Bài tham khảo số 5
Trong kiệt tác văn học Trung Hoa, tiểu thuyết Thủy Hử có một nhân vật nổi tiếng là Võ Tòng, thực tế ông có thật trong lịch sử, là một trong số 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Võ Tòng trong văn học Trung Hoa nổi tiếng với điển tích giết hổ. Và trong văn học Việt Nam cũng có một nhân vật được gọi là Võ Tòng vì từng đánh bại một con hổ chúa hung dữ, đây chính là nhân vật chính trong đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng” trích truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, được phát hành năm 1957, truyện có bối cảnh ở miền Tây Nam Bộ nước ta vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Đoạn trích nằm ở chương 10 của truyện, kể về cuộc gặp gỡ Võ Tòng của An và tía nuôi, xoay quanh cuộc sống bất hạnh và phẩm chất cao đẹp của Võ Tòng.
Ngay từ nhan đề đoạn trich “Người đàn ông cô độc giữa rừng” đã mang tới cho chúng ta hình ảnh về một người đàn ông một mình sống giữa nơi rừng hoang vu, lạnh lẽo và cô độc, chính là nhân vật chính của đoạn trích, Võ Tòng. An và tía nuôi đến gặp Võ Tòng tại túp lều giữa rừng U Minh của ông. Đây là khu rừng nổi tiếng nước ta vì sự hùng vĩ và hoang sơ, hầu như không có người sinh sống. Túp lều của Võ Tòng rất đơn sơ, theo từng bước chân của An vào bên trong, đầu tiên, là “những khúc gỗ xếp thành bậc thang dài xuống bến” để lên lều. Bởi rừng U Minh là rừng ngập mặn có đặc điểm chính là được hình thành ở những cửa sông lớn ven biển, khi thủy triều lên, rừng cây sẽ bị ngập một phần hoặc hoàn toàn trong nước biển, khi thủy triều rút, rừng sẽ hiện ra trên đất. Vậy nên lều của chú Võ Tòng phải làm cao hơn so với đất để tránh thủy triều. Ở bên trong lều, hầu như không có đồ đạc gì, không có ghế để ngồi mà ngồi bằng “gộc cây”, có bếp lửa nhưng “cà ràng”, còn có “hai chiếc nỏ gác chéo lên nhau”. Không khí trong lều u ám với “mùi lông khét”, làn khói có “mùi hăng hắc” và “màu xanh xanh” bay ra từ nồi đất trên bếp, khiến không chỉ An mà chúng ta cũng không khỏi thấy “rợn rợn”. Chính vì gặp chú Võ Tòng trong hoàn cảnh như vậy mà An có cảm giác “đang sống lùi lại từ cái thời kì loài người mới tìm ra lửa vậy”. Hoàn cảnh sống của Võ Tòng thật thiếu thốn và nguy hiểm bởi rừng U Minh không những hoang sơ, rộng lớn mà còn có nhiều loại thú dữ. Vậy tại sao chú lại chọn sống ở đây? Tác giả Đoàn Giỏi đã gieo sự tò mò đến với người đọc về nhân vật Võ Tòng qua một bức tranh bao quát về hoàn cảnh sống của nhân vật như vậy.
Không ai rõ lai lịch của chú Võ Tòng đến từ đâu? Bao nhiêu tuổi? Tên thật là gì? Chú mang tên Võ Tòng giống nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết Thủy Hử bên Tàu vì như nhân vật đó, chú từng giết chết một con hổ chúa. Mười mấy năm trước, Võ Tòng đi xuồng một mình tới dựng lều trong khu rừng “đầy thú dữ” này. Ngoại hình chú Võ Tòng khi nhìn rất hung tợn và có phần kì dị với hai mắt “sâu hoắm và tròng mắt trắng dã long qua long lại, sắc lẹm như dao”, tóc chú thì như “bờm ngựa” tới gáy và đặc biệt trên mặt chú có một “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, đây là vết tích do bị con hổ chúa cào khi xưa. Võ Tòng thường cởi trần, mặc chiếc quần ka ki kiểu của lính Pháp có túi, đã lâu không giặt và đeo “một chiếc lưỡi lê đựng trong vỏ sắt”. Ngoại hình như vậy, khiến ai mới gặp chú Võ Tòng lần đầu chắc chắn cũng sẽ e dè và khiếp sợ.
Cuộc đời chú Võ Tòng đã phải trải qua rất nhiều bất hạnh. Chú đã từng phải đi tù bị vu oan, chém một lão địa chủ. Trước khi đi tù, Võ Tòng cũng có cuộc sống hạnh phúc và bình dị như bao người khác. Chú có một “gia đình đàng hoàng” và một người vợ xinh xắn, nhưng rủi thay đúng lúc đang hạnh phúc chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng của hai người thì vợ chú thèm ăn măng, là một người hiền lành, thương yêu vợ hết mực, chú đã “bèn liều xách dao đến bụi tre đình làng xắn một mụt măng”. Lúc đi ngang qua bụi tre nhà lão địa chủ trong làng, Võ Tòng bị vu oan ăn trộm măng nhà lão. Chú cãi lại thì bị tên địa chủ ra sức đánh nên đã chém trả hắn. Nhưng Võ Tòng không trốn chạy mà tự xách dao lên nhà việc nhận tội. Phẩm chất của chú Võ Tòng thật đáng quý, là một người đàn ông yêu thương vợ, kính trọng ông bà tổ tiên vì khi chém trả tên địa chủ sau khi bị đánh lên đầu, chú nói: “Đánh đâu thì còn nhịn được, chứ đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà… thì số mày tới rồi!”. Không chỉ vậy chú còn là một người dũng cảm, dám làm, dám chịu khi tự mình đi nhận tội tại nhà việc. Sau khi ra tù, vợ chú đã trở thành vợ lẽ của chính lão địa chủ đó, đứa con chú chưa từng được gặp mặt đã chết, chắc hẳn tới đây ai cũng sẽ nghĩ Võ Tòng sẽ đi trả thù lão địa chủ, nhưng không, chú không đến sống chết với tên địa chủ mà bỏ làng, đến khu rừng hoang vu, nguy hiểm này dựng lều, bắt thú. Việc này thể hiện chú đã cam chịu, chấp nhận số phận nghiệt ngã của mình. Dần dần ở trong rừng lâu, trải qua nhiều nguy hiểm, ngoại hình của Võ Tòng đã trở nên kì lạ như bây giờ. Nhưng người dân xung quanh đã quen biết, đều rất quý mến chú vì đức tính hiền lành, tốt bụng cũng như thương cảm cho sự bất hạnh của người đàn ông cô độc ấy.
Tuy cuộc đời Võ Tòng là một dãy những chuyện oái oăm, bất hạnh, nhưng không vì thế mà làm thay đổi những phẩm chất đáng quý của chú, đúng như câu nói “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chú có tính cách vui vẻ, phóng khoáng và hài hước thể hiện qua từng câu nói của chú như “Ngồi xuống đây, chú em”; “Nhai bậy, một miếng khô nai đi chú em”. Võ Tòng là một người gan dạ, có thể khẳng định chắc chắn như vậy vì nếu không gan dạ, sao chú giết được con hổ chúa, lại sống cô độc mười mấy năm trong rừng U Minh hoang vu, nguy hiểm trùng trùng, nơi nước độc và thú dữ xung quanh và chú còn không thèm dùng đến súng để săn bắn hay phòng thân, chú nói: “Mấy thằng nhát gan mới cần súng, vì súng ở xa cũng bắn được mà”. Đặc biệt, chú Võ Tòng là một người có tinh thần yêu nước mãnh liệt, khi chú làm nỏ tẩm thuốc cho tía nuôi An để giết giặc Pháp. Trong hoàn cảnh bất hạnh như vậy, chú Võ Tòng vẫn một lòng nghĩ tới “nghĩa chung” vì đất nước quyết không màng hiểm nguy.
Trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng, tác giả Đoàn Giỏi đã thể hiện được màu sắc Nam Bộ đặc trưng. Trước tiên là khung cảnh rừng sâu nơi Võ Tòng dựng lều, đây là rừng U Minh, rừng ngập mặn tại Nam Bộ, phải chèo xuồng, dựng lều cao, có các bậc thang leo lên để tránh thủy triều. Hay tác giả đã sử dụng những từ ngữ Nam Bộ như “nhai bậy đi chú em”, “anh hai”, “bả”, “nong”,...Và hơn cả đó chính là nghệ thuật khắc họa nhân vật Võ Tòng, tía nuôi và An thành công, đại diện cho người dân vùng Nam Bộ với những phẩm chất cao đẹp là phóng khoáng, gan dạ, giản dị, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng cháy.
Qua đoạn trích “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, nhà văn Đoàn Giỏi đã mang tới cho người đọc hình ảnh Võ Tòng, một con người bình thường với sự bất hạnh không ngờ trong cuộc sống, nhưng lại rất phi thường vì dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn không đánh mất đi những phẩm chất đáng quý. Võ Tòng còn là đại diện cho những người Nam Bộ phóng khoáng, giản dị và bất khuất anh dũng, vì nước có thể sẵn sàng làm những việc nguy hiểm, quên thân mình. Những phẩm chất của chú Võ Tòng thật đáng quý, là tấm gương sáng cho những người đọc, đặc biệt là chúng ta, những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường phải học tập và noi theo để trở thành những người con tốt của gia đình và đất nước.