tôi và không ít những bạn trẻ như tôi luôn trăn trở đi tìm câu trả lời. Khi không thể tìm được câu trả lời đúng đắn, ta dễ lạc hướng. Và thất bại chỉ như một lẽ tất yếu nếu ta đi sai đường.
Đã xa rồi cái thời tuổi trẻ gắn với lí tưởng cách mạng của Đảng Cộng Sản, cái thời mà “ mặt trời chân lí chói qua tim”, tuổi trẻ hôm nay mang những dự định, ước mơ, lẽ sống và hướng đi muôn vàn khác biệt. Từ sự quan sát, học hỏi và trải nghiệm, tôi nhận ra vài dòng quan điểm lớn về lẽ sống của tuổi trẻ. Tôi cũng có vài người bạn, là những đại diện manh mẽ cho những quan điểm ấy.
Quan điểm thứ nhất: “tuổi trẻ cần chăm chỉ lao động, học tập và trau dồi tri thức, kĩ năng để có một tương lai vững chắc. Cần học khi người khác ngủ…cần có những định hướng rõ ràng”. Cô bạn của tôi đại diện cho quan điểm này là một học sinh ưu tú với bảng điểm là niềm mơ ước của vô vàn sinh viên. Cô bạn ấy không quá thông minh vượt trội nhưng chăm chỉ, cần cù và chịu khó học hỏi. Thời gian của cô bạn hầu như dành cho việc học, lên thư viện và đọc sách. Có thể nói, kiến thức học thuật của cô bạn rất tốt. Vậy nhưng, điểm yếu của cô bạn là ít tham gia các hoạt động xã hôi, ít quảng giao và ít có thời gian vui chơi hưởng thụ cuộc sống. Cô bạn yếu trong việc kết bạn và giao tiếp.
Quan điểm thứ hai: “ tuổi trẻ cần đi đó đây, cần tận hưởng tuôi trẻ, cần sống cho đam mê, cần làm những việc mình yêu thích, sống cho bản thân. Tuổi trẻ cần trải nghiệm, thách thức, cần thử nghiệm mọi điều ta có thể để không phải hối tiếc…”. Và đại diện cho quan điểm này là một cô bạn vô cùng năng động. Cô ấy là đội phó của một câu lạc bộ tình nguyện. Là người đam mê xê dịch, cô bạn đã đi khá nhiều nơi hấp dẫn. Mối quan hệ của cô ấy cũng cực kì lớn, những cuộc vui chơi với nhóm bạn và tổ đội cuốn cô ấy vào cuộc sống nhộn nhịp. Cô ấy có kha khá những kinh nghiệm về cuộc sống và cách tạo dựng các mối quan hệ. Những điều cô ấy làm thực sự rất thú vị và khiến cuộc sống của cô ấy không khi nào buồn tẻ. Nhưng cũng chính bởi đam mê xê dịch, cô bạn bùng kha khá những tiết học để đi du lịch, “tạch” kha khá môn học bởi không đủ số lượng buổi tham gia. Ngoài ra, việc quan hệ rộng và duy trì các mối quan hệ chiếm của cô gái kha khá thời gian học tập. Tất nhiên, cô ấy vẫn hoàn thành việc học, nhưng với một cách không tốt như cách cô ấy muốn.
Đứng giữa hai dòng quan điểm trên, tôi như vị quan tòa ba phải, lúc bênh vực bênh nọ, lúc bảo về bên kia bởi bản thân tôi cũng chưa tìm được định nghĩa đúng đắn cho mình. Nhưng hai hướng lí lẽ ấy khiến tôi cần suy nghĩ rất nhiều. Dưới góc nhìn của bản thân, tôi đều nhận thấy đước sự tích cực và cả tiêu cực trong hai hướng suy nghĩ ấy. Đó đều là những lẽ sống tốt, tuy nhiên có thiếu sót. Trước hết, về quan điểm thứ nhất, tôi đồng ý rằng tuổi trẻ cần đi đó đây, cần có trải nghiệm, cần thử thách bản thân… Mỗi chúng ta, chỉ có một tuổi trẻ. Đó là lúc ta có mọi thứ, có sức khỏe, có đam mê để thực hiện những mơ ước của mình. Đi nhiều, va vấp nhiều, trải nghiệm nhiều sẽ giúp ta mở mang hiểu biết, có những kĩ năng và kinh nghiệm cho cuộc sống. Tuy nhiên, điều gì quá cũng không tốt. Việc tham gia hoạt động xã hội quá nhiều, có thể ảnh hưởng tới việc tích lũy kiến thức học thuật. Chúng ta không thể thành công nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm hay quan hệ. Còn ở góc nhìn của quan điểm thứ hai, tôi cũng đồng ý rằng, việc học tập chăm chỉ và tích lũy tri thức rất quan trọng. Đó là nền móng để ta xây dựng tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ học như một cái máy, thì chúng ta đang tự biến mình thành con rô bốt, thiếu linh động và sáng tạo. Việc trải nghiệm và thử thách là cần thiết để ta biết áp dụng những kiến thức đúng nơi đúng lúc.
Hai quan điểm trên, tưởng như đối lập, nhưng lại đan xen và bổ trợ cho nhau. Tôi nghĩ rằng, để thành công, ta cần cân bằng được cả hai quan điểm đó. Tôi đã từng ghen tị với cô bạn học giỏi thật giỏi. Nhìn những tấm bằng khen, những giải thưởng bạn đạt được, tôi cảm thấy mình kém cỏi. Tôi cũng từng rất ghen tị với cô gái năng động hoạt bát của tôi. Tôi đặt cho mình hàng nghìn câu hỏi: tại sao tôi không thể làm được như cô ấy? Nhưng rồi tôi nhận ra, định nghĩa về thành công và mục tiêu của mỗi người là khác nhau. Một người có thể mạnh điểm này, những sẽ yếu điểm khác. Sẽ rất khó để làm tốt nhiều việc một lúc. Ta chỉ cần có định hướng rõ ràng cho mình, can đảm tiến theo ước mơ và không quên cần bằng những yếu tố khác. Vậy là đủ. Nhận ra điều đó, là lúc tôi ngộ ra rằng, tôi không nhất thiết phải giỏi tất cả, tôi chỉ cần biết cân bằng để hướng đi của mình không lệch lạc. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi không cố để giỏi như một ai đó vì tôi hiểu mỗi người có một thế mạnh riêng. Tôi không áp đặt lên bản thân bằng việc so sánh mình với người khác. Tôi biết rẳng TÔI TRẺ và tôi cần nỗ lực cố gắng hết mình trong mọi việc để đạt được những điều mình mong muốn. Cách nhìn tích cực khiến cuộc sống của tôi nhẹ nhàng hơn, và mọi thứ dần thay đổi.
Tôi đã nhìn thấy sự tích cực và chút tiêu cực ở hai quan điểm trên, và quan điểm thứ ba mà tôi đề cập tới lại mang đến những cái nhìn theo tôi là không tốt những lại chiếm đa số. Nhìn vào thái độ và hành động của hầu hết sinh viên hiện nay, ta thấy một thái độ sống khá thờ ơ, hưởng thụ và vô trách nhiệm. Trong suy nghĩ của các bạn rằng: “ tuổi trẻ ta có quyền hưởng thụ, có quyền vô tâm. Vì ta còn trẻ. Ta có quyền sai, “tạch” vài môn cũng đâu có gì ghê gớm…” Và cùng với những suy nghĩ ấy, ta thấy gì? Ta thấy sự thờ ơ trong thái độ sống, thờ ơ với những cái xấu và cả những điều tốt. Ta thấy sự vô trách nhiệm với gia đình, xã hội và chính bản thân của họ. Ta thấy ngày ngày họ lướt đi lướt lại những trang giải trí tiêu khiển, vô bổ. Ta thấy sự hưởng thụ, ăn chơi mà không hề áy náy của họ. Tôi xin phép không bình luận thêm về cách sống này vì theo tôi nó hoàn toàn không phải một lẽ sống đẹp.
Trước đây, tôi vẫn tiêu cực mà nghĩ rằng, tại sao họ chơi bời, tại sao họ không lo lắng gì, họ vẫn họ tương lai? Họ dựa vào gia đình, quan hệ hay chăng?… Tôi trách cuộc sống bất công. Nhưng giờ tôi nhận ra rằng: Cuộc sống bất công theo một cách rất công bằng. Mọi thứ đều có giá của nó. Và TUỔI TRẺ thì không nên đánh đổi bằng bất cứ giá nào. Tôi ngừng phán xét, than vãn, thay vào đó, tôi gắng sống hết mình để có một tuổi trẻ không hối tiếc.