Bài thơ: Côn Sơn ca
Côn sơn ca
( Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh)
Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
Nguồn: Đào Duy Anh, Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, 1976
Côn Sơn là một ngọn núi ở xã Chí Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt), trên núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc, đều là thắng cảnh (theo sách Quảng Dư Chí). Đời Trần, Trúc Lâm thiền sư dựng am ở đây, và trạng nguyên Lý Đạo Tái (tức sư Huyền Quang) sau khi từ chức trở về nhập thiền và trụ trì chùa Ân Tứ ở núi này. Triều Trần, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, thường ngâm thơ uống rượu ở núi Côn Sơn sau khi từ chức vì can gián Hồ Quý Ly chuyên quyền mà không được. Tác giả từng thừa hưởng cơ ngơi của ngoại tổ.Bài ca này Nguyễn Trãi làm khi về nghỉ ở Côn Sơn, cạnh chùa Hun, nhân dịp sưu tập, sắp xếp tập thơ Băng Hồ Ngọc hác tậpcủa Trần Nguyên Ðán, ông ngoại mình.