Bài tham khảo số 7
Tự nhận thức về phẩm hạnh, về đức hạnh của mình, về sở trường và sở đoản của bản thân mình là cực kì quan trọng. Muốn trở thành con người tử tế, ai cũng vậy, không chỉ biết tự hào mà còn phải biết tự xấu hổ. Đúng như có ý kiến cho rằng: “Biết tự hào về bản thân là cần thiết, nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn".
Tự hào là lấy làm hài lòng, hãnh diện về cái tốt đẹp mà mình có. Ta thường nói: lòng tự hào dân tộc, niềm tự hào về giang sơn gấm vóc, về nhân dân mình; tự hào về bản thân mình,... Xẩu hổ nghĩa là cảm thấy xấu xa, hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác. “Xấu thiếp, hổ chàng" (Tục ngữ). Cần thiết là cần đến mức không thể nào không làm hoặc không có. Quan trọng là có ý nghĩa, có tác dụng hoặc có ảnh hưởng lớn, đáng được coi trọng, không thể coi thường hoặc xem nhẹ.
Qua đó, ta thấy rõ tự hào và tự biết xấu hổ là hai phẩm chất cần có để hình thành và hoàn thiện nhân cách. Nếu không biết tự hào về bản thân mình, không biết tự xấu hổ thì sao xứng đáng được đồng loại coi trọng?
Tại sao biết tự hào về bản thân là cần thiết? Có ai hiểu ta hơn ta? Biết tự hào là tự khẳng định mình, để sống tử tế hơn trước mọi thử thách cuộc đời, để bản thân ta có niềm tin về mọi điều tốt đẹp của mình, trên cơ sở đó mà tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, ra sức phấn đấu, phát huy sở trường, tiềm năng, tiềm lực của bản thân mình. “Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi'' là tự hào.
Vốn đã tốt đẹp lại phấn đấu cho tốt đẹp hơn là nhờ có sức mạnh của niềm tự hào. Không chịu “thua chị, kém em'', dám ước mơ và hành động là tự hào. Học đã giỏi lại nỗ lực không ngừng, vươn lên không ngừng, ngày một giỏi hơn là biết sống tự hào. Tự hào giúp ta khắc phục tính tự ti, tự coi mình là hèn kém, là nhỏ bé trước đồng loại. Sống thụ động, mặc cảm là đáng buồn! Tự hào nhưng không nên, không được tự cao, tự đại, tự mãn. Tự cao, tự đại, tự mãn,... sẽ kìm hãm tài năng phát triển, sẽ làm méo mó nhân cách, sẽ bị đồng loại xa lánh, chê cười. Bài ca dao: “Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn ...” đã chỉ ra thói xấu hợm hĩnh lúc nào cũng tự coi mình là “nhất thiên hạ".
Trong cuộc sống, mỗi một chúng ta không chỉ biết tự hào bản thân mà còn phải biết xấu hổ để làm người tử tế. Tại sao tự biết xấu hổ còn quan trọng hơn tự hào? Con người đâu phải là thần thánh! "Nhân vô thập toàn”, bên cạnh mặt tốt, thường có mặt hạn chế, khuyết điểm. Lười biếng, tham lam, dối trá, nói tục, vô lễ, không có ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, ... là những tính xấu cần gột rửa, gạt bỏ. Tự xấu hổ thì mới biết sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, làm cho tính tốt phát triển, nhân cách ngày một hoàn thiện.
Có dũng cảm mới biết tự xấu hổ. Có biết tự xấu hổ mới biết tự vấn lương tâm. Có biết xấu hổ mới biết tu dưỡng, biết tự phê bình để cho tâm hồn trong sáng. Câu cổ ngữ "Ngọc bất trác bất thành khí" là bài học về tự mài giũa, tự xấu hổ để sống đẹp hơn, cao quý hơn.
Kẻ không biết xấu hổ là vô liêm sỉ, là loại “mặt trơ, trán bóng”, không biết phân biệt đúng/sai, tốt/xấu, điều đáng làm/ điều không nên làm, v.v... Kẻ không biết tự xấu hổ thì tâm hồn ngàv một đen tối, đầu óc thành ao tù, tâm địa trở nên đồi bại. Hắn sẽ bị đồng loại coi khinh, chê cười.
Tại sao những ông bố, bà mẹ có đứa con hư đốn, giết người cướp của, ... lúc ra đường lại lầm lụi cúi mặt không dám nhìn ai? Tại sao, một số quan tham bị kết án nhiều năm tù, nhưng đứng trước tòa án vẫn nhâng nháo? Tại sao có người lại khóc khi biết mình làm điều sai trái? Đúng là có biết xấu hổ mới biết làm người.
Tóm lại, sống trong cuộc đời, mỗi một chúng ta phải biết nâng cao niềm tự hào vể bản thân, coi đó là điều cần thiết, nhưng phải tự ý thức là biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Biết tự hào về bản thân, biết xấu hổ mới trở thành con người tốt, con người có văn hóa. Biết tự hào là thắp sáng ngọn lửa tâm hồn. Biết xấu hổ là để phục thiện. Có thế, mới tốt đẹp, mới đáng yêu.