Bài tham khảo số 6
Trần Đăng Khoa là nhà thơ thần đồng với nhiều sáng tác gắn liền với quê hương, đất nước, những điều bình dị, gần gũi với trẻ em. “Hạt gạo làng ta” là một tác phẩm như thế. Chỉ với một bài thơ nhỏ, tác tác đã gợi lên vẻ đẹp và tình yêu quê hương, đất nước cũng như phẩm chất chất phác của người nông dân cùng hình ảnh làng quê Việt Nam bình dị, thân thương.
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay.”
Hình ảnh quen thuộc của đất nước nông nghiệp như nước ta là đồng ruộng, là thôn xóm, là lúa rơm, là hạt gạo. Hạt gạo được xem như hạt ngọc quý giá màu trắng sữa, là kết tinh của vị phù sa của sông Kinh Thầy – con sông quê hương của tác giả, của hương thơm của hoa sen và của lời mẹ hát với ngọt bùi lẫn đắng cay.
Bởi thế, hạt gạo thật đáng quý. Những hạt gạo bé nhỏ ấy mang lại nguồn lương thực, nuôi dưỡng đời sống thể chất và tinh thần cho “làng ta”. Hạt gạo quý giá vì hạt gạo mang vẻ đẹp của những gì thân thuộc và tinh túy nhất của làng quê và cả tấm lòng của người nông dân chân lấm tay bùn.
Hạt gạo không bỗng nhiên hay nhanh chóng có mặt với những gì bình dị mà tinh túy ấy. Mà để có được hạt gạo, con người phải trải qua nhiều khăn, gian khổ:
“Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy”
Đó là những cơn bão tháng bảy, những cơn mưa tháng ba, những tháng sáu khô hạn. Những điều kiện thời tiết ảnh hưởng nhiều đến đồng ruộng. Nhưng giữa những khắc nghiệt của thiên nhiên, những ngày nắng nóng đến “chết cả cá cờ”, “cua ngoi lên bờ” “mẹ em” phải xuống đồng để cày cấy.
Đến đây hẳn ta vẫn còn nhớ từng được bà, được mẹ đọc cho câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy” – “Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Cái “đắng cay” trong bài ca dao và cái “đắng cay” trong lời hát của mẹ chính là nỗi cực nhọc ngày đêm của người nông dân, lao động là vinh quang, nhưng thiên nhiên gây ra trở ngại muôn phần. Cây lúa vốn là giống thân mềm, rỗng bên trong, nên những biến động thời thiết thực sự là thử thách lớn.
Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt là vậy, ý chí, sự kiên trì và siêng năng của người nông dân vẫn muôn lần chiến thắng và gặt được gạo dẻo thơm, để có bát cơm đầy, để ấm no, đủ đầy. Qua đây, ta thấy được phẩm chất quý giá của người nông dân Việt Nam, bão táp mưa sa, nắng nóng khô hạn họ vẫn không ngại khó khăn mà ra đồng.
Điểm nhấn tiếp theo dễ thấy khi đọc bài thơ là tầm quan trọng to lớn của hạt gạo làng ta, khi nhân dân kiên cường bảo vệ hạt gạo trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Lúc này, ta thấy những gian khó của người nông dân phải đối mặt không chỉ là sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà đáng sợ hơn, nguy hiểm hơn là bom đạn chiến tranh.
“Những năm bom Mĩ
Trút lên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng”
Đoạn thơ trên đã tái hiện bối cảnh đất nước trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt. Tội ác chiến tranh với nào mưa bom, bão đạn đã tàn phá đất nước ta, hủy diệt bao làng mạc, giết hại bao người. Trước bối cảnh này, lớp lớp thanh niên xung phong ra trận mạc theo tiếng gọi của lòng yêu nước, của máu sôi lửa giận quân thù.
Tiền tuyến là quan trọng nhưng giữ vai trò lớn lao không thể phủ nhận, là hậu phương, là nền sản xuất đảm bảo cho bộ đội có đủ lương thực lấy sức chống giặc. Vì vậy nắng mưa vất cũng không thể làm thoái lui ý chí chiến đấu kiên cường, lòng kiên trì, chịu khó của người nông dân.
Thế nhưng, bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi nước mắt, thành quả lao động sắp đến ngày thu hoạch thì lại bị đe dọa hủy hoại bởi bom đạn kẻ thù. Băng đạn mà “vàng như lúa đồng” thì mới thấy sức tàn phá, tội ác của chiến tranh thật khủng khiếp. Và một lần nữa, người nông dân lại ra sức bảo vệ, lại thầm lặng chiến đấu để mang cho quân dân những “hạt ngọc”, “hạt vàng”:
“Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông”
Trong hòa cảnh chiến tranh khốc liệt, người nông dân trở nên can trường và quyết tâm hơn bao giờ hết. Vì tiền tuyến, vì cuộc chiến giành độc lập phía trước, họ luôn sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi gian khổ. Sự hiểm nguy rình rập, nhưng họ luôn tiến lên để có bát cơm mùa gặt, “thơm hào giao thông”.
Mọi sự thắng lợi đều cần đến sự hợp lực, sự đồng lòng của mọi người. Các chiến sĩ cùng nhau chiến đấu nơi tiền tuyến, ở hậu phương, không chỉ người nông dân mà còn có các em nhỏ, những thanh thiếu thiên cùng góp sức tăng gia sản xuất.
“Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quét đất”
Chính sự tham gia của những bạn nhỏ đã mang đến một “bầu không khí” khác cho bài thơ, làm dịu xuống những hiểm nguy, gian khổ trước đó. Như vậy, những em nhỏ cũng biết giúp gia đình, cha mẹ và không kém phần quan trọng. Như bác Hồ dặn dò, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ/tùy theo sức của mình”.
Tinh thần hăng say làm việc của các nhỏ đã làm sống dậy niềm hân hoan, niềm tự hào, sự tươi trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước. Và hơn hết, ta hiểu rõ, dù ở lứa tuổi nào chúng ta đều có cùng một tình yêu quê hương xứ sở mình. Những bạn nhỏ trong bài thơ này của Trần Đăng Khoa với những bàn tay nhỏ xinh góp sức mang đến những hạt gạo trắng thơm, gửi đi khắp mọi miền đất nước:
“Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta”
Tong suốt bài thơ, tác giả nhắc nhiều đến “hạt gạo”, nhưng ở câu cuối cùng, hạt gạo được gọi là “hạt vàng”. Điều này thể hiện sự trân trọng đối với hạt gạo cũng như sự khẳng định giá trị quý giáo của hạt gạo. Bởi suốt chiều dài bài thơ ta thấy, để có được hạt gạo, để người dân được ấm bụng, để có nguồn lực chiến đấu, người nông dân phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, nước mắt và cả những hiểm nguy từ bom đạn.
“Hạt gạo làng ta” được sáng tác bởi một thi sĩ nhỏ tuổi, nhưng không vì thế mà bài thơ không có chiều sâu suy ngẫm. Hơn thế, bài thơ thể hiện những suy nghĩ trưởng thành, không chỉ gắn liền với một làng quê mà trải rộng ra tình yêu đất nước. Đặc biệt, bài thơ như một lời nhắc nhở chúng ta ngày nay, hãy biết trân quý những hạt gạo, bởi đó là thành quả lao động vất vả, cực nhọc của người nông dân.