Bài tham khảo số 7
Hơn 50 năm bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên ra đời, người đọc vẫn không thôi xúc động bởi hình tượng Bác vừa đẹp đẽ, vừa trữ tình, vừa đầy chất sử thi được tái hiện trong những câu thơ giản dị mà trí tuệ, tài hoa.
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác!
Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất,
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Đó là những câu mở đầu trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên. Những câu thơ đã trở nên gần gũi, quen thuộc, ấm áp tình cảm với mỗi người Việt Nam, gợi nhớ hình ảnh Bác Hồ, người đã rời xa Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.
Cách đây đúng 110 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh - lúc bấy giờ là chàng trai yêu nước tên Ba, 21 tuổi, đã quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước vào ngày 5/6/1911 trên con tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin tại bến cảng Nhà Rồng.
Tròn 30 năm bôn ba ở nước ngoài, làm đủ nghề để kiếm sống, trải qua muôn vàn gian khổ vẫn kiên định con đường cứu nước, Người đã tìm ra con đường đi cho dân tộc. Đúng 30 năm, từ chuyến rời xa Tổ quốc với quyết tâm cao cả đó, năm 1941, Người đã trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc, đem lại quyền sống cho những người dân nô lệ. Người đã tìm được hình hài của một nước Việt Nam mới.
Nhà thơ Chế Lan Viên, với tài năng thơ, bút lực mạnh mẽ và tư duy thơ đậm chất suy nghiệm, triết lý đã thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vĩ nhân, con người mang phẩm chất siêu phàm và hành trình gian khổ mà vĩ đại của Người.
“Người đi tìm hình của nước” là bản trường ca đúng nghĩa bởi chất sử thi, bởi tính khái quát, triết lý và trữ tình đan xen hòa quyện trong từng hình ảnh, chi tiết nhỏ, làm nên những câu thơ đầy sức lay động: “Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa…”.
Chất trường ca đã nằm ngay trong cái tứ của bài thơ mà tác giả đã thông tin ngay từ tiêu đề của bài thơ “Người đi tìm hình của nước”. “Tìm hình của nước”, tức là tìm hình hài, dạng thức tồn tại của đất nước: “Thế đi đứng của toàn dân tộc/ Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”.
Và bản trường ca ngắn “Người đi tìm hình của nước” đã triển khai tứ thơ đó bằng việc khái quát chân thực và xúc động con đường cứu nước của Bác Hồ, từ lúc Người bồi hồi chia tay Tổ quốc: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương!/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương!...”.
Và hành trình gian nan, vất vả: “Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê?/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?...”.
Cho đến lúc, Người tìm ra con đường đi cho dân tộc, Nhân dân. Ấy là phút giây Người vui sướng, hạnh phúc tột đỉnh khi bắt gặp Luận cương Lê-nin: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/ Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/ Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”.
Chế Lan Viên rất sáng tạo trong việc diễn tả cảm xúc từ một chi tiết có thật mà Bác Hồ kể lại. Nhà thơ đã rất thành công trong việc khắc họa, tái hiện lại những giây phút vô cùng thiêng liêng, huyền diệu của một sự sống lớn lao, đó là hình hài của đất nước đang được hoài thai, sinh nở: “Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:/ "Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"/ Hình của Đảng lồng trong hình của Nước/ Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
Sức nặng của tứ thơ, những dòng cảm xúc ẩn chứa sau mỗi ngôn từ, hình ảnh của bài thơ giống như những mạch ngầm dồn tụ hết vào đoạn thơ này. Nhà thơ đã dồn hết bút lực vào những câu thơ diễn tả sâu sắc hạnh phúc to lớn, bất ngờ mà Người đã đánh đổi cả cuộc đời để tìm kiếm và cả dân tộc đang mong mỏi.
Mùa xuân năm 1941, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc mang theo niềm tin và chân lý sáng ngời ấy: “Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Bài thơ kết thúc trong một hình ảnh vừa gần gũi, vừa kỳ vĩ, âm điệu đầy dư ba trong lòng người. “Kìa bóng Bác đang hôn lên hòn đất”. Ấy là sự gần gũi trong hành động của một người con yêu nước xa Tổ quốc bao nhiêu năm nay được trở về với đất nước thân yêu, kỳ vĩ trong hình ảnh đất nước, hình hài dân tộc đã tượng hình trong dáng dấp, hình bóng và tâm hồn của Người.
110 năm đã trôi qua từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 80 năm Bác trở về lãnh đạo cách mạng và tạo nên hình hài một nước Việt Nam mới và hơn 50 năm bài thơ của Chế Lan Viên ra đời. Người đọc hôm nay vẫn không thôi xúc động và cuốn hút bởi hình tượng Bác vừa đẹp đẽ, vừa trữ tình, vừa đầy chất sử thi được tái hiện trong những câu thơ giản dị mà trí tuệ, tài hoa của Chế Lan Viên.
Nguồn: Nguyễn Thị Nguyệt (baohatinh.vn)