Bài tham khảo số 7
Hoài Vũ đã khéo léo gửi cái ánh mắt ấy vào trong lá tràm. Để rồi bất cứ thứ gì liên quan đến “em” cũng trở thành Tràm. Tưởng như Tràm là em từ bao giờ rồi. Và bài thơ ngập trong hương tràm, lá tràm, gió tràm. Tràm chính là em, em có ở trong tràm. Cái xứ Tháp Mười này cũng trở thành xứ tràm – xứ em!
Anh vẫn thấy bóng em giữa bóng tràm bát ngát Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”
Em là bóng tràm. Em là mắt lá tràm. Em là hương tràm. Và vì thế cho nên rất dễ hiểu vì sao trong bốn khổ thơ, khổ nào cũng gió tràm, cũng mây tràm, cũng hương tràm, lá tràm… Và vì thế cho nên “Đi trong hương tràm” chính là đi trong tình em! Bốn khổ thơ, cuối mỗi khổ đều quấn quyện hương tràm, tưởng như cả bài thơ ngập trong cái hương tràm xôn xao kia.
Khổ thứ nhất: “Mà khắp trời mây hương tỏa bay”, khổ thứ hai: “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”, khổ thứ ba: “Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”, khổ thơ thứ tư: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”. Mỗi khổ thơ là một khổ hương tràm, một sắc thái hương tràm. Và mỗi khổ cũng là một sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình “anh”. Tất cả đắm say trong hương tràm, trong “tình em”. Ngay từ khổ thứ nhất đã say đắm:
“Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay”
Không đắm say, không nhập tâm nhập thần cái hương tràm ấy thì làm sao mà từ bông hoa tràm trong vòm lá kia lại có thể thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay như thế! Tuy nhiên, cái đắm say ấy cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một chuỗi diễn biến tâm trạng của “anh”.
Nó mới chỉ là cái đắm say của cảnh, của lá tràm, bóng tràm thực tại. Khổ hai, tâm trạng bắt đầu vận động theo hương tràm. Sau một loạt những “Dù” phũ phàng và đau đớn là “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”.
Từ bông hoa tràm mà thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay đến không có “em” mà vẫn có thể “cho ta bên nhau” qua “một thoáng hương tràm” thì cái liên tưởng ở đây đã có chiều hướng đi sâu vào tâm tưởng. Và như một quy luật của logic tâm hồn, khi chạm đến những gì là của tâm tưởng, của tâm thức thì sau phút đắm say sẽ là nỗi đau.
Mà sự đắm say càng sâu thì nỗi đau càng giằng xé, càng quặn thắt. Cái thực tại phũ phàng “Hương tràm bên anh, mà em đi đâu” như muốn phá tan tất cả những hư ảo mơ màng của không – gian – tràm trước đó. Nhưng có lẽ vì anh chung tình quá nên cái không – gian – tràm ấy không dễ gì mà phá vỡ được. Và đến khổ cuối thì cái cảm xúc: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao” đã trở thành siêu liên tưởng!
“Gió Tháp Mười đã thổi thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hi vọng
Không gian thơ ở đây được phân định thành hai chiều không gian rõ ràng: Một chiều không gian thực tại với những cây tràm, bông tràm, lá tràm và “xa cách”, và “đổi hướng thay màu”, và “không trao anh nữa”, và thương đau… Một chiều không gian của tâm thức, tiềm thức với bóng tràm, với hương tràm, với mắt tràm, với mây tràm, với gió tràm, với “hy vọng”, với “cho ta bên nhau”…
Chính vì cái không gian này nên cái ngọn gió của xứ Tháp Mười – xứ tràm – xứ em kia mới “thổi rất sâu” chứ không phải là thổi rất xa hay rất cao! Cái chiều thổi của gió là chiều của tâm hồn, chiều của nỗi nhớ, của tình yêu, của niềm hy vọng…
Và có lẽ cũng bởi cái chiều không gian thứ hai này và cái chung tình của “anh” mà khiến cho cái không gian chung của bài thơ không ít mơ màng, hư ảo này bừng sáng lên trong từng câu chữ.
Cầm trên tay bài thơ “ Đi trong hương tràm” của Hoài Vũ và đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc mà lòng tôi cứ bâng khuâng trong giai điệu da diết, mặn mà nhưng khắc khoải đến nao lòng:
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu.
Dù gió mây kia đổi hương thay màu.
Dù trái tim em không trao anh nữa.
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau.
Không thể giữ lòng mình khi ngoài kia gió đông vẫn vi vút thổi mà nàng xuân đã nhón bước nhẹ nhàng, e ấp đậu trên hoa đào hoa mai đang đơm nụ, tôi miên man trải lòng mình với “ Đi trong hương tràm”, với hương tình yêu mãi xanh, thuỷ chung và thánh thiện…
Chưa một lần được tới Tháp Mười, chưa được thấy rặng tràm xanh mát, chưa được ngắm hoa tràm e ấp, chưa được biết hương tràm ra sao nhưng bài thơ của Hoài Vũ cứ xôn xao mãi trong lòng. Có phải vì hương, hoa, lá tràm gắn liền với tình yêu rất đỗi thuỷ chung và thánh thiện của người trai Nam Bộ!
“Gió Tháp Mười đã thổi thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hi vọng
Bầu trời thì cao cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh mà em đi đâu”
Hương tràm bên anh mà em đi đâu như một nét dao cứa vào lòng nhân vật trữ tình, nó cứ xoáy sâu, khoan vào nỗi nhớ da diết, tình yêu đằm sâu của người trai Nam Bộ. Người trai ấy đang đứng giữa Tháp Mười mênh mông. Bầu trời cao, cánh đồng rộng và hun hút gió thổi… trong lòng.
Cơn gió Tháp Mười thổi đi đâu? Nếu lên trời thì rất cao, nếu trên cánh đồng thì rất dài, rất rộng. Rất sâu, ấy là gió đã thổi vào tâm trạng, vào cõi lòng của con người. Hai chữ “Thổi” đặt cạnh nhau trong câu thơ gây một ấn tượng đặc biệt. Hình như gió cũng phải nghỉ lấy hơi, phải tiếp sức với nhau mới đi tới được “Tháp Mười” tâm trạng!
Thiên nhiên cao rộng, trống trải đến rợn ngợp. Còn con người thì đang có bão ở trong lòng. Anh có gì tựa vào để đứng vững và liệu anh có đứng vững được không? Anh chỉ có hương tràm mà thôi, hương tràm và kỷ niệm về một người con gái giờ cũng thoảng như hương: “Dù trái tim em không trao anh nữa Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”.
Nhưng sự “Bên nhau” ấy mong manh quá không che khuất được nỗi cô đơn: “Hương tràm bên anh mà em đi đâu” Tưởng như nỗi thương đau có thể làm cho con người sụp xuống. Nhưng không, hương tràm mong manh, nhưng hương tràm là một thứ bùa ngải nhiệm màu:
“Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hương thay màu”
Khoảng cách không gian không có ý nghĩa gì, khoảng cách thời gian cũng không là gì. Ngay cả thiên nhiên với quy luật “Vĩnh hằng” có đổi thay đi nữa thì cũng không hề ảnh hưởng. Chưa hết, ngay cả trái tim không thể trao nhau như thoáng hương tràm đủ bắc cầu qua không gian, thời gian, “Qua mặt” thiên nhiên, qua cả sự trao gửi tình thương để đến niềm yêu vĩnh cửu.
Điệp một lúc những bốn chữ “Dù” và sau đó là bao nhiêu điều kiện để khẳng định tình yêu vẫn là mãi mãi. Đó phải chăng là một sự thách thức, một sự bất chấp. Liệu có phải là thái độ “Khùng khùng” một tâm trạng “Cùng ca” hay không? Không, chỉ cần đọc tiếp khổ thơ sau, ta sẽ hiểu:
Bóng em ….. giữa bóng tràm
Mắt em …… trên lá tràm
Tình em ……. trong hương tràm
Vậy là em và kỷ niệm xưa gắn liền với rừng tràm đã hoá thân vào cây tràm, đã biến thành một loài cây mãi mãi xanh tươi, mãi mãi sinh sôi nảy nở. Tình yêu ấy là bất tử. Nhạc sỹ Thuận Yến, người phổ nhạc cho bài thơ cho biết: Hoài Vũ viết bài thơ tặng anh Tư có người yêu là cô giao liên đã hy sinh. Như thế, “Em đi đâu” tức là em đã hy sinh mình và hoá thân vào đất Mẹ.
“Trái tim em không trao anh nữa” là em sẽ không thể trao chứ không phải đổi dạ thay lòng. Biết thêm chi tiết này là ta càng thêm quý mến sự chung tình của người con trai Nam Bộ và xúc cảm biết bao trước những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Nhạc sĩ Thuận Yến đã phổ bài thơ Đi trong hương tràm với một cung thứ khác lạ, bằng những nốt luyến láy mang âm hưởng những điệu hò dân gian Nam bộ, giai điệu khiến người nghe như mường tượng ra một không gian bát ngát hương tràm.
Đi trong hương tràm qua giọng hát của NSND Thu Hiền rất được người nghe yêu thích Có lẽ Hoài Vũ đã không viết quá cụ thể, quá riêng biệt về đôi trai gái như vậy lại hay. Bài thơ vì thế mà có được sự đồng thanh đồng điệu. Còn biết bao nhiêu mối tình gắn bó với hương tràm, hương sen, hương lúa, hương chanh, hương bưởi… những hương hoa ở mọi miền quê đất Việt.
Không phải là cái chết, mà vì một lí do nào đó, họ không trao được trái tim cho nhau. Nhưng họ vẫn giữ ở trong lòng thoáng hương xưa ấy. Thoáng hương mong manh nhưng đủ để cho con người có thể sống Người hơn.