Bài văn cảm nhận về hình tượng nắm lá ngón số 9
Hình ảnh “lá ngón” xuất hiện ba lần trong tác phẩm và chỉ gắn liền với nhân vật Mị - người con gái miền cao lương thiện, xinh đẹp, tài hoa nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh.
Cô tìm về cha già, tay cầm nắm lá ngón. “Lá ngón” xuất hiện lần đầu tiên như một lối thoát đen. Đây là lối thoát ngắn và hữu hiệu nhất. Nhưng lại là lối thoát cho những ai muốn chấm dứt hiện tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát cho người muốn sang trang mới. Rõ ràng, đây là sự phản kháng quyết liệt nhưng vô vọng - một hình thức phản kháng bị động. Và sự xuất hiện của “lá ngón” lúc này mang tầm ý nghĩa tố cáo cao độ: Sự dã man của xã hội ép buộc con người lương thiện đi tìm cái chết. Nó - lá ngón, cũng là hiện thân cho nỗi thống khổ của nhân dân, cho những tích tụ đắng cay, đầy đau đớn và uất hận. Cô ném phịch xuống đất nắm lá ngón mình tự tìm hái trong rừng như một sự chuẩn bị sẵn sàng trước đó, ném trong nước mắt. Tự mình tìm đến lá ngón - độc dược của rừng xanh - đã là sự can đảm của người con gái. Nhưng ném đi độc dược để tiếp tục sống khổ lại càng can đảm hơn. Đối với Mị, thà chết đi hơn sống nhục, nhưng rồi lại thà sống nhục còn hơn bất hiếu. Chính chữ hiếu là bản lĩnh cao đẹp nơi người con gái trẻ. Đoc cũng chính là nguyên nhân cốt yếu cho sự can đảm bán mình chuộc cha của Vương Thuý Kiều trong “Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào Nguyễn Du. Cả hai người con gái tài năng, sắc diện và nhân phẩm tuyệt vời, điều đó kết cục chung vì chế độ xấu xa mục rữa, những thiên hương vô phúc sinh nhầm thời, những cánh hoa trôi dạt trong bão dữ. “Lá ngón” như vậy, đã mang một tầng ý nghĩa nhân sinh tuy bản thân tượng trưng cho cái chết.
Lá ngón, giờ cũng chẳng còn theo tâm trí Mị nữa. Bởi “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Ở người con gái ấy, chẳng còn ý thức muốn phản kháng, muốn đấu tranh, chẳng còn muốn chết nữa. Nhưng chính men say của rượu và men tình của cảnh đã khơi dậy trong Mị những cảm xúc, giác quan, hồi ức và khát vọng tưởng như đã mất. Mị như sống lại những đêm về trước, “Mị vẫn còn trẻ, Mị muốn đi chơi”. Nhưng sực tỉnh trong thực tại, nhìn vào thân phận mình, Mị lại đau đớn thay. “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Khi khổ cực đắng cay nhất, khi muốn chết nhất, Mị đã tìm tới lá ngón. Nhưng ở đây, ngay cả trong khi sự sống đã tìm về, khát vọng sống đang nhen nhóm trong lòng, Mị vẫn cứ hướng về lá ngón – về cái chết. Lá ngón ở đây lại là biểu hiện cao nhất của sự sống, của khát vọng được sống cho nên “Người”, là chính mình, sống với tuổi thanh xuân và tình yêu của mình. Như vậy, lá ngón lại là hiện thân của sự sống, của sự giải thoát, sự giải thoát cuối cùng. Như cách mà Thúy Kiều chọn tự kết liễu để giữ lại chữ “tiết” hay Chí Phèo tự kết liễu đời mình để nhất định không chịu quay lại kiếp sống tha hóa, bị đồng loại ruồng bỏ như trước nữa.
Đến lần thứ ba xuất hiện, suy nghĩ về việc ăn nắm lá ngón xuất hiện trở lại trong tâm trí Mị vào đêm tình mùa xuân. Nghe tiếng sáo “thiết tha bổi hổi”, “bay lơ lửng ngoài kia”, Mị nhẩm thầm lời bài hát và nhận ra mình còn trẻ, mình cũng muốn đi chơi nhưng cái thực tại này chẳng cho Mị có cơ hội được đi chơi, được ra ngoài kia cảm nhận sức sống xuân mơn mởn khắp đất trời cảnh vật, hòa mình vào không khí xuân vui tươi, rộn ràng âm thanh. Nghĩ vậy, Mị lại một lần nữa muốn ăn lá ngón. Chi tiết lá ngón lúc này đã tô đậm bi kịch khổ đau cuộc đời Mị. Đồng thời chi tiết cũng ngầm khẳng định rằng ý thức về thân phận, về quyền sống, quyền tự do hạnh phúc vẫn chưa thực sự lụi tắt. Sức sống, niềm khát khao ấy vẫn đang âm ỉ trong trái tim, tâm hồn Mị mà chưa có cơ hội bùng lên giúp Mị vượt thoát thực tại.
Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nói được nhiều hơn nó. Nằm lá ngón là biểu tượng của sự cùng cực, tuyệt vọng của con người. Cũng nắm lá ngón ấy lại là hiện thân của khát vọng sống một cách mãnh liệt, sống chân thành và sống là chính mình. Nó vừa cao đẹp nhưng lại khổ đau, nó hướng tới sự lạc quan nhưng đành chọn cách bi quan như sự giải quyết cuối cùng. Qua đó là tiếng nói xót thương cho số phận, không chỉ người phụ nữ mà còn là con người còn đang phải chịu bất công, khổ đau của xã hội cũ; tiếng nói lên án và tố cáo mạnh mẽ. Nó trở thành tiếng còi cảnh bảo cho sự cầu khẩn của đồng bào mong muốn tìm một cách giải thoát, khát khao tìm ra con đường tốt đẹp hơn. Đó chính là tiền đề để nhà văn khéo léo khẳng định con đường bền vững nhất là con đường tự khai phá và giải phóng chính mình, lựa chọn tốt đẹp nhất chính là biết tự đứng lên, để Cách mạng có thể dẫn bước. Những chi tiết dù là nhỏ nhất, dưới bàn tay người nghệ sĩ tài hoa, được điêu khắc và miêu tả một cách tỉ mỉ, để từ đó làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng câu chuyện.