Bài tham khảo số 9
Mùa xuân xưa nay luôn là đề tài quen thuộc, gợi nguồn cảm hứng cho bao văn nhân, thi nhân. Ngay cả nhà thơ Thanh Hải khi đang nằm trên giường bệnh thì hình ảnh mùa xuân luôn làm ông xao xuyến để viết lên bài thơ mang niềm cảm xúc dịu ngọt, nhỏ nhẹ, chân tình, gợi cảm mà sâu lắng. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được sáng tác năm 1980, chẳng bao lâu trước khi tác giả qua đời. Đó là tiếng lòng tha thiết, yêu mến, gắn bó với quê hương đất nước, với cuộc đời, là thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ muốn được góp mùa xuân nhỏ của riêng mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Thật xúc động biết bao trước hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Có lẽ, khi đến lúc phải rời xa cuộc sống tươi đẹp thì con người ta lại cảm xúc hơn bao giờ hết. Thanh Hải cũng vậy. Bao nhiêu cảm xúc, nỗi lòng của ông đều đặt vào Mùa xuân nho nhỏ . Bài thơ bắt đầu bằng những xúc cảm trực tiếp trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên xứ Huế, từ đó mà lan rộng ra thành hình ảnh mùa xuân của đất nước. Đang từ cảm xúc, mạch thơ chuyển sang biểu hiện suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ muốn được hòa nhập, đóng góp cho cuộc đời chung. Và kết thúc bằng sự trở về với những cảm xúc tha thiết, tự hòa về quê hương, đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
Khổ thơ đầu là bức tranh thiên nhiên mùa xuân của xứ Huế:
"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng."
Mặc dù vào thời điểm viết bài thơ là vào giữa đông song bài thơ vẫn sống động lên những nét đẹp của thành phố Huế khi vào xuân. Đó là mùa xuân của sự hòa bình, độc lập, là mùa xuân mà bao nhiêu người dân Việt Nam mong muốn. Có lẽ, con người ta chỉ khi lâm vào gần đất xa trời thì ta mới thật sự biết trân trọng những vẻ đẹp của cuộc sống. Và Thanh Hải cũng vậy. Khi nằm trên giường bệnh, ông mới thực sự trân trọng và cảm thấy cuộc sống này còn rất nhiều thứ đẹp. Chính vì vậy, nhà thơ đã gửi gắm những nét đẹp ấy vào sáu câu thơ đầu. Chỉ với sáu câu thơ, người đọc cũng có thể cảm nhận được hết những nét đẹp của Huế khi xuân. Đó là một xứ Huế thoáng đãng, tràn đầy sinh lực, sức sống và rất đỗi nên thơ với dòng sông xanh hiền hòa, với bông hoa tím biếc, với con chim chiền chiện. Tất cả đã tạo nên một bức tranh của mùa xuân với hình khối, màu sắc, đường nét sinh động và đầy sức sống.
Mở đầu là câu thơ:
"Mọc giữa dòng sông xanh"
Ở đây, Thanh Hải đã sử dụng biện pháp đảo ngữ đảo động từ "mọc" lên đầu câu nhằm mục đích tạo nên một sự xuất hiện đột ngột. Giữa một dòng sông xanh ngát của mùa xuân, đột ngột mọc lên "một bông hoa tím biếc". Đúng vậy, sự đột ngột ấy đã thành công biểu đạt được sự thay đổi lớn của đất nước. Mùa xuân đã thực sự trỗi dậy, bừng nở cũng như đất nước sau khi hòa bình lặp lại đã đi vào ổn định và con người đã làm chủ được cuộc sống, đưa đất nước hướng đến con đường xã hội chủ nghĩa. Phải chăng bông hoa tím biếc ấy là hoa lục bình? Một bông hoa mang màu sắc mộng mơ, nên thơ, thơ mộng. Bông hoa ấy kết hợp cùng với sắc xanh của dòng sông đã tạo nên một nét vẽ hài hòa cho bức tranh xuân của thành phố Huế. Hay bông hoa ấy còn là tượng trưng cho vẻ đẹp của những người con gái nơi đây. Những cô gái mang vẻ đẹp dịu dàng, một vẻ đẹp thanh tao, nho nhã, trong sáng động lòng người như nét đẹp của bông hoa súng. Không chỉ vậy, nó còn là hình ảnh của con người xứ Huế luôn hiền lành, căng tràn sức sống và gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Trong khổ thơ này tác giả còn sử dụng những tiếng chim chiền chiện để đặc tả nên nét đẹp của mùa xuân quê hương mình. Tại sao giữa muôn vàn tiếng chim Thanh Hải lại chọn tiếng chim chiền chiện? Bởi khi nhắc tới chim chiền chiện là ta nghĩ ngay đến mùa xuân và khi mùa xuân tới tiếng chim chiền chiện lại xuất hiện. Khi nhắc đến nửa này ta nghĩ ngay đến nửa kia. Vì vậy nhà thơ đã sử dụng thứ tiếng ấy để ng đọc có thể cảm nhận được sâu sắc hơn vẻ đẹp mà ông muốn mang tới. Đó là một khung cảnh mang màu sắc trong sáng, sống động và tràn ngập sức sống. Cả bầu trời, mặt đất, dòng sông đều tràn trề nhựa sống, đất nước vào xuân bừng lên trong sáng, vô ngần. Trong không gian tràn trề nhựa sống ấy, tiếng chim chiền chiện vút lên trong trẻo, tươi vui, náo nức, âm thanh của tiếng chim chiền chiện chính là hơi thở, sự sống của mùa xuân. Bởi tiếng chim giúp ta cảm thấy thêm yêu đời, tích cực, thêm lạc quan hơn trước cuộc sống bộn bề, bận rộn mới. Tiếng hót ấy vang rộng khắp đất trời, mang đến niềm vui cho cuộc sống của muôn vật, làm tan biến đi mọi âu lo muộn phiền. Chỉ vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm cho tất cả không gian tràn ngập sự rạo rực, vui tươi, tưng bừng khi đất trời vào xuân.
Song tới hai câu thơ cuối cùng tác giả lại nói:
"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng."
Những giọt long lanh ở đây liệu có phải là những giọt sương không? Không, thực chất những giọt long lanh ấy là những giọt tiếng chim. Ở đây tác giả đã sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang xúc giác. Từ nghe thấy những tiếng chim hót trở nên hứng những tiếng chum rơi. Từ những âm thanh vô hình, giờ đây nó đã trở thành có hành khối. Đó là hình dạng của những giọt nước được mặt trời chiếu sáng khiến nó trở nên long lanh hơn và từ từ chạm tới đôi bàn tay của ng thi nhân. Đôi bàn tay của sự tự do, phóng khoáng. Đôi bàn tay của niềm lạc quan, yêu cuộc sống. Điều đáng quý ở đây là sự lạc quan, yêu đời của tác giả với cuộc sống. Mặc dù đang nằm trên giường bệnh và phải đối mặt với cái chết cận kề nhưng hồn thơ của ông vẫn luôn mang sự tích cực, tươi vui, hạnh phúc, mang những nét đẹp đơn giản ít được để ý đến của cuộc sống.
Từ mùa xuân thiên nhiên đất trời xứ Huế, nhà thơ cảm nhận về mùa xuân đất nước, mùa xuân cách mạng. Tác giả hướng tình cảm tới những con người cụ thể - những con người làm nên lịch sử:
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao."
Mùa xuân về, điều làm tác giả nhớ đến lúc này chính là hai hình ảnh "người cầm súng" và "người ra đồng" với hai nhiệm vụ là chiến đấu bảo vệ tổ quốc và lao động sản xuất lương thực thực phẩm. Đây chỉ là một ý thơ quen thuộc thường xuất hiện trong nền văn học cách mạng. Cái hay của khổ thơ là tác giả đã gắn hình ảnh "người cầm súng" và "người ra đồng" với màu xanh tươi mới của cành lá tươi non. Những con người lịch sử ấy luôn toát lên một màu xanh mới của những con người thế hệ mới, luôn mang trong mình tinh thần sảng khoái, lạc quan, tích cực, quyết tâm chiến thắng và tràn đầy sức sống. Họ đi đến đâu mùa xuân đi đến đó, đi cùng đến mọi miền tổ quốc và ngược lại mùa xuân cũng tạo nên sức mạnh để giúp những ng chiến sĩ chắp tay súng, những người nông dân chắp tay cày để bảo vệ và xây dựng đất nước. Cũng có thể hiểu rằng chính những con người ấy đã đem mùa xuân đến cho đất nước giữa mùa xuân của thiên nhiên. Từ "lộc" ở đây vừa mang nghĩa tả thực là những chồi non, mầm cây vừa là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những thắng lợi, cho những vụ mùa bội thu, cho những kết quả đạt được của đất nước ta. "Lộc giắt đầy" và "lộc trải dài", hai hình ảnh trùng điệp làm hiện ra cả mùa xuân đất trời trong màu xanh bất tận của lộc mới. Đất nước giờ đây mang toàn là những màu sắc tươi mới, sức sống mới, tràn ngập sự chiến thắng, niềm vui, sự tự hào.
Và trong cái màu xanh tươi non kia, một màu xanh của sức sống tràn trề Thanh Hải đã thấy được trong ấy một khí thế khẩn trưởng, náo nức, vui vẻ của đất nước vào xuân:
"Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"
Bằng việc sử dụng các từ láy như "hối hả", "xôn xao" và điệp từ "tất cả" đã càng làm nổi bật hơn được khung cảnh ấy. Đó là khung cảnh của tất cả người dân Việt Nam đang cố gắng, tất bật, đoàn kết, phấn đấu không ngừng nghỉ để xây dựng đất nước mới. Đó là khung cảnh mùa xuân của sự hòa bình, tự do, độc lập.
Bài thơ có nhịp thơ hài hòa bởi cách ngắt nhịp linh hoạt khi thì 2/3 khi thì 1/4. Nhịp thơ lúc nhanh lúc chậm lúc thì hối hả khi lại suy tư cũng góp phần diễn tả không khí của mùa xuân trên quê hương đất nước và cái dư vị trầm hùng sâu lắng của tâm hồn nhà thơ. Các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, điệp ngữ được tác giả vận dụng hết sức tài tình.
Cảm ơn Thanh Hải người đã thả con diều nghệ thuật chứa những tình cảm đẹp về quê hương đất nước để rồi cánh diều ấy cũng giống như tiếng chim chiền chiện mùa xuân không tan loãng vào không trung mà đọng lại ở trái tim biết bao thế hệ một quan niệm sống đẹp: Sống là phải có mơ ước và cống hiến.