Bài tham khảo số 6
Tên của tôi là Dế Mèn. Vì tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên rất chóng lớn. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.
Đôi càng của tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Còn đôi cánh trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Cứ mỗi khi tôi vũ lên là nghe tiếng phành phạch giòn giã. khi tôi bước đi bách bộ thì cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi rất hãnh diện về ngoại hình của mình.
Tính cách của tôi thì rất ương bướng. Đôi lúc dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm. Có khi tôi chọc mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ, hay cả Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên. Mọi người không nói lại tôi phần nhiều vì họ nể hơn là sợ. Bởi vậy mà tôi đã coi mình là đứng nhất ở trong thiên hạ rồi.
Hàng xóm của tôi là Dế Choắt - một anh chàng nhỏ bé, ốm yếu. Người thì gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Tôi trông thấy Dế Choắt mà chỉ thấy coi thường.
Một hôm tôi sang nhà Dế Choắt chơi, thấy trong nhà luộm thuộm. Tôi liền lên tiếng chê Dế Choắt. Tôi liền lớn tiếng chê bai:
- Sao chú mày sinh sống cẩu thả vậy? Nhà cửa thì tuềnh toàng, ngộ nhỡ có kẻ nào đến phá thì chú mày gặp nguy ngay. Đúng là có lớn mà chẳng có khôn.
Dế Choắt tỏ vẻ buồn bã vì chẳng có đủ sức để đào một căn nhà tử tế. Choắt ta còn to gan nhờ tôi đào một cái ngách thông sang nhà để phòng khi có chuyện thì giúp đỡ. Tôi nghe vậy thì thấy thật nực cười, liền nói:
- Hức! Thông ngách sang nhà ta? Chú mày thì hôi như cú mèo, làm sao ta chịu được. Ai bảo đào tổ nông thì cho chết!
Nói xong, tôi thản nhiên ra về, mặc kệ Dế Choắt buồn bã. Nhưng rồi có một sự việc xảy ra khiến tôi vô cùng hối hận.
Mấy hôm liền, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược. Các loài chim nước cũng tụ tập về đông đủ, đứng đầy cả mặt hồ. Đang suy nghĩ vẩn vơ, bỗng thấy chị Cốc từ dưới mặt nước bay lên, đến đậu gần hang tôi, cách có mấy bước. Tôi nghĩ bụng sẽ trêu chị Cốc một phen ra trò, liền rủ Dế Choắt chơi cùng, nhưng Choắt lại nói:
- Em xin anh, đừng làm trò dại dột như thế!
Nghe vậy, tôi liền mắng Dế Choắt nhút nhát, rồi liền cất lời trêu chị Cốc. Nghe tiếng hát, chị Cốc giật mình định bay đi. Nhưng đến khi định thần lại, chị mới trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Thấy chị ta đến gần, tôi nhanh chân chui tót vào hang nấp kín, rồi vắt chân lên giường. Đúng lúc, Dế Choắt đang loay hoay ngoài cửa hang thì bị chị Cốc nhìn thấy. Tiếng chị Cốc đầy tức giận:
- Mày nói gì?
Giọng Dế Choắt run rẩy:
- Lạy chị, em nói gì đâu?
Chị Cốc lại quát lên:
- Chối hả? Chối này! Chối này.
Chị Cốc vừa nói vừa mổ vào người Dế Choắt. Tôi nghe thấy tiếng rên rỉ của Choắt mà kinh hãi, không dám ra cứu. Đến khi nghe tiếng chị Cốc đã bay đi, tôi mới bò lên. Dế Choắt lúc này đang nằm thoi thóp. Tôi hốt hoảng chạy lại đỡ Dế Choắt dậy, khóc lóc:
- Tôi không ngờ mọi chuyện lại ra thế này. Tất cả là lỗi của tôi…
Tôi không ngờ Dế Choắt lại nói với tôi câu này:
- Thôi, tôi ốm yếu quá rồi, chết cũng đành. Nhưng tôi khuyên anh rằng ở đời mà có thói hung hăng, không biết suy nghĩ thì rồi cũng gây họa vào thân.
Nghe câu nói của Choắt, tôi hối hận vô cùng. Tôi đem Dế Choắt đi chôn, rồi đứng lặng yên hàng giờ trước mộ của Choắt để nghĩ về bài học đường đời đầu tiên.