Bài tham khảo số 7
Xuân Quỳnh được mệnh danh là nữ hoàng thơ tình yêu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Các sáng tác của chị là một tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn vừa hồn nhiên, vừa đằm thắm lại nhiều khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. Đến với bài thơ “Sóng”, người đọc sẽ thấy được sự kết hợp giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại làm nên vẻ đẹp của người con gái khi yêu.
Đầu tiên, “Sóng” là tiếng nói của một cái tôi trong tình yêu với những quan niệm mới mẻ. Xuân Quỳnh đã diễn tả đầy đủ những cung bậc trong tình yêu với những điểm đối lập:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ”
Cũng giống như con sóng ngoài đại dương, người con gái trong tình yêu cũng có những cung bậc cảm xúc thật đa dạng. Khi thì dữ dội, ồn ào đấy mà cũng có lúc lại thật êm đềm, lặng lẽ. Tình yêu dường như luôn có quy luật mà lý trí chẳng thể giải thích được. Để rồi, người con gái khi yêu đã có suy nghĩ:
“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Cái mở mẻ của Xuân Quỳnh ở đây chính là sự chủ động của người con gái trong tình yêu. Nếu như “sông” không thể hiểu nổi mình, “sóng” sẵn sàng tìm ra biển lớn - tìm đến với tình yêu đích thực của đời mình.
Không chỉ vậy, người con gái trong “Sóng” còn sẵn sàng dâng hiến, hy sinh cho tình yêu:
“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàm năm còn vỗ”
Câu hỏi tu từ “Làm sao” mở đầu khổ thơ như một lời tự vấn. Làm thế nào để có thể sống trọn vẹn với tình yêu? Người phụ nữ khi yêu cũng vô cùng mãnh liệt, họ ước mong được sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc trong tình yêu. Ở đây, Xuân Quỳnh sử dụng từ “tan ra” thể hiện nét dịu dàng của người phụ nữ, khác hẳn với cái mạnh mẽ của Xuân Diệu:
“Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…
Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm”
(Biển)
Dẫu hiện đại là vậy, nhưng trong tình yêu, “em” vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Tình yêu nào mà không được đong đếm bởi nỗi nhớ, và người con gái trong “Sóng cũng vậy”:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
“Con sóng” được khắc họa ở hai chiều - không gian và thời gian. Dù “ở dưới lòng sâu” hay “trên mặt nước” - chiều không gian, dù là “ngày” hay “đêm” - chiều thời gian, thì con sóng “vẫn nhớ đến bờ” đến nỗi không ngủ được. Và nếu “sóng” nhớ “bờ” thì “em” lại nhớ đến “anh”. Nhưng con sóng kia còn có thể bị ngăn cách bởi không gian, thời gian. Còn nỗi nhớ của em thì phá vỡ mọi khoảng cách địa lý. Em nhớ anh mà ngay cả “trong mơ vẫn còn thức”. Hình ảnh của anh đã đi vào tâm trí của em. Đó chẳng phải là điều gì xa lạ trong thơ ca. Ca dao đã từng có những câu thơ diễn tả nỗi nhớ của những người yêu nhau:
“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt trên vai
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề”
Còn Nguyễn Bính lại thật khéo léo mượn hình ảnh sau để diễn tả nỗi nhớ:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
(Tương tư)
Đặc biệt nhất đó chính là tấm lòng thủy chung của người con gái trong tình yêu:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu xuôi về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương”
Hình ảnh thơ đối lập “xuôi” - “ngược”, “phương Bắc”’ và “phương Nam” được nhà thơ sử dụng trái với quy luật thông thường (ngược về phương Bắc, xuôi về phương Nam) với dụng ý nghệ thuật sâu sắc. Dù cuộc đời có luôn biến chuyển không ngừng, đôi ta phải trả qua nhiều sóng gió, vạn vật có luôn đổi thay. Thì em vẫn luôn hướng về “phương anh”. Trái tim của em vẫn giữ được tình yêu nguyên vẹn dành cho anh dù có trải qua biết bao nhiêu khó khăn, sóng gió trong cuộc đời. Em vẫn hướng về “phương anh” - một phương duy nhất, không hề thay đổi. Tấm lòng thủy chung, son sắc của em thật đáng trân trọng.
Có tấm lòng thủy chung, “em” sẽ mãi tin vào tình yêu của mình:
“Ở ngoài kia đại dương
Trăm nghìn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở”
Con sóng nào rồi cũng sẽ tới bờ, cũng như em rồi sẽ gặp lại anh. Khi ấy, tình yêu của chúng ta sẽ tồn tại vĩnh viễn dẫu năm tháng có thay đổi.
Như vậy, người phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh tuy đầy mãnh liệt, sôi nổi nhưng vẫn đằm thắm, thủy chung - nét đẹp cổ điển.
Qua phân tích trên, “Sóng” đã thể hiện vẻ đẹp truyền thống cũng như hiện đại của người con gái trong tình yêu. Thơ của Xuân Quỳnh quả là tiếng lòng chân thật của người phụ nữ.