Bài tham khảo số 5
Nhắc đến “thần đồng thơ ca” Trần Đăng Khoa, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới các sáng tác quen thuộc như “Mưa”, “Cây dừa”, “Trăng ơi… Từ đâu đến”. Có thể thấy, những trang thơ của Trần Đăng Khoa thường có hình ảnh trong sáng, gần gũi, ngôn ngữ giản dị. Ông tái hiện cuộc sống quanh mình một cách chân thực và sinh động. Điều này được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Lính đảo hát tình ca trên đảo”.
Như tên nhan đề, hình tượng trung tâm của bài thơ là người lính đảo. Họ đã và đang ngày đêm vững vàng tay súng, bảo vệ vùng biển đất nước. Viết về chủ đề người lính – anh bộ đội cụ Hồ, nhà thơ Trần Đăng Khoa thật khéo léo khi dựng lên những con người có tâm hồn tươi đẹp, yêu đời và luôn lạc quan.
Sống giữa sóng nước đại dương mênh mông, người lính phải sinh hoạt trong hoàn cảnh tạm bợ, thiếu thốn vô cùng:
“Đá san hô kê lên thành sân khấu
Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà
Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ
Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”
Để có sân khấu biểu diễn, lính đảo đã tận dụng thứ có sẵn trong tự nhiên như đá san hô. Đây là loại đá tự nhiên, phân bố khắp các vùng biển của nước ta. Phần cánh gà – nơi chờ biểu diễn cũng được tạo dựng một cách đơn sơ bằng vài tấm tôn. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã giúp chúng ta hiểu hơn về đời sống khó khăn nơi biển đảo. Đồng thời, thấy được sự khắc nghiệt của thiên nhiên rộng lớn “chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”.
Khi nói tới hoàn cảnh sống tạm bợ, sơ sài, người lính không hề buồn bã, chán nản mà luôn nở nụ cười lạc quan:
“Gió rát mặt, Đảo luôn thay hình dáng
Sỏi cát bay như lũ chim hoang
Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu
Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn”
Cứ sau vài giờ, đảo Trường Sa lại thay hình đổi dáng. Dường như, sống lâu trên vùng đất này, người lính cảm thấy hết sức quen thuộc. Những cơn gió to, sóng giữ hay trận sỏi cát bay cũng không còn là trở ngại với họ nữa. Giờ đây, nhắc đến khó khăn, họ nói bằng giọng điệu bình thản, nhẹ tênh “Cứ mặc nó”.
Đến với khổ thơ thứ ba, nhà thơ hướng ngòi bút của mình vào việc miêu tả bức chân dung người lính đảo:
“Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
Lính già lính trẻ đều trọc tếu”
Buổi biểu diễn văn nghệ thật đặc biệt khi có đội ngũ diễn viên, khán giả tham dự là “mấy chàng đầu trọc”. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, đi lại khó khăn, tách biệt với đất liền, những người lính đã tự tìm ra thú vui cho mình. Bên cạnh việc học tập, chiến đấu, họ luôn cố gắng làm cho cuộc sống phong phú, đẹp đẽ hơn. Bằng sự sáng tạo, tài năng, lòng nhiệt huyết, lính đảo đã tự tay dựng nên các tiết mục, sản phẩm văn nghệ theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Vì thế, trên khán đài hay dưới sân khấu chỉ toàn thấy mái đầu trọc lốc, không tóc. Câu thơ “Nước ngọt khan hiếm không lẽ dành gội tóc” không chỉ là lời giải thích về việc “lính già lính trẻ đều trọc tếu” mà còn khéo léo nhấn mạnh vào điều kiện sinh hoạt thiếu thốn.
Những người lính đảo còn hiện lên với tinh thần lạc quan, yêu đời cùng tâm hồn trong sáng, cao đẹp, giàu tình cảm. Từ cái gian khổ, họ biến mọi thứ trở nên vui tươi hơn. Họ gạt bỏ khó khăn, nguy hiểm qua một bên rồi cùng nhau tận hưởng những phút giây hạnh phúc. Họ vui đùa, tếu táo gọi đồng đội là “sư cụ”, là “bà con xa với ốc bụt”. Khi giai điệu ngang tàn vang lên, người lính lại hát lên lời ca nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm nỗi nhớ thương. Đây là bản tình ca đặc biệt, chỉ có riêng ở những người lính sống trên đảo xa. Như biết bao con người bình thường khác, lính đảo cũng khao khát tình yêu đôi lứa “Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào?/ Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được/ Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh”. Từng câu hát chân thành cứ vậy được cất lên từ những tâm hồn thi vị và lãng mạn.
Từ tình cảm cá nhân, riêng tư, người lính đảo phát triển thành tình cảm chung:
“Nào hát lên cho đêm tối biết
Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây
Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió
Tổ quốc Việt Nam bắt đầu từ nơi này…”
Điệp ngữ “nào hát lên” giống như lời kêu gọi tất cả hãy đồng thanh hát vang khúc ca. Đó là bản tình ca về tình yêu lứa đôi. Hay còn là bản tình ca về tình yêu quê hương, đất nước. Trên tất cả, người lính đảo vẫn luôn đặt hình bóng Tổ quốc thân thương vào trái tim nhỏ bé. Từ ấy, coi non sông Việt Nam chính là điểm tựa, động lực để cố gắng từng ngày.
Với thể thơ tự do, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu cùng các biện pháp so sánh “Sỏi cát bay như lũ chim hoang”, điệp ngữ “Nào hát lên cho”, Trần Đăng Khoa đã thành công trong việc làm nổi bật hình ảnh người lính đảo kiên cường nhưng rất đỗi hồn nhiên, vô tư.
Đọc bài thơ “Lính đảo hát tình ca trên đảo”, ta càng thêm yêu mến, ngưỡng mộ những con người đã và đang cống hiến tuổi xuân, sức trẻ cho quê hương, đất nước. Họ chính là đại diện cho thế hệ Việt Nam anh hùng, dũng cảm. Mong rằng, những giá trị, ý nghĩa của tác phẩm sẽ luôn sống mãi trong lòng độc giả.