Bài tham khảo số 7
Từ xa xưa, con người đã có khát vọng đi tìm hiểu nguồn gốc những sự vật trong cuộc sống. Họ không có nhiều cơ sở để xác minh hay tìm tòi, chính vì vậy, họ chuyển hóa những gì thắc mắc vào trong truyện. Bằng trí tưởng tượng của mình, những người dân đã sáng tạo ra nhiều truyện thần thoại hấp dẫn. Trong đó không thể không kể đến Nữ thần Lúa.
Nữ thần Lúa trong lời kể là con gái của Ngọc Hoàng, dạy nhân dân cách trồng lúa làm lương thực. Hình tượng của người được xây dựng vô cùng thú vị khi có những vui giận giống loài người, biến thần trở nên gần gũi hơn với loài người. Qua hành động của nữ thần, ta cũng thấy được nữ thần vốn rất yêu thương con người, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho loài người. Với những chi tiết hoang đường, kì ảo được kể, nữ thần Lúa còn là người có sức mạnh tuyệt vời. Nàng có thể điều khiển được thiên nhiên, có sự hiểu biết rộng rãi mà con người không có được. Hình tượng nhân vật nữ thần vừa gần gũi, vừa đặc sắc và cũng rất nổi bật. Nguồn gốc của cây lúa là do nữ thần biến ra, lúc đầu chúng còn tự bò về nhà và con người không cần làm gì cả. Tuy nhiên, sau khi con người mắc sai lầm, con người phải đi cắt lúa mang về nhà và tất nhiên vất vả hơn trước. Qua đây, người dân cũng khéo léo bày tỏ sự kính trọng của mình đối với nguồn lương thực chính đã nuôi sống mình. Địa vị của hạt lúa không giống như ngày nay, khi xưa nó được nhân hóa, trở nên cao quý và thậm chí còn có tính cách riêng của mình.
Chi tiết khiến cho truyện sâu sắc hơn là lỗi của con người và sự trừng phạt dành cho họ. Nhưng lại chính nhờ vậy mà càng làm rõ thêm những câu khuyên răn con người làm lụng chăm chỉ qua bao đời. Chỉ có lao động thì mới biết quý trọng những gì mình đang có và mình tạo ra. Đây cũng là một bài học đắt giá không chỉ để lý giải nguồn gốc cây lúa, mà còn khuyên răn những thế hệ trẻ ngày nay.