Bài tham khảo số 7
Với một gia tài thơ khá dày dặn, Mai Văn Phấn đã khẳng định được vị trí của mình trong nền thơ đương đại Việt Nam. Nhờ những cách tân mạnh mẽ về bút pháp, thơ Mai Văn Phấn đã vượt khỏi biên giới quốc gia, đến với độc giả một số nước trên thế giới. Sự tinh tế, tài hoa và những sáng tạo có tính đột phá là những điểm nổi bật của thơ Mai Văn Phấn. Một bài thơ ngắn như Con chào mào cũng hội đủ dấu ấn riêng trong tư duy thơ và bút pháp nghệ thuật của tác giả.
Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, không vần, gồm 16 dòng, phân thành các khổ thơ dài ngắn khác nhau khá phóng túng. Nhan đề bài thơ là Con chào mào, nhưng đọc lại, ta sẽ thấy chỉ vẻn vẹn 4 dòng dành cho việc miêu tả con chim (chủ yếu là tiếng hót của nó), 12 dòng thơ còn lại ưu tiên cho việc thể hiện hành động, cảm xúc, suy tư của chủ thể trữ tình. Và như vậy, khám phá bài thơ cũng đồng nghĩa với việc thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm của nhân vật “tôi” để có thể “đọc” ra những ẩn ý được “cài đặt” một cách tinh vi trong ngôn ngữ, hình ảnh thơ. Bài thơ mở đầu bằng những câu vừa như bức “trực họa”, vừa như bản “ghi âm”:
"Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu... uýt... huýt... tu hìu..."
Con chào mào hiện ra dưới nét vẽ tươi tắn, với hai màu trắng đỏ rạng rỡ. Ẩn dụ mũ đỏ thể hiện cái nhìn thật dí dỏm, trẻ trung. Âm thanh bổng trầm được miêu tả rất khéo, cộng hưởng với từ láy chót vót với âm vực rất cao khiến âm điệu câu thơ vút lên, lung linh, vang ngân. Triu... uýt... huýt... tu hìu... – chỉ là âm mô phỏng tiếng hót đặc trưng của chim chào mào chứ không phải là từ ngữ (bởi không có nghĩa gì hết), nhưng nhờ sự hòa phối của thanh ngang, thanh sắc, thanh huyền với độ cao thấp khác nhau mà dòng thơ có sức lan tỏa, ngân vang trong không gian khoáng đạt vời vợi. Một dòng suối âm thanh ngọt ngào từ đỉnh cao tuôn chảy đến đôi tai, đến trái tim, đến toàn bộ con người đang đón nghe bằng tất cả nỗi hân hoan của lòng mình.
Thiên nhiên được miêu tả trong ba câu thơ đầu vừa quen thuộc vừa mới mẻ. Nó tạo nên những đợt sóng xao động trong cảm xúc, suy tư của nhân vật “tôi”. Một phản ứng tức thì, bất ngờ tự nhiên nảy sinh: Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi. Nhân vật trữ tình “vẽ chiếc lồng” để làm gì vậy? Lồng là để “nhốt”, dĩ nhiên là thế. Nhốt, dù là nhốt “trong ý nghĩ” cũng chính là ao ước “chiếm dụng” riêng cho mình. Ao ước hẳn là rất mạnh mẽ, thiết tha mới khiến nhân vật “tôi” vừa hấp tấp, vội vã (vội vẽ) vừa dự cảm về sự bất thành (sợ chim bay đi). Và quả đúng như vậy. Ý nghĩ của con người mới khởi phát mà hình như con chim đã biết: Vừa vẽ xong nó cất cánh. Câu thơ thú vị bởi mối liên hệ bất chợt, vừa như ngẫu nhiên vừa như tất yếu giữa “tôi” và con chào mào. Con người vội vã chiếm đoạt con chim bằng ý nghĩ. Con chim vụt bay đi khi cái ý nghĩ thực dụng kia của con người mới phôi thai. Cú cất cánh của con chào mào như cười nhạo cái ý nghĩ hẹp hòi, ích kỉ của con người. Một bài học vô ngôn, rất giản dị mà cũng vô cùng sâu sắc từ thiên nhiên mà lẽ ra con người phải nhận biết và tỉnh ngộ.
Thế nhưng, thế giới nội tâm của con người phức tạp lắm. Nhận thức có thể đã rõ, nhưng cảm xúc chưa hẳn đổi thay. Ở phần tiếp theo, Mai Văn Phấn rất tinh tế khi khơi lên những xung động khó tả của lòng người:
"Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ
những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi."
Đoạn thơ trên gợi nhiều lối cảm nhận. Cụm từ vô tăm tích hướng đến đối tượng nào? Là con chào mào đã bay biệt, không còn dấu vết hay tâm trí con người chính là đại dương sâu thẳm “vô tăm tích”? Hiểu cách nào thì cụm từ ấy cũng gợi ra một cái gì mênh mông, vô tận, nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người. Những ý nghĩ khởi lên từ đây sẽ như chiếc lá bồng bềnh trên mặt nước, nhìn rất rõ nhưng vô cùng chênh chao. Lời thơ đạt đến độ hàm súc, mà giọng thơ lại giản dị, mềm mại như lời kể. Lát nữa, cụm từ mang màu sắc khẩu ngữ, như nhủ lòng hãy đợi chờ, như nhen lên một niềm hi vọng. Nếu nhìn từ logic tâm lí thông thường, đoạn thơ cho thấy con người không dễ buông bỏ ham muốn. Dù biết không chiếm giữ được con chào mào cho riêng mình, nhân vật trữ tình vẫn nuôi vọng tưởng. Người ấy vẫn mong con chim xinh đẹp đón nhận những trái cây chín đỏ, những giọt nước thanh sạch của mình như đón nhận một tấm lòng. Nhưng nếu theo cái nhìn lí tưởng hóa, có thể cho rằng nhân vật “tôi” vừa mới vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ đã lập tức ân hận và xấu hổ. Nhận ra sự ích kỉ của mình, người đó vẽ ra một không gian tự nhiên, giàu có, ấm áp như là để chuộc lỗi với con chim. Với “tôi”, không gian ấy thanh sạch bởi nó không bị những ý nghĩ nhỏ mọn, hẹp hòi làm vẩn đục. Sự cô đọng, hàm súc của lời thơ có thể dẫn người đọc men theo những hướng cảm nhận khác nhau. Hiểu cách nào thì cũng không ngăn cảm xúc của chủ thể trữ tình hòa vào tiếng hót của con chào mào cất lên ở cuối bài thơ:
"triu... uýt.. .huýt... tu hìu...
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ."
Tiếng chim lại bất chợt vang lên, lần này là hồi âm, là tiếng vọng. Giống như khi đập vào một vách đá cao vút, âm thanh vọng lại, vẫn âm hưởng ấy nhưng cường độ, tính chất, cả sắc thái đều thay đổi. Cánh chim đã biệt tăm, nhưng tiếng hót vẫn vỗ ngược trở lại, giúp “tôi” nhận ra một điều: không cần sở hữu, vẫn có thể thưởng thức giai điệu tiếng chim. Và khi không bị độc chiếm, tiếng chim chính là tiếng hát tự do lộng lẫy nhất. Bởi thế mà tiếng hót trong hơn, rõ hơn, vang hơn, lấp lánh hơn. Tiếng hót như từ bốn phương vọng lại, từ trong tim ngân ra. Chỉ 3 dòng thơ ngắn mà lớp lớp nghĩa ẩn hiện trùng điệp.
Kết cấu vòng tròn (triu... uýt... huýt... tu hìu... ở đầu và cuối bài thơ) tạo nên một vòng sóng âm thanh loang ra loang ra mãi. Tiếng hót thần tiên của con chào mào mở ra, khép lại rồi tiếp tục mở ra hòa cùng những âm giai của tâm trạng con người. Từ ngưỡng mộ, mê say đến ham muốn, khát khao, hy vọng và cuối cùng tự thanh lọc tâm ý, tất cả diễn ra trong âm hưởng của tiếng chim hót. Còn gì đẹp hơn, cao quý hơn và cũng bình dị hơn hành trình tâm tưởng ấy.
Đọc bài thơ, có thể thấy thế giới tự nhiên không phải là đối tượng chính dù tác giả đã khẳng định trạng thái hoàn hảo của tự nhiên qua vẻ đẹp của con chim chào mào. Điểm hội tụ của bài thơ chính là những cảm xúc, suy tư về sự ràng buộc và cách con người can dự vào tự nhiên. Niềm khao khát độc chiếm vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài thơ là biểu hiện của ý chí bắt thiên nhiên phải phục tùng con người. Nhưng vọng tưởng đó bất thành. Bài thơ đã mở ra một thức nhận giản dị mà sâu xa: cũng như con người, con chào mào có quyền sống tự do, yên ổn với môi trường của nó. Con người chỉ nên thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên mà không được phép chiếm hữu. Đó mới là ý nghĩa chân thực của sự sống.
Cũng từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, bài thơ mở ra những tầng rất sâu, rất ấm về mối quan hệ của con người với chính mình. Không hề dụng công, nhẹ như lời nói, thanh đạm và hồn hậu, bài thơ là một cách lắng nghe chính mình. Khi tâm hồn uyển chuyển và mềm dẻo, ta sẽ biết cách sống một cách hòa hợp với thế giới xung quanh, với tiếng hót ngân vang của những tạo vật bé nhỏ và xinh đẹp như con chào mào:
"triu... uýt... huýt... tu hìu...
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ."
Và bạn, bạn có thấy ngân lên trong lòng mình những âm vang kì diệu của thiên nhiên?