Bài văn chứng minh câu tục ngữ "Học ăn, học nói, học gói, học mở" số 8
“Học ăn, học nói, học gói, học mở” là câu tục ngữ này thường được dùng với nghĩa khuyên bảo nhau học hỏi để sống sao cho lịch sự, tế nhị, biết cách đối nhân xử thế, thành thạo các việc.
Học ăn học nói được hiểu là học để biết cách ăn, biết cách nói thế nào cho lịch sự, cho văn minh, chúng ta ai cũng hiểu điều đó. Nhưng còn học gói học mở? Và nó có liên quan gì đến lối sống, đến cách sống?
Theo các cụ, ở Hà Nội trước đây, các gia đình giàu sang thường gói nước chấm vào lá chuối xanh đặt vào cái chén xinh xinh bày lên mâm. Lá chuối tươi thường giòn, dễ gây rách khi gói, dễ bật tung khi mở. Phải khéo tay mới gói và mở được, vì vậy biết gói và mở trong trường hợp này được coi là tiêu chuẩn của con người khéo tay, lịch thiệp. Và để biết gói nước chấm, biết mở nước chấm ra ăn đều phải học.
Trong giao tiếp hàng ngày, bên cạnh cách nói đầy đủ này, người ta thường sử dụng câu thành ngữ này dưới dạng rút gọn: Học ăn học nói cũng nhằm diễn đạt ý trên. Từ lâu, lời nói luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vì thế mà trong kho tàng thành ngữ tục ngữ ở tất cả các nước đều có các lời khuyên về lời nói. Người Pháp có câu: Hãy uốn lưỡi bảy lần khi nói; Lời nói như lá cây, cây nào có nhiều lá thì ít quả… Người Trung Quốc có câu: Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy (một lời nói ra khỏi miệng thì xe bốn ngựa cũng không đuổi kịp)
Ông cha ta cũng có rất nhiều thành ngữ và tục ngữ khuyên răn về chuyện nói năng: Ăn bớt bát, nói bớt lời; Rượu lạt uống lắm cũng say/ lời khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm; Vạ tay không bằng vạ miệng; Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
"Ăn nói" ở đây chỉ về cách ứng xử, người giỏi giao tiếp cũng còn gọi là người biết cách ăn nói. "Gói" là giữ kín, không phải chuyện gì cũng tiết lộ được, không phải lúc nào cũng phải tỏ rõ thái độ. "Mở" là bày tỏ, có những chuyện cần phải nói, có những ý kiến cần phải biết cách trình bày để bắc được nhịp cầu thông cảm. “Học ăn” để con người biết lễ phép trong ăn uống, biết ăn trông nồi ngồi trông hướng và ăn sao đảm bảo được sức khỏe của bản thân. “Học nói” để thể hiện mình, giữ mối quan hệ xã hội, một phần giúp ích cho cuộc sống tương lai. “Học gói” để biết tóm gọn các lĩnh vực, phân chia phạm vi, biết tập trung vào chí hướng của mình. “Học mở” để giải quyết được những khúc mắc của bản thân từ đó tìm được ý nghĩ của cuộc sống.
Cái “học” này bắt đầu ngay từ trong gia đình và do gia đình là chính, nhà trường không có dạy môn học không giáo trình này.Đây mới thực sự là giáo dục, nhà trường chỉ chú trọng công tác đào tạo thôi. Người xưa muốn nhắn nhủ những việc như ăn nói gói mở tuy đơn giản chúng ta cũng cần phải học huống hồ là những việc lớn chúng ta lại càng cần phải học. Mỗi hành vi của con người ta đều là sự tự giới thiệu mình với người khác và đều được người khác đánh giá. Vì vậy, con người phải học để mọi hành vi, ứng xử điều chứng tỏ mình là người lịch sự tế nhị, thành thạo công việc, biết đối nhân xử thế, tức là con người có văn hóa có nhân cách.
Học cả người lớn và người bé, người già người trẻ, học trong mọi lúc mọi chỗ mọi nơi, tất tần tật chỗ nào mình cũng phải cho là mình còn thiếu kém về sở học. Các cụ nói rằn: “Đi đất khách quê người,đứa bé lên mười cũng gọi bằng anh”.
Vì vậy, qua câu tục ngữ này, người xưa một lần nữa khuyên nhủ con cháu hãy sống sao cho thật ý nghĩa, biết trên, biết dưới. Luôn luôn học hỏi mọi lúc, mọi nơi giống như Lê Nin từng nói “học, học nữa, học mãi”.