Bài thơ: Bạch Đằng hải khẩu
Bạch Đằng hải khẩu
Sóc phong xung hải khí lăng lăng,
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng.
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc,
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng.
Quan hà bách nhị do thiên thiết,
Hào kiệt công danh thử địa tằng.
Vãng sự hồi đầu ta dĩ hĩ,
Lâm lưu phủ ảnh ý nan thăng.
Dịch nghĩa
Cửa biển lồng lộng, gió bấc thổi băng băng;
Buồm thơ nhẹ lướt qua sông Bạch Đằng.
Nhìn núi từng khúc, như cá mập, cá sấu bị chặt từng đoạn,
Nhìn bờ từng lốp, như giáo kích gươm đao bị gãy chìm.
Cảnh núi sông hiểm yếu, tạo ra cái thế “lấy ít địch nhiều”,
Ðây là nơi hào kiệt từng lập nên công danh oanh liệt.
Việc xưa nghĩ lại, ôi tất cả đã qua rồi!
Tới đây viếng cảnh, nỗi lòng sao biết nên chăng?
Bạch Đằng là con sông lịch sử của Việt Nam thuộc tỉnh Quảng Yên (Bắc Việt), bắt nguồn từ Phát Lại, chảy ra biển. Cửa Bạch Đằng xưa kia, vốn nay đã chuyển hướng, hiện thuộc Hải Phòng. Ðây là nơi mà Trần Hưng Ðạo đã đánh tan giặc Nguyên Mông. Cửa khẩu Bạch Đằng là một danh lam thắng cảnh, nơi đã từng hai lần quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược, Ngô Quyền (thế kỷ 10) phá quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Thao, Trần Hưng Đạo (thế kỷ 13) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ...
Nguồn: Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, NXB Văn hoá, 1962