Bài tham khảo số 7

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ tài năng và nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam, được tôn danh là "Bà chúa thơ Nôm". Các tác phẩm của bà là tiếng nói quyết liệt đấu tranh cho hạnh phúc, khát vọng, vận mệnh, khẳng định, đề cao vẻ đẹp và là ý thức đầy bản lĩnh của người phụ nữ trong Xuân Hương xưa nói chung và bản thân nữ sĩ nói riêng và "Tự tình III" đã thể hiện thành công tâm sự tình duyên của bà.Mở đầu bài thơ là hình ảnh "chiếc bách" với nỗi buồn sâu thăm thẳm:


"Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh"


"Chiếc bách" được lấy trong từ "bách châu" - nghĩa là mảnh thuyền, là hình ảnh ẩn dụ chỉ người góa phụ và được nhân hóa qua từ "buồn" để diễn tả cái nỗi u sầu, buồn bã, tủi hổ vì duyên phận đầy bấp bênh của thi nhân. Nếu "Tự tình I" mở đầu bằng tiếng gà gáy éo óc trong đêm khuya tĩnh mịch, hoang vắng, quạnh hiu, "Tự tình II" có tiếng trống canh dồn dập khiến lòng người càng thêm cô đơn, gấp gáp, hối hả, thì sang đến "Tự tình III" là hình ảnh chiếc thuyền nhỏ bé, đơn độc giống như hình ảnh người phụ nữ đang chơi vơi giữa cuộc đời rộng lớn, mênh mông như biển cả, điều này gợi cho ta nhớ đến câu thơ "Bảy nổi ba chìm với nước non" trong bài "Bánh trôi nước". Từ láy "ngao ngán" đã cho thấy cái tâm trạng đầy chán ngán, buồn rầu vì biết rằng dù bản thân có cố gắng vùng vẫy như thế đi chăng nữa thì cũng chẳng có ích gì, chỉ có thể mặc cho dòng nước đưa đẩy, không biết mình sẽ trôi đi đâu về đâu.Tiếp đến hai câu thực là nỗi truân chuyên trên đường đời gập ghềnh, thênh thang của thi sĩ:


"Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng

Nửa mạn phong ba luống bập bềnh"


Khi còn ở độ xuân thì, Xuân Hương là một phụ nữ rất xinh đẹp với trí tuệ thông minh, sắc sảo, vẻ đẹp ấy được khắc họa gián tiếp qua một số câu thơ: "Thân em vừa trắng lại vừa tròn", "Hai hàng chân ngọc duỗi song song", "Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng". Thế nhưng người xưa nói "Hồng nhan bạc mệnh" quả không sai, cuộc đời bà vốn đã bấp bênh mà đường tình duyên cũng không được trọn vẹn, làm kiếp lẽ mọn đến hai lần và về sau sớm trở thành góa bụa. Hai câu thực trên được hiểu theo hai nghĩa: Nghĩa tả thực và nghĩa ẩn dụ. Với nghĩa tả thực, "lưng khoang" (khoảng giữa của khoang thuyền) vốn vẫn rất rộng mở nhưng những cơn sóng khủng khiếp, dữ dội bên ngoài cứ liên tiếp xô tới, đập vào mạn thuyền. Còn theo nghĩa ẩn dụ, trong lòng Xuân Hương, tình cảm và nghĩa phu thê vẫn đương còn mặn nồng, đậm đà dào dạt "lai láng" nhưng số kiếp không hề muốn buông tha cho bà. Những trận phong ba, sóng gió của cuộc đời cứ tiếp diễn đổ ập đến, bốn bề bủa vây, đe dọa, lấy đi hạnh phúc, bình yên cuối cùng của thi sĩ (người chồng thứ hai của bà và cuộc sống êm đềm bên ông) khiến bà rơi vào tình cảnh bất an, đau khổ, trôi nổi vô định giữa dòng đời. "Nửa mạn" có nghĩa là hạnh phúc chỉ vừa mới đến thôi mà đã lại đi mất, nó giống như bọt biển vậy, tưởng chừng nằm trong tầm tay nhưng cũng lại vỡ tan. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, người phụ nữ cứ chờ đợi mãi, niềm vui đến giữa chừng rồi lại biến mất, sau cùng chỉ để lại cho họ cái cảm giác hụt hẫng, thất vọng, bơ vơ mà thôi.


Vì quá mệt mỏi, khổ sở khi phải chịu nhiều đau đớn, bất công nên nhà thơ đã lựa chọn buông tay tất cả mọi thứ:

"Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến

Dong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh"


Tác giả dùng nghệ thuật đối chỉnh ("cầm lái"... "Dong lèo", "mặc ai"... "Thây kẻ", "lăm đỗ bến"... "Rắp xuôi ghềnh") kết hợp với động từ "mặc", "thây" để thể hiện thái độ buông xuôi, bất lực, bế tắc của nhân vật trữ tình. Mảnh thuyền lúc đầu mặc cho dòng nước cuốn trôi vậy mà giờ đây lại để cho người khác cứ thế điều khiển. Nó là thứ vô tri vô giác, ai rắp tâm dong lèo để đưa thuyền lên thác, xuống ghềnh, lênh đênh nơi sóng nước, hay lăm le cầm lái để ghé đậu bến bờ nào thì người phụ nữ cũng không quan tâm, đoái hoài tới, có phản kháng cũng chẳng thể thay đổi được gì vì số phận mình hoàn toàn nằm trong tay của kẻ khác.Để khép lại bài thơ, tác giả viết:


"Ấy ai thăm ván cam lòng vậy

Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh"


"Thăm ván" xuất phát từ thành ngữ "Thăm ván bán thuyền", chỉ người thay lòng đổi dạ một cách nhanh chóng, có mới nới cũ, giống như người vừa mới tìm được ván (gỗ đóng thuyền) tốt thì đã tính bán đi chiếc thuyền cũ đang dùng. Giữa bốn bề là nước non, Xuân Hương tự vấn bản thân rằng còn ai nữa sẽ đến với mình đây (thăm ván) ? Nếu việc ấy xảy ra thì cũng cam đành mà không thể chống cự. Dù người phụ nữ có sống tình nghĩa, thuỷ chung, "vẫn giữ tấm lòng son" thì điều đấy cũng gần như vô nghĩa. Vậy nên họ đã quyết định ôm đàn sang thuyền người khác, thế nhưng cuộc đời vẫn cứ "tấp tênh", chẳng có gì biến chuyển, khởi sắc, không một chút hi vọng, đổi thay. Các động từ như "cam lòng", "ngán" đã thể hiện sự chấp nhận, buông xuôi, chán nản, ngán ngẩm vì cái "phận hẩm duyên ôi" của nhà thơ.


Tóm lại, tác phẩm "Tự tình III" đã đạt được những thành công nhất định cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Về nghệ thuật, nữ sĩ đã vận dụng tài tình thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cùng với chữ Nôm vừa mang đến sự mới lạ vừa gần gũi, thân thuộc với người Việt và ngôn ngữ sinh động, giàu sức gợi hình gợi cảm, nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, đối, từ láy, gieo vần "ênh".. Nội dung thì giàu giá trị nhân văn sâu sắc, nó đã tố cáo, lên án xã hội phong kiến nam quyền tàn bạo, xấu xa, đầy rẫy những bất công ngang trái và nó đồng thời cũng là tiếng lòng của người phụ nữ thể hiện thái độ chán chường, cam chịu chấp nhận và tâm trạng đau buồn, phẫn uất trước nghiệt ngã, sóng gió cuộc đời. Đằng sau những bi kịch ấy là khát vọng được sống tự do, được hạnh phúc, yêu thương của Hồ Xuân Hương nói riêng và phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |