Bài tham khảo số 5
Những câu ca dao là khúc hát ân tình, du dương, trầm bổng của nhân dân ta từ ngàn đời nay. Trong những câu ca nhẹ nhàng, bình dị ấy chất chứa biết bao tình cảm, bao nỗi niềm của nhân dân. Và trong những câu ca ấy, đặc biệt là qua những bài ca dao than thân chúng ta dễ dàng nhận thấy và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa.
Trước hết, qua những bài ca dao than thân, người phụ nữ trong xã hội xưa hiện lên với thân phận bé nhỏ, hẩm hiu, nổi trôi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Chắc hẳn, khi nhắc đến đây, chúng ta sẽ không thể nào quên hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua những câu ca, bài ca bắt đầu từ cụm từ “thân em”.
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Hay:
“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”
Bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “thân em” gợi lên biết bao nỗi niềm của người phụ nữ. Cụm từ ấy vừa thể hiện sự khiêm nhường của người phụ nữ nhưng có lẽ hơn hết đó chính là sự tự ý thức, sự nhận thức rõ ràng của họ về sự nhỏ nhoi, thấp kém của mình trong xã hội lúc bấy giờ. Thêm vào đó, “thân em” lại được so sánh với những vật nhỏ bé, mỏng manh, là “tấm lụa đào”, “hạt mưa sa”. Đồng thời, hình ảnh của tấm lụa đào và giọt mưa sa lại đi liền cùng các động từ “phất phơ”, “vào” - “ra” càng nhấn mạnh sự lệ thuộc, long đong, lận đận, trôi nổi, vô định, những người phụ nữ ấy rồi không biết sẽ đi về đâu của người phụ nữ. Cùng với đó, sự lệ thuộc, số phận nổi trôi của người phụ nữ còn được thể hiện rõ nét qua bài ca dao:
“Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”
Ở bài ca dao này, hình ảnh người phụ nữ được so sánh với “chổi đầu hè” - một loại chổi không chỉ xấu về hình thức mà nó còn được dùng để quét dọn ngoài đường. So sánh người phụ nữ với “chổi đầu hè” đã gợi lên sự rẻ rúng của họ nhưng tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở đó, nhân dân ta đã cho thấy người phụ nữ bị những người đàn ông chà đạp, khinh thường và rồi số phận họ lại không biết trôi dạt về nơi đâu. Điều đó đã được thể hiện chân thực và rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh “chùi chân”, “vứt ra sân”,...
Không chỉ có số phận lênh đênh, rẻ rúng, sống phụ thuộc vào người khác mà người phụ nữ xưa còn phải gánh chịu bi kịch của tình yêu khi họ không được làm chủ, không được quyền quyết định tình yêu, hạnh phúc của chính mình.
“Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.”
Có thể dễ dàng nhận thấy, người phụ nữ trong bài ca dao trên cũng như số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa đó chính là họ bị ép cưới theo quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Những người phụ nữ ấy không có quyền lên tiếng, không có quyền quyết định cho tình yêu của bạn thân mình, họ buộc phải nghe theo sự sắp xếp của gia đình và để rồi đến cuối cùng chịu biết bao đau đớn, tủi nhục, bao nỗi cô đơn.
Đồng thời, bi kịch tình yêu, hôn nhân của những người phụ nữ còn thể hiện ở nỗi cô đơn, niềm nhớ nhà và nhiều khi đó còn là sự căm phẫn, đau đớn vì bị phản bội, vì cảnh lấy chồng chung.
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
“Thân em đi lấy chồng chung
Khác nào như cái bung xung chui đầu”
Tóm lại, qua những bài ca dao nói chung, ca dao than thân nói riêng đã thêm một lần nữa giúp chúng ta nhận thấy và cảm nhận sâu sắc hơn về thân phận, tình cảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa.