Bài thuyết trình dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi (số 5)

Kính thưa ban giám khảo, các vị đại biểu, khách quý!

Kính thưa các thầy cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường

Lời đầu tiên cho phép tôi được kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý mạnh khoẻ hạnh phúc. Chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Chúc Hội thi ...của trường chúng ta thành công tốt đẹp.

Kính thưa ban giám khảo!


Là người giáo viên dạy Tiểu học, không những truyền đạt cho học sinh về nội dung kiến thức các môn học, mà còn phải làm tốt công tác chủ nhiệm lớp. Vì vậy đòi hỏi người giáo viên không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn phải biết tổ chức, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục, đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của người giáo viên. Muốn giáo dục cho một đứa trẻ được hoàn thiện quả không đơn giản, người giáo viên phải bao quát tất cả các kĩ năng, kiến thức, nội dung lẫn phương pháp khi đứng trên bục giảng. Để nhận thấy được tầm quan trọng đó, bản thân tôi luôn cần phải trang bị cho mình một số biện pháp, phương pháp và linh hoạt xử lí mọi tình huống diễn ra trong quá trình giảng dạy. Tôi đã 13 năm làm công tác chủ nhiệm và đặc biệt là 11 năm được chủ nhiệm lớp 4, tôi đúc rút cho mình một số biện pháp về làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 4. Năm nay tôi mạnh dạn trình bày chủ đề thuyết trình: “Một số biện pháp để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp 4” giới thiệu cùng với bạn bè đồng nghiệp gần, xa. Góp một phần nhỏ vào công tác chủ nhiệm học sinh Tiểu học nói chung và chủ nhiệm lớp 4 nói riêng, nhằm đưa ra một số biện pháp tốt nhất để giáo dục học sinh nói chung và mỗi học sinh mình chủ nhiệm nói riêng một cách hoàn thiện nhất.


Kính thưa ban giám khảo!

Mỗi giáo viên muốn làm tốt công tác chủ nhiệm lớp thì phải vừa là một giáo viên giỏi về chuyên môn, vừa phải là một nhà tâm lí giỏi để hiểu học sinh, xử lí tình huống rắc rối sao cho khéo léo, tế nhị và đạt hiệu quả giáo dục cao. Nếu giáo viên không tâm huyết với nghề, không có tinh thần trách nhiệm cao thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Chất lượng học tập, nhân cách, đạo đức, lối sống,…của học sinh sẽ ra sao? Chính vì hiểu rõ điều đó nên trong những năm qua, tôi luôn cố gắng phấn đấu làm tốt vai trò, nhiệm vụ của một giáo viên chủ nhiệm lớp.


Công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp là vô vàn và thuộc nhiều lĩnh vực, không thể kể hết được. Trong nội dung thuyết trình hôm nay, tôi chỉ tập trung vào một số nội dung giải pháp sau đây:


Xây dựng nề nếp lớp học.
1.1. Như đã nói ở trên, muốn xây dựng được nề nếp lớp học tốt thì trước hết giáo viên cần phải nắm bắt được tình hình học sinh của lớp về mọi mặt. Do vậy, ngay từ ngày đầu nhận lớp, tôi thực hiện ngay công tác điều tra. Tôi phát cho mỗi em một phiếu điều tra và yêu cầu các em điền đầy đủ thông tin trong phiếu:

1.2. Một lớp học có nề nếp và chất lượng tốt là nhờ một phần lớn vào sự hỗ trợ của ban cán sự lớp. Việc bầu chọn ban cán sự lớp là một việc cần thiết mà người giáo viên chủ nhiệm nào cũng cần phải làm ngay khi mới nhận lớp. GV phải phân tích cho học sinh hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của người lớp trưởng, lớp phó. Tổ chức cho học sinh xung phong ứng cử, sau đó chọn 5 em tiêu biểu để bầu chọn 3 em. Những em đạt số phiếu cao nhất sẽ được chọn vào ban cán sự lớp.

1.3. Sau khi bầu chọn được ban cán sự lớp thì nhiệm vụ tiếp theo là phân công nhiệm vụ cụ thể và giao trách nhiệm cho ban cán sự lớp.

– Nhiệm vụ của lớp trưởng : Theo dõi, kiểm tra mọi hoạt động của lớp, điểm danh sĩ số của lớp, điều khiển các bạn xếp hàng.

– Nhiệm vụ của hai lớp phó: Kiểm tra bài 15 phút đầu buổi, giúp đỡ các bạn học yếu học bài, làm bài, phân công, theo dõi và kiểm tra các tổ trực nhật.

Nhiệm vụ của mỗi em tôi ghi rõ ràng trong một cuốn sổ sau đó phát sổ cho các em. Tôi hướng dẫn các em cách ghi chép trong sổ một cách cụ thể. Mỗi em sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình.

– Số học sinh trong lớp được chia làm 3 tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng. Tổ trưởng chịu trách nhiệm phân công, điểu khiển các bạn trong tổ làm trực nhật. Lớp phó lao động chịu trách nhiệm kiểm tra công việc trực nhật hàng ngày của lớp.Tổ nào làm không tốt, lớp phó lao động có quyền phạt tổ đó làm trực nhật thêm một ngày. Và trong mỗi tiết học, học sinh phải thể hiện tinh thần tự quản, tự theo dõi nhắc nhở nhau giữ sạch lớp cũng như nề nếp lớp.

Cuối mỗi tuần, vào tiết sinh hoạt lớp, lớp trưởng, lớp phó báo cáo các mặt hoạt động của lớp. Căn cứ vào báo cáo của từng em, tôi nắm được khả năng quản lí lớp của em đó và cũng thấy được khả năng hoàn thành nhiệm vụ của em đó như thế nào, từ đó xây dựng cho lớp học của mình một nề nếp tự quản tốt.

Xây dựng mối quan hệ thầy trò và bạn bè trong lớp.


2.1. Xây dựng mối quan hệ thầy trò.

- Một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần đưa chất lượng học tập của học sinh ngày một tốt hơn đó chính là mối quan hệ thây trò. Trước đây quan hệ thầy, trò là quan hệ của bề trên – kẻ dưới; giảng giải – ghi nhớ. Ngày nay, quan hệ này được thay bằng quan hệ phân công – hợp tác. Quan hệ cơ bản nhất của tôi và học trò là quan hệ hợp tác làm việc: tôi giao việc – học trò làm; tôi hướng dẫn- học trò thực hiện.

– Khi giao việc tôi chỉ nói một lần, nhưng chỉ nói khi lớp trật tự. Với cách làm này thầy sẽ trở nên nói ít, học trò làm nhiều. Hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Vì vậy khi lên lớp, tôi luôn chú ý đến cả cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, cách cầm sách, chữ viết,… để trò noi theo.

- Khi học sinh làm bài chưa đúng, tôi giúp đỡ, hướng dẫn học sinh làm lại ngay tại lớp. Với cách làm đúng, nói đúng trong học tập, các em sẽ trở thành những con người tự tin, trung thực, không gian dối.

– Khi có học sinh mắc sai lầm, thiếu sót, tôi luôn cố gắng kiềm chế và tôn trọng học sinh, tìm hiểu cặn kẽ thấu đáo nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ các em sửa chữa. Tôi không bao giờ có những lời nói, cử chỉ xúc phạm các em. Ở tuổi này, lòng tự trọng của các em rất cao, chỉ một lời nói xúc phạm sẽ làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Thậm chí có em sẽ oán hận, căm ghét thầy cô, bỏ học và không bao giờ trở lại lớp học nữa cho dù có nhiều người đến nhà vận động.


2.2. Xây dựng mối quan hệ bạn bè:

Trong cuộc sống của mỗi con người, ngoài những người thân trong gia đình ra, ai cũng cần có bạn bè để chia sẻ. Học sinh Tiểu học cũng vậy, nếu các em có nhiều bạn bè thân thiết trong lớp thì các em sẽ hợp tác vui vẻ với nhau và sẽ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Em học giỏi sẽ giúp những em học yếu; ngược lại, em học yếu cũng dễ dàng nhờ bạn giúp đỡ mình học tập mà không phải e ngại, xấu hổ . Tục ngữ có câu “Học thầy không tày học bạn”. Nhưng trong thực tế, một lớp học thường xuất hiện nhiều nhóm học trò. Các em chia bè phải, phân biệt giàu nghèo, hay nói xấu hoặc châm chọc nhau. Những em nữ thì hay dỗi, hay hờn giận. Còn các em nam thì hăm he đánh nhau, trả thù nhau. Tuy các em chưa gây ra chuyện gì nghiêm trọng nhưng nó vẫn ảnh hưởng xấu đến tình cảm bạn bè và chất chất lượng học tập của lớp. Là một giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn quan tâm đến vấn đề này. Xây dựng được mối quan hệ bạn bè đoàn kết, gắn bó thì tôi sẽ xây dựng được nề nếp lớp học, tiến tới xây dựng môi trường học tập thân thiện. Từ môi trường học tập thân thiện đó, chất lượng học tập của lớp chắc chắn sẽ được nâng cao.


3. Hướng dẫn học sinh tự học ở nhà.

Một học sinh muốn có kết quả học tập tốt ngoài việc tiếp thu những kiến thức ở trên lớp thôi chưa đủ mà việc học bài cũ, chuẩn bị bài mới tại nhà cũng vô cùng quan trọng. Để việc học ở nhà của các em học sinh được diễn ra thường xuyên và có hiệu quả, tôi đã hướng dẫn các em lập một thời gian biểu thật cụ thể, phù hợp với tình hình của gia đình. Thông qua thời gian biểu, tôi biết được chính xác thời gian học bài ở nhà của từng em.


Căn cứ và thời gian học bài ở nhà của từng em, tôi đi kiểm tra, hướng dẫn các em tự học ở nhà. Việc kiểm tra các em học bài ở nhà được tôi thực hiện đều đặn và duy trì thường xuyên. Lúc đầu, tôi trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn tỉ mỉ phương pháp học tập cho những em học yếu và những em trong đội tuyển học sinh giỏi của lớp.


Khi việc học bài ở nhà của học sinh đã đi vào nề nếp, tôi phân chia lớp thành các nhóm theo khu vực dân cư (theo tổ) và phân công mỗi nhóm một nhóm trưởng. Em nhóm trưởng sẽ kiểm tra và báo cáo với tôi tình hình tự học ở nhà của các thành viên trong nhóm và đặc biệt lưu ý đến những bạn học yếu hoặc chưa có ý thức tự học ở nhà. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đến kiểm tra đột xuất một số em để nắm tình hình. Nếu phát hiện thấy em nào lơ là, tôi phải tăng cường kiểm tra ngay. Thấy tôi quan tâm đến việc học ở nhà của con em mình nên phụ huynh cũng nhiệt tình phối hợp với tôi: nhắc nhở, kiểm tra và tạo điều kiện cho con em mình học tập ở nhà. Sự tiến bộ của học sinh được tôi thường xuyên thông báo cho gia đình biết qua điện thoại. Vì vậy, phụ huynh rất vui và càng quan tâm đến việc học của các em.


Mỗi giáo viên tiểu học cần có tâm huyết với nghề, yêu trẻ và thực sự có trách nhiệm cao. Cần trau dồi nghiệp vụ, sáng tạo, học hỏi và cần sự giúp đỡ của cấp trên. Tạo được mối liên kết giữa gia đình nhà trường và xã hội tạo ra được một môi trường sư phạm lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay và đáp ứng lòng mong mỏi của phụ huynh học sinh.


Trên đây là bài thuyết trình của tôi về một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp rất mong được sự góp ý chân thành của các đồng chí để tôi hoàn thiện tốt hơn nữa trong công tác chủ nhiệm lớp. Cuối cùng tôi xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội thi thành công rực rỡ. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)
Ảnh minh hoạ (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |