Bài tham khảo số 7
Nhà thơ Thanh Thảo đã viết về nỗi nhớ thương của người con tới mẹ hết sức cảm xúc qua bài thơ “Gặp lá cơm nếp”. Trong hoàn cảnh đặc biệt, người con “xa nhà đã lâu năm” đang trên đường hành quân thì nhìn thấy chiếc lá cơm nếp. Từ chiếc lá quen thuộc ấy, người con lại thao thức nhớ đến “bát xôi mùa gặt” mẹ làm.
Tuy rời xa vòng tay chăm sóc, yêu thương của mẹ nhưng sâu trong trái tim và tiềm thức người con, hình bóng mẹ vẫn luôn hiện hữu. Trong ký ức con, mẹ luôn là người đảm đang, chất phác, chắt chiu khi “nhặt lá về đun bếp” để nấu những bữa cơm ấm nóng, thơm ngon cho gia đình. Mỗi giây phút nhớ về mẹ, con lại thấy trào dâng cảm xúc với “dư vị quê hương” – ngọn nguồn nâng đỡ tuổi thơ con lớn lên.
Con sẽ mãi chẳng quên hương vị của khói bếp đun, của xôi nếp mẹ nấu. Và chính nhờ tình yêu quê hương, yêu mẹ, con lại càng thêm yêu đất nước “Mẹ già và đất nước. Chia đều nỗi nhớ thương”. Hình ảnh người mẹ và đất nước trở nên gắn bó trong mối quan hệ mật thiết.
Tình yêu gia đình đã hòa vào tình yêu đất nước. Tình cảm thiêng liêng dành cho mẹ, cho cội nguồn, cho non sông vẫn sẽ theo con trong suốt hành trình của cuộc đời, là động lực tiếp bước để con vượt qua khó khăn và gian khổ. Những cảm xúc đẹp đẽ được khơi gợi trong tâm hồn bạn đọc còn được nhân lên từ nét đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ.
Nhịp điệu thơ linh hoạt, thể thơ năm chữ ngắn gọn, cách gieo vần chân quen thuộc cùng ngôn ngữ mộc mạc mang đến cho tác phẩm giọng điệu chân thành, da diết của một tấm lòng tràn đầy yêu thương. Bài thơ đã khơi gợi và in sâu trong lòng bạn đọc tình cảm gia đình thiêng liêng và tình yêu quê hương đất nước.