Bài tham khảo số 7
Có ai đã từng nói “Thơ là rượu của thế gian”. Đúng thật như vậy thơ ca luôn làm say lòng người cùng với thơ người đọc được đắm chìm trong muôn vàn những cung bậc tình cảm, cảm xúc. Đến với bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng ta thực sự ấn tượng trước tiếng lòng của ông. Đọc khổ 4 của bài thơ ta cảm nhận được khúc vĩ thanh nhớ nhung về miền Tây và Tây Tiến.
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Bài thơ Tây Tiến được sáng tác vào năm 1948 trong những năm tháng không thể nào quên được của lịch sử thời kháng chiến chống Pháp. Hoàn cảnh sáng tác ấy cho thấy rõ hơn trong nỗi nhớ da diết của nhà thơ với đơn vị và mảnh đất miền Tây đầy kỉ niệm.
Nỗi nhớ trở thành cảm xúc trữ tình xuyên suốt bài thơ. Hoàn cảnh sáng tác cũng đồng thời giúp người đọc hiểu rõ hơn vẻ đẹp hào hoa, hào hùng của chiến sĩ Tây Tiến, hiểu được nguyên nhân của bút pháp hiện thực và cảm hứng lãng mạn, những yếu tố làm nên chất bi tráng rất đặc sắc của bài thơ.
Tác giả đã nhắc đến hình ảnh người đi trong những nét nghĩa mơ hồ, có thể hiểu nhà thơ nhắc đến những chiến binh Tây Tiến, những chàng trai Hà Nội năm xưa từ biệt quê hương , ra đi Tây Tiến không “ hẹn ước” ngày trở về, lên với miền Tây thăm thẳm xa xăm, mờ mờ, cách hiểu này gợi niềm mến thương cảm phục với những người anh hùng, nỗi xót xa với những chiến sĩ, mùa xuân ấy, ra đi từ đó không về,..
Cũng có thể hiểu nhà thơ nhắc tới thời điểm cuối năm 1948, khi ông đang ở Phù Lưu Chanh, bâng khuâng nhớ về việc mình chia xa trung đoàn tây Tiến không hẹn ước ngày về, đã từ biệt miền Tây không biết bao giờ gặp lại, bởi “ đường lên thăm thăm một chia phôi”.
Những năm tháng ngắn ngủi sống trong đoàn binh Tây Tiến đã để lại trong lòng nhà thơ những hoài niệm không thể phai mờ. Bài thơ kết lại bằng lời nhắn nhủ thiết tha. Có thể hiện nhà thơ đang thể hiện một tâm nguyện âm thầm mà thuỷ chung, son sắt của tất cả những “ Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy” trong lòng họ, thời gian gắn bó với trung đoàn, với miền Tây từ “ mùa xuân ấy” là khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời, khoảng thời gian vời vợi nhớ thương.
Dù có thể chia xa nhưng tâm hồn những người lính sẽ mãi đi về với miền Tây, với những Sầm Nứa, Pha Luông, Mường Hịch,..những vùng đất xa xôi đựng đầy kỉ niệm với đồng đội , với trung đoàn Tây Tiến trong những năm tháng gian khổ hào hùng bởi
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”( Chế Lan Viên)
Cũng có thể hiểu nhà thơ đang xót xa nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại những nấm mồ cô đơn miền viễn xứ. Họ đã lên Tây Tiến mùa xuân ấy, đã chiến đấu kiên cường, đã hi sinh dũng cảm, linh hồn và thân xác họ đã vĩnh viễn ở lại với miền Tây, để lại nỗi nhớ thương da diết, nỗi chua xót ngậm ngùi cho những người còn sống.
Đoạn thơ cho thấy cái tâm đẹp và tài hoa của Quang Dũng. Nếu như Chính Hữu qua bài thơ “Đồng Chí” đã nói rất hay về người nông dân mặc áo lính thì Quang Dũng với bài thơ “Tây Tiến đã dựng lên một tượng đài hùng vĩ uy nghiêm về những chàng trai Hà Nội “mang gươm đi giữ nước” dũng cảm, can trường, trng gian khổ chiến đấu hi sinh vẫn lạc quan yêu đời. Anh hào hùng, hào hoa là hình ảnh đoàn binh Tây Tiến.
Tây Tiến đã thực sự trở thành một nét vẽ tài hoa và để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc. Quả đúng là như một người đã từng nói “ Thơ ca nếu không có người tôi đã mồ côi”. Những vần thơ của Quang Dũng đã cho người đọc thấu cảm đến tận cùng của nỗi nhớ và trở thành một nỗi niềm chung.