Bài tham khảo số 8
“Thơ ông chân chất,bình dị, đôn hậu và chân thành…Đối với nền thơ chống Mỹ của miền Nam, Thanh Hải là một trong những cây bút có nhiều đóng góp”, đó là những lời nhận xét chân thành mà Trần Hữu Tả đã dành cho nhà thơ Thanh Hải. Thanh Hải là một nhà thơ cách mạng, đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc đời ông gắn liền với mảnh đất Thừa Thiên - Huế thân yêu kể cả trong những ngày tháng kháng chiến ác liệt liệt nhất. Trong cả đời thơ của mình Thanh Hải đã dành phần lớn để viết những bài thơ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi cách mạng thể hiện tấm lòng muốn cống hiến hiến hết mình cho Tổ quốc, cho nhân dân. Và đến những ngày tháng cuối đời khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn sáng tác ra những vần thơ thật hay thật tươi đẹp về mùa xuân của thiên nhiên của cuộc đời, bộc lộ sâu sắc tấm lòng tha thiết của nhà thơ với dân tộc, với đất nước. Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ này, qua lăng kính của một người sắp từ giã thế gian người ta vẫn thấy một mùa xuân nơi xứ Huế thân yêu thật rực rỡ, thật trong trẻo và đẹp đẽ.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Thanh Hải có yêu quý mùa xuân không, đương nhiên là có, thế nhưng cái cách yêu của ông khác hẳn với cái vẻ nồng nàn, say đắm, vội vã của Xuân Diệu trong Vội vàng, cũng chẳng giống cái vẻ xanh mát, trong trẻo tràn ngập không gian với nhà thơ “quê mùa” Nguyễn Bính trong Mùa xuân xanh, lại càng xa vời với cái vẻ mơ màng, lãng mạn của nhà thơ “điên” Hàn Mặc Tử trong Mùa xuân chín. Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ khi đã sắp bước hết đời người, thế nên cái cách ông nhìn về mùa xuân cũng khác biệt. Đọc khổ thơ đầu ta thấy một mùa xuân lặng lẽ, nhưng lại tràn ngập sức sống với sự hòa phối của những gam màu sắc nét và âm thanh rõ ràng, hòa quyện lại thành một bức tranh hài hòa và vô cùng sống động, mang màu sắc tươi vui rõ rệt gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
Trong câu thơ đầu “Mọc giữa dòng sông xanh”, người ta ấn tượng với hai việc, đầu tiên ấy là nghệ thuật đảo ngữ, đảo động từ “mọc” lên trên đầu câu thơ để làm nổi bật động thái của sự vật, mà ở đây đó là bông hoa súng, vươn mình dậy giữa “dòng sông xanh”. Điều ấy đã đem đến cho độc giả cảm xúc về sự trỗi dậy mạnh mẽ của sự sống, của mùa xuân, giữa một không gian yên lành, phẳng lặng. Làm nổi bật vẻ đặc biệt của loài hoa mọc trên mặt nước, chứ không phải trên mặt đất, tựa như một nàng tiên “xuân” vừa gột rửa bụi trần từ năm cũ, để đón một mùa xuân mới trên thế gian. Có thể nói rằng việc đảo ngữ này của tác giả đã đem đến những hiệu ứng mạnh mẽ, gây ấn tượng sâu sắc với người đọc về cảnh tượng mùa xuân. Thứ hai nữa, hình ảnh “dòng sông xanh” đã mở ra một không gian mùa xuân rất khoáng đạt và rộng lớn, dòng sông ấy tượng trưng cho mặt đất, phẳng lặng và và hiền hòa. Sắc xanh đem đến sự trong trẻo, yên bình, tạo cảm giác thư thái, vui vẻ, tràn ngập sức sống, có cảm tưởng sắc xanh ấy đã lan tận chân trời. Thêm nữa màu xanh của dòng sông không chỉ là màu xanh của riêng mình nó mà đó còn là màu xanh của cây cối xung quanh, là màu xanh của bầu trời bát ngát, thế mới thấy mùa xuân trong thơ Thanh Hải, sâu rộng và tươi đẹp ngần nào.
Trong câu thơ tiếp “Một bông hoa tím biếc”, bông hoa ấy có lẽ là một bông hoa súng, bông hoa trang, hoặc cũng có thể là bông lục bình trôi trong “Hoa lục bình tím cả dòng sông”, chúng đều nổi danh là loài hoa mạnh mẽ kiên cường, là biểu tượng của làng quê Việt Nam, dẫu dập dềnh sóng nước nhưng vẫn giữ riêng cho mình những nét đẹp thân thương. Thêm nữa sắc tím của loài hoa này lại gợi người đọc liên tưởng đến xứ Huế mộng mơ với tà áo tím của những cô gái vùng đất kinh kỳ, nơi mà tác giả đã gắn bó và yêu thương cả cuộc đời. Hai gam màu, một xanh một tím dẫu đều là những gam màu lạnh, thế nhưng khi kết hợp lại với nhau, sắc xanh làm nền, sắc tím trở thành nét chấm phá, tô điểm, gợi ra bức tranh xuân rực rỡ, sống động, đậm vị Huế thương, rất tự nhiên, hài hòa và nền nã dịu dàng.
Bên cạnh bức họa chấm phá với nét thi pháp cổ điển, thì bức tranh xuân của Thanh Hải còn gây ấn tượng với người đọc bằng một tiếng chim lảnh lót vang trời của chú chim chiền chiện. Âm thanh ấy phá tan cái sự tĩnh lặng của cảnh vật, thổi vào không gian cái rạo rực, sôi động và yêu đời, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi. Hơn thế nữa tiếng chim chính là đại diện cho bầu trời, nếu trong câu thơ trước chúng ta chỉ có thể mường tượng ra bầu trời thông qua màu xanh biếc của dòng sông, thì ở đây tiếng hót vang của loài chim đã mang đã mang ta đến một không gian rộng rãi và khoáng đạt thật sự đi theo cánh chim bay lượn. Như vậy bức tranh đã đủ cả trời, cả đất, rộng lớn vô cùng, khiến người ta chỉ muốn nhập vào đó mà thỏa sức bay nhảy. “Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời” chính là lời cả thán tha thiết của nhà thơ trước sự thay đổi của thiên nhiên, sống dậy trong lòng người những rung cảm mạnh mẽ, thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân và cuộc đời sâu nặng. Đọc hai câu thơ ấy người ta chẳng thể nghĩ nổi đó là nỗi lòng của một con người đã bước dần đến cửa tử, bởi tiếng lòng ấy sao tươi vui, sao xúc động và thích thú quá. Như vậy có thể thấy, bức tranh xuân, tiếng chim lảnh lót đã làm sống dậy cả một tâm hồn tưởng héo úa, khai mở trái tim, niềm vui sống, xóa mờ đi những đau đớn của bệnh tật và cái chết đang tới gần.
Trong khung cảnh dịu dàng, nên thơ đặc trưng của xứ Huế mộng mơ ấy, người ta thấy tác giả đã thật sự thăng hoa trong cảm xúc, ông không chỉ cảm nhận mùa xuân bằng mắt, bằng tai, mà thậm chí nhà thơ còn cảm nhận nó bằng xúc giác. Từ lúc nào mà người ta lại hứng được cả màu xuân, và vẻ đẹp của mùa xuân kết thành giọt rơi xuống trao tặng cho người yêu xuân như thế. Từ “long lanh” ấy mang đến cho chúng ta nhiều liên tưởng là giọt sương sớm, giọt mưa phùn, hay là tiếng chim trên trời cao kết lại, là giọt nắng, giọt nước sông xanh, là giọt tình xuân,... Nhưng tất cả đó đều mang dáng dấp và hơi thở của mùa xuân dịu dàng, và chỉ người nghệ sĩ có tấm lòng rộng mở mới có thể đón nhận và thấm đẫm những thứ tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng, để nó thấm đẫm vào hồn người. Cảnh “Tôi đưa tay tôi hứng” chính là thái độ trân trọng, yêu thương, nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời, của mùa xuân bằng tất cả tấm lòng rạo rực, vui sướng. Thanh Hải “hứng” lấy mùa xuân ấy để cảm nhận, để khắc ghi vào lòng, đây là mùa xuân của Huế, mùa xuân của quê hương, mai sau có về đất mẹ ông vẫn mãi mang cả tình xuân của Huế đi theo, trân trọng hết lòng.
Như vậy chỉ bằng khổ thơ đầu trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải ta đã cảm nhận được bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống, với không khí dịu dàng đằm thắm đậm chất Huế. Bên cạnh đó là tình cảm chân thành, tha thiết của tác giả với mùa xuân của quê hương đất nước, thể hiện tấm lòng sâu nặng với cuộc đời, với Tổ quốc, nơi mà ông dành trọn trái tim cống hiến cho đến tận lúc ra đi.