Bài tham khảo số 7
“Thi tiên” Lí Bạch là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học của Trung Hoa. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình ông đã để lại rất nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về nội dung cũng như nghệ thuật. Đặc điểm chung của những tác phẩm này là đều thể hiện được tâm hồn nhạy cảm, tình yêu thiên nhiên mạnh liệt của thi nhân. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi quảng lăng.
“Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo nhiên chi quảng lăng” thể hiện được tình bạn sâu sắc mà không kém phần cảm động của nhà thơ với người bạn tâm giao Mạnh Hạo Nhiên. Bối cảnh của bài thơ là khung cảnh chia li, nơi nhà thơ tiễn người bạn mình lên đường để đến mảnh đất mới. Mở đầu bài thơ Lí Bạch đã tái hiện lại khung cảnh của cuộc chia li, đồng thời qua đó nhà thơ thể hiện được những xúc cảm đầy đặc biệt trong cuộc tiễn đưa ấy:
“Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”
Dịch:
(Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía Tây
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu)
Trong hai câu thơ đầu tiên, tác giả Lí Bạch đơn giản là tường thuật lại khung cảnh của cuộc chia li. Ngôn ngữ không quá chau chuốt, cầu kì nhưng có thể gợi ra sự xúc động đầy chân thành, tự nhiên nơi người đọc. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh động nhưng kì lạ thay, qua cái tĩnh của cảnh vật người đọc lại cảm nhận được cái tĩnh trong tâm hồn thi nhân. Đó chính là nỗi buồn man mác, là sự lưu luyến của Lí Bạch trước sự ra đi của người bạn Mạnh Hạo Nhiên.
“Bạn cũ” là người bạn thân thiết từng có khoảng thời gian gắn bó, sẻ chia bên ta. Ở trong câu thơ này tác giả Lí Bạch đã sử dụng cách gọi bạn cũ đầy nồng hậu để khẳng định tình cảm gắn bó đối với người bạn tâm giao của mình. “Mùa hoa khói” biểu tượng cho không gian chia li, vì vậy khi nhắc đến mùa hoa khói người ta thường mang nặng cảm giác man mát buồn.
Nhờ sự tinh tế trong bút pháp miêu tả mà hai câu thơ đầu của bài Tại lầu Hoàng Hạc tống Mạnh Hạo Nhiên chi quảng lăng là lệ cú thì hai câu thơ sau lại chính là linh hồn của cả bài thơ. Tại lầu Hoàng Hạc, nhà thơ đã đưa mắt dõi theo thuyền đưa người bạn đi xa cho đến khi cánh buồm mất hút vào khoảng không của dòng Trường Giang mênh mông.
“Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường Giang Thiên tế lưu”
Dịch:
(Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời)
Chỉ một ánh nhìn ấy thôi nhưng ta có thể cảm nhận sâu sắc được tình cảm sâu lặng, sự quý trọng của người ở lại dành cho người ra đi. Hai câu thơ sau tác giả Lí Bạch tiếp tục mở ra trước mắt người đọc một khoảng không mênh mông, trong đó hình ảnh cánh buồm cô đơn đặc biệt tạo ấn tượng cả về thị giác và cảm xúc. Cánh buồn cô độc hay cũng như chính tâm trạng đầy lưu luyến của nhà thơ trong khung cảnh tiễn đưa đó.
Cánh buồm từ gần đến xa dần và mất hút vào khoảng trời mênh mông là cả quá trình dõi theo của nhà thơ. Đến khi cánh buồm đã khuất hẳn nhà thơ vẫn đứng đó bơ vơ, đơn độc trên lầu Hoàng Hạc.
Bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi quảng lăng là bài thơ đẹp về tình bạn, tình bạn đó được gắn kết bởi sự đồng điệu về cả chí hướng cũng như khát vọng đối với cuộc sống, với văn chương. Qua bài thơ ta có thể thấy được tài năng nghệ thuật bậc thầy của thi tiên Lí Bạch, viết về sự li biệt nhưng Lí Bạch vẫn giữ được tâm hồn phóng khoáng như khi ông viết về thiên nhiên hùng vĩ.