Bài tham khảo số 5
Năm 1974 là thời kỳ lịch sử hào hùng mà cả dân tộc không bao giờ quên. Đó là giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc Mỹ, cả nước chuẩn bị giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Bài thơ Lá đỏ nằm trong mạch cảm hứng ca ngợi và tự hào về một ngày toàn thắng của dân tộc đang đến rất gần. Cho đến nay bài thơ đã được phổ nhạc, trở thành một bài hát kinh điển về đề tài cách mạng.
Dẫu với một dung lượng rất ngắn, bài thơ Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi đã tái hiện một cuộc hành quân vĩ đại của quân dân ta trên hành trình : “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhắc đến thời kỳ lịch sử ấy toàn dân tộc hẳn đều rất tự hào, kiêu hãnh. Dẫu đau thương, mất mát, dẫu máu có đổ, nước mắt có rơi thì vẫn kiên định về một ngày mai hoàn toàn đại thắng của dân tộc.
Để làm nên nội dung lớn bài thơ đã đi từ những hình ảnh rất nhỏ bé, khiêm nhường. Ba hình ảnh chủ đạo xuyên suốt bài thơ là hình ảnh lá đỏ, em gái tiền phương và đoàn quân. Ba hình ảnh được đặc tả, tuy nhỏ bé nhưng có sức khái quát cao độ. Đặc biệt là hình ảnh lá đỏ, hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cho những dự báo về thắng lợi tất yếu của dân tộc ta.
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Đoàn quân vẫn xẻ dọc Trường Sơn, những chiếc xe nối dài không quản ngày lẫn đêm. Tuyến đường Trường Sơn được cảm nhận từ trên cao, người lính gặp cô thanh niên xung phong trong một bối cảnh thật lãng mạn: “Rừng lạ ào ào lá đỏ”. Những chiếc lá màu đỏ rực cháy là màu của máu, của những chiến sĩ đã hy sinh, máu các anh đã hoà vào cây cối của quê hương, hoá thành sức mạnh của cả dân tộc. Màu lá đỏ cũng là màu của nhiệt huyết cách mạng, màu của ý chí sục sôi, nhiệt huyết cháy bỏng. Từ láy ào ào gợi cảm giác về sự chuyển dịch của thời gian, dường như cả thiên nhiên và đất trời cũng như đang hoà chung vào khí thế quyết chiến, quyết thắng của dân tộc.
Trong một không khí như vậy, giữa tuyến đường Trường Sơn ác liệt, hình ảnh những cô thanh niên xung phong giản dị, hiền hoà, là điểm tựa về tinh thần của những người lính : “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai ác bạc quàng súng trường”, hình ảnh giản dị nhưng có sức gợi thật lớn. Đó là vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong với chiếc áo bạc, đôi vai quàng súng trường, sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Nhìn đôi mắt và nụ cười trong veo của em người lính cảm thấy thật ấm lòng, lời hẹn cũng là lời hứa : “Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” chính là lời quyết tâm về một ngày mai toàn thắng.
Bài thơ là một khúc hát đầy tự hào về những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt của dân tộc, dự cảm về một ngày mai toàn thắng. Với thể thơ tự do, nhịp điệu thơ mang sự dồn dập, chắc khỏe, bài thơ đã làm sống lại một không khí, thời kỳ hào hùng không thể quên trong lịch sử của dân tộc. Yếu tố làm nên thành công của bài thơ chính là nhịp điệu và ngôn ngữ thơ. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ rất giàu tính tạo hình như “ào ào”, “vai áo bạc”, “vội vã”, “bụi Trường Sơn”, không khí của chiến trường sôi động, khắc nghiệt nhưng không kém phần trữ tình đã hiện lên chân thực, giản dị, tự nhiên.
(Robert Lowell) từng nói rằng : “Thơ ca không phải là ghi chép sự kiện: nó chính là sự kiện”. Bài thơ Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi chính là một thi phẩm như thế. Bài thơ đã tái hiện một không khí hào hùng, rực lửa trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt một cách tự nhiên, không khoa trương, bóng bẩy. Bài thơ cũng chính là một trong những nốt trầm lắng đọng, khẳng định tài năng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.