Bài văn cảm nhận, miêu tả hình tượng thầy Ha-men số 5
Một trong những phương diện quan trọng của lòng yêu nước đó là phải biết giữ gìn và yêu quý tiếng mẹ đẻ, nhà văn Pháp An-phông-xô Đô-đê đã truyền tải chân lý đó trong truyện ngắn nổi tiếng "Buổi học cuối cùng". Truyện viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng vùng An-dát, bên cạnh giá trị về lòng yêu nước và yêu tiếng nói của dân tộc truyện đã xây dựng thành công hai nhân vật là thầy giáo Ha-men dạy tiếng Pháp và chú bé Phrăng qua những cử chỉ, lời nói và tâm trạng của họ.
Truyện được kể bằng chính nhân vật chú bé Phrăng, một cậu bé vốn sợ việc học, đi học muộn lại sợ bị quở mắng, sợ thầy Ha-men hỏi bài trong khi không thuộc hết một chữ. Trong đầu cậu bé ấy thoáng ý nghĩ trốn học ra đồng nội rong chơi, nhưng kì lạ thay là dù có nhiều yếu tố ngoại cảnh đầy cám dỗ dụ chú bỏ học đi chơi nhưng chú lại cưỡng lại được, "ba chân bốn cẳng chạy đến trường". Phrăng không chỉ cảm thấy mình khác thường mà khi đi qua trụ sở xã chú đã thấy tin chẳng lành từ bảng dán cáo thị, rồi khi đến nhà thầy Ha-men cậu nhận ra một sự yên tĩnh, vắng lặng đến bất thường.
Ngỡ tưởng khi đi vào lớp trong sự ổn định và yên lặng đó Phrăng sẽ phải nhận sự chú ý của mọi người và lời quát mắng của thầy Ha-men, thế nhưng việc đó cũng nằm ngoài tưởng tượng của cậu bé. Trong lớp học ngày hôm ấy hoàn toàn yên tĩnh, thầy Ha-men mặc trang trọng hơn mọi khi, thầy cũng dịu dàng và nhẹ nhàng chưa từng thấy qua, vẻ mặt mọi người hiện rõ buồn rầu. Chỉ khi nghe thầy Ha-men nói "Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con...
Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con" chú bé Phrăng mới ngỡ ngàng nhận ra nguyên do của tất cả những khác thường trong ngày hôm nay, choáng váng, Phrăng nhận ra mình "mới biết viết tập toạng", tự giận mình vì đã bỏ phí thời gian học tập, trốn học đi chơi, ngay trong lúc đó Phrăng cảm thấy vô cùng ân hận, xấu hổ và tiếc nuối. Điều tiếc nuối nhất có lẽ là thầy Ha-men, Phrăng quên luôn những lần thầy phạt vụt thước kẻ, cậu cảm thấy "tội nghiệp thầy", lúc này cậu bé mới thấm thía những lời khuyên của thầy, trân trọng việc học tiếng Pháp, cậu cũng chưa bao giờ thấy thầy của mình lớn lao đến thế. Có thể thấy cậu bé Phrăng ham chơi tinh nghịch là vậy nhưng bản chất của cậu hồn nhiên, biết lẽ phải, yêu quý thầy giáo, yêu tiếng của dân tộc mình.
Về phần thầy Ha-men, vào buổi dạy cuối cùng của lớp học tiếng Pháp thầy đã mặc bộ trang phục trịnh trọng nhất chỉ dành cho những ngày đại lễ, chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen, đội mũ tròn bằng lụa đen thêu. Là buổi cuối cùng được dạy học sinh của mình, thầy Ha-men chẳng còn giống mọi khi hay quát mắng và đánh phạt mà trở nên rất ân cần, dịu dàng, không một lời trách mắng, ngay cả khi Phrăng đi học muộn và không thuộc bài, thầy giảng bài say mê, đem toàn bộ tâm huyết và tri thức của mình vào từng lời giảng.
Đối với thầy Ha-men tiếng Pháp là "ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất, tâm niệm của thầy đó là phải giữ lấy tiếng Pháp trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng, bởi "khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...". Qua những cử chỉ, hành động và lời nói của thầy Ha-men ta cảm nhận được sự đau đớn, nghẹn ngào của thầy trong buổi học cuối cùng, nhưng cũng thấy rõ được lòng yêu tiếng nói dân tộc trong thầy, thầy ca ngợi sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc, thắp lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim mỗi người, dòng chữ thầy viết "Nước Pháp muôn năm" là dòng chữ cuối cùng của buổi học cuối cùng, cho đến cuối cùng thầy muốn tất cả mọi người hãy hướng về đất nước, hướng về dân tộc, bằng mọi giá giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình.
"Buổi học cuối cùng" là một truyện ngắn hay và cảm động, tác phẩm đã phản ánh được niềm tự hào về tiếng Pháp và lòng yêu nước của người dân Pháp nói chung và của thầy giáo Ha-men, cậu bé Phrăng nói riêng. Hai nhân vật thầy Ha-men và cậu bé Phrăng được An-phông-xơ Đô-đê khắc họa chân dung cả ngoại hình lẫn nội tâm chính xác và tinh tế đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc.