Bài tham khảo số 6
“To be or not to be - That is the question”- “Sống hay không sống - đó chính là câu hỏi”. Sống chưa bao giờ là việc dễ dàng. Từ lâu, cách sống luôn là câu hỏi khó làm cho chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ. Sống trên đời cũng là một nghệ thuật. Chúng ta phải chú ý từ cái nhỏ nhất như cách ăn, cách nói đến cái lớn hơn là cách làm việc, cách đối nhân xử thế hàng ngày. Vì thế, nhà triết học Hi Lạp, Dê-nông (346 – 264 TCN) đã nói: “Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”.
Câu nói đề cập đến tai và mắt: là hai bộ phận trên cơ thể con người. Tai là bộ phận có chức năng thu nhận âm thanh, biểu tượng cho việc tiếp nhận thông tin. Miệng có chức năng truyền tải suy nghĩ, cảm xúc thành lời nói. Nếu như tai giúp tiếp thu thông tin thì miệng lại giúp bộc lộ, bày tỏ thông tin, cũng như chính con người cá nhân của người nói. Hai tai và một miệng là cấu trúc hoàn chỉnh của mỗi con người, biểu tượng cho mối quan hệ nghe- nói, lắng nghe- bộc lộ. Tóm lại, câu nói khuyên chúng ta hãy biết lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn.
Có câu nói rằng: “Sự im lặng của con người thật tuyệt vời khi ta biết lắng nghe”. Lắng nghe cũng là cả một nghệ thuật trong cuộc sống hiện nay. Không chỉ đơn thuần là tiếp thu và tiếp nhận thông tin, lắng nghe chính là cách giúp ta thấu hiểu mọi thứ xung quanh mình. Sẽ ra sao nếu chúng ta không biết lắng nghe? Đi đường mà không nghe thấy tiếng còi xe thì trả giá bằng va quệt thương tích. Nhưng giữa đường gặp người bị nạn kêu cứu mà không giúp đỡ thì xác định cầm bệnh án trái tim rạn vỡ đến hết đời. Cha mẹ không nghe thấu con cái thì hạnh phúc đổ vỡ, yêu thương vụt khỏi tầm tay. Bạn bè không nghe thấu nhau thì tình cảm mong manh ngõ cụt. Ngồi ở vị trí cao mà không nghe thấu thì gieo oán giận, tủi hờn, bất công cho người yếu thế. Cái tai vì thế không chỉ còn là tai ngoài nữa, nó là cái tai nội tâm giúp ta hiểu thấu cả những vấn đề không nói và cùng sẻ chia, cảm thông với người khác. Vì thế, ta cần biết lắng nghe trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, đồng thời, cũng cần biết chọn lọc, phân tích để lắng nghe những điều thực sự ý nghĩa.
Nghe nhiều hơn đi kèm với việc nói ít hơn. Trong cuộc sống, không ít kẻ bẻm mép thường ăn nói ba hoa khoác lác, không ngừng chỉ trỏ, đánh giá, phê bình người khác. Chúng ta mất 2 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học sự im lặng. Thế mới biết, học nói ít khó khăn đến nhường nào. Khi chưa hiểu rõ một vấn đề, nội dung lời nói còn chưa xác đáng, việc nói ít hơn thể hiện sự thận trọng của người nói, đồng thời tránh xuyên tạc vấn đề, làm tổn thương người khác. Chúng ta học cách nói ít cũng là để tránh phê phán, nghi kị, hơn thua, không nhỡ miệng nói ra những điều giả dối, sáo rỗng, không gieo rắc và chịu những tiếng xấu trong đời. Vì vậy, chúng ta cần căn cứ vào từng đối tượng, hoàn cảnh để xác định nội dung lời nói và cách thức truyền tải sao cho phù hợp, không chỉ truyền đạt đúng thông tin mà còn phải làm hài lòng người nghe.
Nghe nhiều nói ít là biểu hiện của một con người chín chắn, tinh tế. Đó là khi ta biết làm chủ bản thân, biết lúc nào nên nghe nhiều, lúc nào nên nói ít. Nghe nhiều nói ít cũng thể hiện đức tính khiêm nhường, giảm bớt cái tôi để học được diều hay lẽ phải.
Học nghe, học nói không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Trong từng hoàn cảnh, từng đối tượng, ta phải biết làm chủ được lời nói của mình, đồng thời học cách lặng im khi cần thiết. Ngay cả lúc tranh cãi, bàn luận, cũng đừng đỏ mặt tía tai, ăn nói vô tội vạ, cướp lời người khác.
Câu nói của Dê- nông là bài học nhẹ nhàng mà thấm thía, sâu sắc. Nghe nhiều, nói ít - đó là cách sống đẹp trong cuộc sống đầy rẫy những tranh đua này.