Bài văn cảm nhận về khổ 3 bài thơ "Tây Tiến" số 7
Có người từng nói "Thơ chỉ tràn ra khi trong ta cuộc sống đã tràn đầy". Thật đúng là như vậy! Chiến tranh đã đi qua, hòa bình lặp lại vậy mà ở vùng Tây Bắc ấy lại khơi gợi cho Quang Dũng một nỗi nhớ da diết khôn nguôi, phải chăng nơi đây đã đọng lại trong tác giả nhiều kỷ niệm? Chính vì nỗi nhớ ấy đã thổi hồn cho ông viết nên bài thơ Tây Tiến. Người lính Tây Tiến qua ngòi bút của Quang Dũng hiện lên thật nhiều khó khăn, gian nan, ta có thể thấy được qua khổ thơ cuối:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài vừa viết văn vừa làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc. Thơ ông phóng khoáng, lãng mạn-tài hoa. Bài thơ Tây Tiến được sáng tác ở Phù Lưu Chanh năm 1948 khi ông chuyển sang hoạt động ở đơn vị khác và nhớ về đơn vị cũ. Tuy đã chuyển hoạt động sang ở nơi khác nhưng những hình ảnh về vùng đất, con người nơi cũ vẫn luôn thường trực trong sâu thẳm tâm trí ông. Tây Tiến lúc mới ra đời đã bị cấm lưu hành, qua thời gian nét độc đáo, sáng tạo, cái hay trong thơ hiện rõ chính vì vậy mà nó được đưa vào sách giáo khoa ngày nay. Điều kiện thời tiết vùng Tây Bắc rất khắc nghiệt, nó ảnh hưởng trực tiếp đến người lính hành quân nơi đây:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
"Không mọc tóc" có thể hiểu là thời tiết ảnh hưởng, bị sốt rét làm đau đớn thân xác người lính. Tác giả nói "không mọc tóc" chứ không phải "không mọc được tóc" chứng tỏ nó được coi như các người lính cạo trọc đầu để dễ dàng cho việc chiến đấu, chứ không phải do bệnh tật để giảm đi sự đau thương đối với người đọc. "Quân xanh màu lá", nếu sự thật trần trụi là do bệnh sốt rét gây nên thì Quang Dũng lại cho rằng đó là màu xanh của lá cây hóa thân cho người lính để giặc khó nhận ra.Tuy khó khăn chồng chất, bệnh tật liên miên, nhưng qua lăng kính của tác giả, đoàn binh hiện lên với sự yêu đời, không quản gian nan.
Cho dù chịu nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nó không làm cho người lính Tây Tiến người đi tình cảm lãng mạn của mình. Hai câu thơ tiếp theo miêu tả nét đẹp cũng như sự mạnh mẽ của con người:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Dù ngày đêm đánh giặc nhưng tâm hồn của những người lính luôn trong trạng thái mộng mơ. Cái mộng họ gửi qua biên giới, nơi vẫn còn đầy bóng giặc thù, đó là cái mộng giết giặc để lập công danh. "Mắt trừng" gợi sự mạnh mẽ, đầy nội lực, quyết tâm vì dân tộc, ở đâu đó trong họ vẫn luôn tồn tại một nỗi căm thù giặc sâu sắc. Đoàn binh Tây Tiến chủ yếu là học sinh, sinh viên người Hà Nội- là thủ đô văn hiến, là cả trái tim của Tổ quốc chính vì thế họ lấy đó làm động lực chiến đấu. "Dáng kiều thơm" chính là nét đẹp thanh lịch, thướt tha của con gái Hà Nội, cũng là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nét đẹp của quê hương đã thúc giục người lính phải chiến đấu, đánh đuổi giặc ngoại xâm để bảo vệ từng nét đẹp nơi họ sống. Đó là động lực lớn để tinh thần chiến đấu thêm mạnh mẽ. Hình ảnh dáng kiều thơm là vầng sáng lung linh trong kí ức nhưng cũng là thứ giúp cho họ tìm được sự cần bằng, tìm được sự thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng đường hành quân vất vả. Ra biên cương là chấp nhận đối mặt với hi sinh, biết đi là sẽ chết, vậy mà các anh vẫn xung phong ra trận với hi vọng sẽ đem chiến thắng trở về:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống ở nơi biên cương. Chiến tranh nó luôn tồn tại song song với chết chóc, tuy vậy tinh thần xung phong ra trận vẫn luôn sôi nổi. Tuổi xuân là độ tuổi đẹp nhất, là thời gian đẹp nhất của cuộc đời mỗi người nhưng các anh cũng đành gác lại để đặt nhiệm vụ Tổ quốc lên trên hết "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Những tình cảm đôi lứa, những cái tôi vị kỉ đều gạt sang một bên, những người chiến sĩ vẫn nối tiếp nhau tầng tầng lớp lớp lên đường, đi để bảo vệ từng đồng lúa, mùa ngô, bảo vệ nhịp đập con tim của toàn dân tộc. Tiếp nối âm hưởng bi tráng, hai câu thơ cuối đã tô đậm thêm sự mất mát hi sinh, thể hiện cái chết cao đẹp, cái chết bất tử của người lính:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Quang Dũng dường như đã khóc khi viết đến dòng thơ này. Đây chính là cái chết nhưng tác giả đã nói giảm nói tránh để giảm bớt sự đau thương mất mát cho người ở lại. Thời gian chiến tranh là khoảng thời gian thiếu thốn, nghèo khổ của toàn dân tộc ta. "Áo bào" thay "chiếu" vì người hi sinh quá nhiều, họ chỉ được quấn chiếc áo bào trên vai để về với đất mẹ. Anh về với đất, nghĩa là anh đã thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình và giờ đây anh hóa thân cho dáng hình xứ sở. Câu thơ cuối miêu tả tiếng gầm của sông Mã như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người con yêu của giống nòi.
Bằng việc sử dụng những bút pháp nghệ thuật như nói giảm nói tránh, hoán dụ, ẩn dụ. Quang Dũng đã khắc họa lại một đoàn binh Tây Tiến với nhiều vẻ đẹp khác nhau, họ đẹp về cả hình dáng, mạnh mẽ từ ánh mắt đến tính cách và cả sự hi sinh cao cả. Tất cả vì lòng yêu Tổ quốc, mong muốn được sống trong hòa bình và hạnh phúc, không tồn tại những đau thương mất mát. Đoạn thơ này có nhạc, có họa, vừa bi hùng lại vừa kiêu hãnh. Những hình ảnh khắc họa đoàn quân Tây Tiến trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kì lịch sử hào hùng.