Bài văn nghị luận về biến đổi khí hậu số 9
Có một câu nói được khá phổ biến thế này: Con người đối xử với thiên nhiên như thế nào thì thiên nhiên sẽ đối xử với con người như thế ấy. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các nền kinh tế, sự xuất hiện tràn lan của các khu công nghiệp và số lương ngày càng tăng lên của phương tiện giao thông, mặt trái của sự phát triển đang ngày càng đặt ra những thách thức khó giải quyết về môi trường đối với tất cả loài người trên địa cầu. Một trong những vấn đề nhức nhối nhất chính là biến đổi khí hậu.
Thực vậy, nhân loại đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong do tác động của nạn ô nhiễm môi trường dẫn đến sự biến đổi khí hậu và những thiên tai gần đây như động đất, sóng thần, núi lửa… đang gây nên những hiểm họa khôn lường cho nhân loại. Các nhà khoa học gọi chung nguồn gốc của những vấn đề ấy là Biến đối khí hậu. Vậy thực chất biến đổi khí hậu là gì? Theo định nghĩa của Công ước Khung Liên Hiệp Quốc, biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu, được quy định trực tiếp hay gián tiếp là do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần khí quyển, và đóng góp thêm vào sự biến động khí hậu tự nhiên quan sát được trong khoảng thời gian so sánh được.
Có rất nhiều biểu hiện của việc khí hậu bị biến đổi. Đặc trưng nhất là sự nóng lên toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu được thể hiện rất rõ ràng với việc nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên gây hiện tượng El-nino, sự tan băng trên diện rộng và mực nước biển dâng cao bất bình thường. Điều này gây nên những hậu quả không thể lường trước được đến chính đời sống con người trên mọi quốc gia hay vùng lãnh thổ.
Nguyên nhân trực tiếp gây nên những điều đó là hiệu ứng nhà kính. Theo các nghiên cứu, hiệu ứng nhà kính tự nhiên giúp duy trì và phát triển sự sống ở trái đất. Nhưng dưới tác động của khí thải xả ra môi trường trong hoạt động sản xuất, phát triển công nghiệp, hiệu ứng nhà kính có diễn biến phức tạp và biến đổi theo hướng tiêu cực. Vậy nhưng đó chỉ là nguyên nhân trên bề mặt. Nguyên nhân sâu xa, là nguồn cơn của mọi chuyện lại chính là do con người. Sự tác động của con người tới thiên nhiên như: chặt phá rừng mất cân bằng sinh thái, sử dụng hóa chất như thuốc sâu, thuốc cỏ thiếu khoa học, rồi khói và chất thải công nghiệp, chất thải đô thị xả trực tiếp ra môi trường bên ngoài mà không qua xử lí đã làm thủng tầng ozon gây nên hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng dần lên của trái đất. Con người không ngừng xây dựng, đục khoét trái đất, xây hầm, khai thác mỏ làm biến dạng lớp vỏ trái đất. Con người với những hận thù, tham vọng bá chủ thế giới, không ngừng chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí hóa học, bom đạn, gây chiến tranh liên miên…
Tất cả việc làm của con người sẽ dẫn đến sự giận dữ của thiên nhiên và báo hiệu sự diệt vong của trái đất. Rồi đến một ngày nào đó, nhân loại sẽ bị diệt vong do chính những việc làm mà mình gây ra. Và điều đó đang xảy ra ngay trong chính cuộc sống của chúng ta, diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trước tiên, biến đổi khí hậu và lượng cacbon dioxite ngày càng tăng cao đang thử thách các hệ sinh thái của chúng ta. Hậu quả là thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm. Và kéo theo là hàng loạt các vấn đề y tế, xã hội liên quan khác không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mà còn là vấn đề sinh tồn. Không chỉ vậy, nhiệt độ Trái Đất tăng cao bất thường đang làm cho các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 6,4 độ C nữa. Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Các nhà sinh vật học nhận thấy đã có một số loài động vật di cư đến vùng cực để tìm môi trường sống có nhiệt độ phù hợp. Ví dụ như là loài cáo đỏ, trước đây chúng thường sống ở Bắc Mỹ thì nay đã chuyển lên vùng Bắc cực.
Về kinh tế: Các thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra cũng ngày càng tăng theo nhiệt độ trái đất. Các cơn bão lớn làm mùa màng thất bát, tiêu phí nhiều tỉ đô la; ngoài ra, để khống chế dịch bệnh phát tán sau mỗi cơn bão lũ cũng cần một số tiền khổng lồ. Khí hậu càng khắc nghiệt càng làm thâm hụt các nền kinh tế.Các tổn thất về kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người dân phải chịu cảnh giá cả thực phẩm và nhiên liệu leo thang; các chính phủ phải đối mặt với việc lợi nhuận từ các ngành du lịch và công nghiệp giảm sút đáng kể, nhu cầu thực phẩm và nước sạch của người dân sau mỗi đợt bão lũ rất cấp thiết, chi phí khổng lồ để dọn dẹp đống đổ nát sau bão lũ, và các căng thẳng về đường biên giới.
Chưa bao giờ giới y học lại bất lực trước các chủng loại virut, vi khuẩn như hiện nay. Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã tạo điều kiện thuận lợi cho các con vật truyền nhiễm như muỗi, ve, chuột,… sinh sôi nảy nở, truyền nhiễm bệnh gây nguy hại đến sức khỏe của nhiều bộ phận dân số trên thế giới. Tổ chức WHO đưa ra báo cáo rằng các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới.Hàng năm có khoảng hơn 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ dân số thế giới. Thậm chí ở một số quốc gia đã có sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh gây rối loạn cho việc nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh. Ngay cả ở Việt Nam, chúng ta cũng đang cùng chung một số phận như vậy.
Trong khi đang chờ đợi những quyết sách ở các cuộc họp bàn của các nhà khoa học, các nguyên thủ quốc gia, mỗi người trong chúng ta hãy tự cứu lấy mình bằng cách chung tay bảo vệ môi trường thông qua những hành động thiết thực: Không đốt phá rừng, khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây huỷ hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Không thải dầu, mỡ, hoá chất độc hại, chất phóng xạ quá giới hạn cho phép, các chất thải, xác động vật, thực vật, vi khuân, siêu vi khuẩn độc hại và gây dịch bệnh vào nguồn nước; không chôn vùi, thải vào đất các chất độc hại quá giới hạn cho phép; các quốc gia cam kết không sử dụng và sản xuất vũ khí hóa học, không gây chiến tranh; nếu dùng điện hạt nhân phải có quy trình chặt chẽ để bảo quản tránh sự cố khủng khiếp có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhà nước phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…Đặc biệt cần nâng cao ý thức cũng như kiến thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên – lứa tuổi gánh vác trên mình trọng trách của đất nước trong tương lai không xa.
Để có một tương lai tươi sáng, việc khắc phục và cải tạo thiên nhiên cần đặt lên hàng đầu. Con người nên nhớ chỉ một hành động rất nhỏ của mình cũng có thể đẩy trái đất đi đến ngày tận thế. Đồng thời cả nhân loại phải cùng chung tay giải quyết biến đổi khí hậu – một vấn đề toàn cầu chứ không phải vấn đề của riêng quốc gia hay cá nhân nào khác.