Bài văn cảm nhận khổ thơ cuối bài "Đây thôn Vĩ Dạ" số 6
Hồn thơ của Hàn Mặc Tử tạo nên dấu ấn sâu sắc trong phong trào Thơ mới bởi phong cách riêng độc đáo. Thơ của ông mang đến tiếng nói của một tâm hồn yêu thiết tha cuộc sống. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng thể hiện nổi bật tình yêu của tác giả đối với cuộc đời, nhưng lại ẩn chứa đầy tâm trạng. Và khổ thơ thứ 3 của bài, cũng là khổ cuối, thể hiện một nỗi niềm khắc khoải hiện rõ, nhà thơ đang ở trong cõi đau thương của riêng mình.
Hai khổ thơ đầu bài thơ, tác giả đã nêu lên được vẻ đẹp thiên nhiên thôn Vĩ. Đến khổ thơ thứ 3, tác giả nêu lên những hoài niệm về con người thôn Vĩ:
“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tìn ai có đậm đà”
Một giấc mơ được tạo nên, giấc mơ ấy là niềm mong ước đến tận cùng một hình bóng đẹp của em, của khách đường xa. Em lã của cõi đời những giờ đã trở nên xa xôi quá, từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần cùng nhấn mạnh sự xa xôi ấy. “Áo trắng” được nêu ra khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh những chiếc áo dài, đặc trưng của xứ Huế. Tác giả sử dụng màu trắng làm cho hình ảnh mờ nhòa. Từ “quá” là từ chỉ mức độ, làm cho hình ảnh từ thực đi vào cõi ảo. Cảnh vừa gần vừa xa, vừa thực vừa ảo là vì người thôn Vĩ đã từng quen biết và gắn bó, xa lạ vì khoảng cách giữa không gian, thời gian và tình cảm xa vời. Câu “áo em trắng quá nhìn không ra”, mới đọc ta cảm giác có vẻ khó hiểu, trắng quá là cách nói đầy cảm xúc để tả sắc trắng của áo em, ba chữ “nhìn không ra” là một cách nói đầy ấn tượng để thực tả sắc trắng ấy, màu trắng đã trở thành ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử. Nhịp thơ 4/3 như đẩy người khách càng xa, “mờ” là không thật, “khách” chỉ khoảng cách, “đường xa” gợi sự cách trở, xa vời. Nhân vật khách được đẩy đi cực xa, mờ nhòa đi trong tâm trí của thi sĩ.
Tâm trạng nhà thơ được thể hiện nổi bật. “Ở đây” được nêu ra mang hai ý nghĩa. Đó có thể là chỉ thôn Vĩ, cũng có thể chỉ là nơi nhà thơ đang trị bệnh. Địa danh được nêu ra không rõ ràng, đối tượng miêu tả cũng không rõ. Từ phiếm chỉ “Ai” cũng có thể là nhân vật anh, cũng có thể là nhân vật em, “sương khói” ám chỉ sự vật không rõ. Câu cuối bài thơ mang câu hỏi với đại từ “ai” thật xa vời đã khép lại bài thơ một nỗi ngậm ngùi, bởi tình người quá mong manh, xa vời giữa sương khói của vùng đau thương tuyệt vọng. Câu thơ nhuốm màu hoài nghi: hoài nghi về sự đậm đà trong tình cảm của ai đó. Chữ “ai” thứ nhất có thể hiểu theo nghĩa hẹp là khách đường xa, cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là tình người trong cõi trần gian này. Sắc thái tâm lý ở đây không tin vào sự đậm đà của ai đó, mà không dám tin thì đúng hơn. Không tin nghiêng về sự lạnh lùng, hoàn toàn không mong đợi gì là thái độ chán đời, còn không dám tin là vẫn bao hàm một hy vọng sâu kín chỉ không biết mình có thể tin và có quyền được tin như thế hay không. Đây là sự hoài nghi của con người yêu đời, yêu cuộc sống, đó cũng chính là uẩn khúc của một người có tấm lòng thiết tha với cuộc đời. Sự hoài nghi của thi sĩ hướng đến tình cảm rất nhân văn: hướng tới sự thủy chung, mong muốn tình yêu trọn vẹn, mong muốn hạnh phúc.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sử dụng bút pháp lãng mạn, tác giả đã khắc họa được các hình ảnh độc đáo, ngôn ngữ thơ cực tả nhưng luôn trong sáng. Độc giả nhận ra được niềm trân trọng, cảm thông với khát vọng và nỗi đau của tác giả. Đó là một con người có tâm hồn và tài năng, nhưng lại phải gánh chịu một số phận bất hạnh đầy bi thương, một nỗi u hoài tích cực và thiết tha với cuộc sống.