Bài tham khảo số 6
Trong cuộc sống con người luôn cần tự tin vào bản thân mình, tự hào với những thành quả mà bản thân đạt được để mơ ước đạt tới những thành công lớn hơn. Bên cạnh đó, ta cũng phải nhận thức được những sai lầm mà bản thân đã phạm phải để sửa chữa lỗi lầm, hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã trở thành bài học quý giá cho tất cả mọi người.
Trước hết ta cần hiểu rõ câu nói để có thể bàn luận chính xác về vấn đề được đặt ra. “Biết tự hào về bản thân” là thái độ hãnh diện về những thành quả mình đạt được, về những đóng góp của mình cho cuộc sống. Không chỉ có thể, biết tự hào còn là sự nhận thức rõ ràng về khả năng của bản thân trong cuộc sống. “Xấu hổ về bản thân” là cảm thấy hổ thẹn về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác. Thêm vào đó, việc biết xấu hổ về bản thân còn là biểu hiện của tự trọng – một đức tính vô cùng thiết yếu đối với mỗi con người. Nói tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã đề cao sự nhận thức đầy đủ về bản thân, hướng tới sự hoàn thiện chính mình.
Không thể phủ nhận rằng ý kiến đưa ra là vô cùng đúng đắn. Trong cuộc sống, ta có thể thấy được việc biết tự hào, biết khẳng định bản thân đóng một vai trò quan trọng trong hành trình tìm kiếm thành công của mỗi con người. Thật vậy, tự ý thức được năng lực, thành tích của bản thân giúp mỗi người tự tin hơn trong cuộc sống và trong công việc, giúp con người ta biết được vị trí của mình trong cộng đồng. Ta là ai? Ta có những gì? Ta làm được những gì? Cổ nhân có câu “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng” cũng là bởi như vậy. Tuy nhiên, tự hào thôi là chưa đủ, ta còn phải biết xấu hổ về bản thân nữa. Rất tự nhiên, con người thường có xu hướng che giấu cái xấu, lỗi lầm của bản thân và khoe khoang mặt tốt. Chẳng vì thế mà các cụ ta hay có câu “Đẹp đẽ thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại” đấy thôi. Nhưng ta phải nhận thức được một điều rằng: Chỉ khi con người ta đối diện với lỗi lầm, biết hổ thẹn với chính bản thân mình vì lỗi lầm ấy và có ý thức sửa chữa thì ta mới hoàn thiện được bản thân. Thậm chí, việc biết xấu hổ còn quan trọng hơn biết tự hào bởi lẽ biết xấu hổ là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm của mỗi người để tự hoàn thiện bản thân và hoàn thiện cả xã hội.
Trong cuộc sống, ta gặp không ít những tấm gương không chỉ biết tự hào về thành quả đóng góp của mình mà còn biết tự xấu hổ về sự kém cỏi và những lỗi lầm của mình trước người khác nữa. Hãy gặp cô gái kình ngư trẻ của làng bơi lội Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên, bạn sẽ thấy một tấm gương sống về điều đó. Cô gái kình ngư trẻ tuổi này từng bật khóc nức nở ngay khi giành được tấm huy chương vàng danh giá và lập được kỉ lục Sea Game tổ chức tại Singapore. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là những giọt nước mắt ấy không phải là những giọt nước mắt vui vẻ, những giọt nước mắt sung sướng của thành công mà theo cô chia sẻ, đó lại là những giọt nước mắt thất bại. Ánh Viên khóc khi mắc lỗi và thua chính mình dù cô vượt xa các đối thủ còn lại trên đường đua xanh. Cô gái ấy không chỉ biết tự hào về bản thân khi đem lại vinh quang cho Tổ quốc mà đáng quý hơn cô còn biết nhìn thẳng vào những sai lầm mình đã mắc, nhìn thẳng vào sự yếu kém của bản thân để sửa chữa nó ngay cả khi cô đã đạt được giải thưởng danh giá nhất. Tấm gương sáng ấy khiến chúng ta phải nhìn lại bản thân mình, nhìn lại sự tự mãn của bản thân mình khi đạt được kết quả học tập tốt hay được thăng chức, tăng lương trong công việc. Cô gái kình ngư trẻ tuổi ấy thực sự là tấm gương để chúng ta noi theo. Tuy nhiên, ta đề cao việc tự hào về bản thân không có nghĩa là ta đồng tình với việc tự cao tự đại, đánh giá bản thân quá cao khiến con người trở nên hợm hĩnh coi thường tất cả. Tương tự như vậy, ta đề cao việc biết xấu hổ về bản thân không có nghĩa là ta khuyến khích sự tự ti quá đà, lúc nào cũng thấy mình có lỗi, có khuyết điểm, người khác phê phán là lại thay đổi theo ý kiến người ta. Đó là lối sống ba phải, gió chiều nào che chiều ấy chứ không phải là lòng tự trọng và sự nhận thức đúng đắn về bản thân mình.
Tóm lại, câu nói “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” đã để lại cho chúng ta những bài học đáng quý. Chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu. Không chỉ có vậy, ta còn phải nghiêm khắc đối với chính mình, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách và những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bản thân. Từ việc hoàn thiện được bản thân, chúng ta có thể dần dần hoàn thiện cả xã hội.