Bài tham khảo số 5
Chính Hữu là một nhà thơ quân đội trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Thơ của ông có bề dày về thời gian, tầng cao về cảm xúc, giàu chất hiện thực và vẻ đẹp của người lính Cách Mạng trong kháng chiến. Chính Hữu viết không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều mang hơi thở của thời đại, trong đó có bài thơ “Đồng chí” sáng tác năm 1948. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ với những vẻ đẹp giản dị, sơ khai nhưng có một đời sống tâm hồn, mục đích, lý tưởng cao đẹp, đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, thắm thiết.
Bài thơ được làm theo thể thơ tự do, 20 dòng thơ với ngôn ngữ bình dị, giọng điệu thơ thủ thỉ, tâm tình, cảm xúc dồn nén, hình tượng thơ phát sáng, có nhiều câu thơ để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Mở đầu bài thơ là hình ảnh hai người lính trẻ chụm đầu vào nhau kể chuyện tâm tình:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Hai câu thơ đầy ấn tượng về những vùng đất cảnh đời đầy nhọc nhằn, vất vả. Cách nói cô đúc, khắc họa rõ nét những vùng quê nghèo của những người lính. Các anh đến từ những miền quê khác nhau nhưng lại chung cái đói, cái nghèo lam lũ. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy như cuộc sống thực đã ùa vào trong câu chữ đem đến những cảm nhận sâu sắc về hoàn cảnh xuất thân và quê hương của những người lính. Tổ Quốc gọi các anh lên đường, họ không hẹn mà gặp gỡ ở chiến trường. Nơi đây các anh cùng chung lý tưởng, nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ Tổ Quốc:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Tình đầu chí nảy nở bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỷ của những người bạn chí cốt mà tác giả biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm:
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”
Đêm Việt Bắc thì quá rét, chăn lại quá nhỏ, loay hoay mãi không đủ ấm. Đắp được chăn thì hở đầu, đắp được bên nọ lại hở bên kia. Trong những ngày tháng thiếu thốn ấy, từ “xa lạ” họ trở thành “tri kỷ”.
“Tri kỷ” là những người bạn thân thiết, hiểu rõ về nhau. Vất vả, nguy nan đã gắn kết những người lính trở thành bạn tâm giao gắn bó. Chính Hữu đã từng là một người lính, đã trải qua cuộc đời người lính nên câu thơ bình dị mà có sức nặng tình cảm trìu mến yêu thương đồng đội. Hình ảnh giản dị nhưng cảm động biết bao.
Từ trong tâm khản, họ bỗng bật thốt lên hai từ “Đồng chí!”, đặt cả trong một dòng thơ ngắn gọn mà ngân vang, giản dị mà thiêng liêng. “Đồng chí” với dấu chấm cảm như một nốt nhấn đặc biệt mang những sắc thái biểu cảm khác nhau vừa mới mẻ lại vừa thiêng liêng. Đồng chí là cùng chí hướng, cùng mục đích, là mối tình tri kỷ nhưng được thử thách, tôi rèn trong gian khổ. Như vậy trong tình đồng chí còn có tình giai cấp, tình bè bạn, tình tri kỷ, mối tình dân tộc của những người vì nước, quên thân để tạo nên sự hồi sinh cho quê hương, dân tộc. Câu thơ vẻn vẹn có hai chữ nhưng chất chứa dồn nén bao cảm xúc sâu xa từ 6 câu thơ trước và khởi đầu cho những suy nghĩ tiếp theo.
Từ những cơ sở hình thành tình đồng chí, những biểu hiện cao đẹp đầy xúc cảm ở những câu tiếp theo, Chính Hữu cụ thể hơn vẻ đẹp tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng thắm thiết. Đồng chí trước hết là sự thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư, nỗi lòng của nhau:
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính”
Hai chữ “mặc kệ” đã lột tả được tinh thần mến nghĩa của những người nghĩa binh nông dân trong thơ Nguyễn Đình Chiểu, tinh thần “Ra đi không vương thê nhi” của các đấng trượng phu xưa, và tinh thần “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh” của những người tự vệ thủ đô trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nhưng khi đặt cạnh “Gian nhà không” và “Gió lung lay” thì có gì đó cảm động quá. Người lính không hoàn toàn “mặc kệ” như khẩu khí đâu. Đó là đức hy sinh. Hy sinh những thứ gắn bó để bảo vệ quê hương đất nước. Một đức hy sinh giản dị cảm động lòng người.
Trải qua những ngày gian lao kháng chiến đã ngời lên phẩm chất anh hùng ở những người nông dân mặc áo lính. Cái nhìn hiện thực đã giúp nhà thơ ghi lại được những nét chân thực về cuộc đời đi chiến đấu của người lính:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Chính Hữu còn ghi lại được những hình ảnh người lính can trường vượt lên vững vàng trên vị trí của mình. Bức tượng đài cuối bài thơ:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Ba câu thơ là bức tranh tuyệt đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Sức mạnh của tình đồng đội đã giúp họ vượt qua tất cả khắc nghiệt của thời tiết. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là hình ảnh đẹp nhất vì nó vừa là hình ảnh tả thực, vừa là hình ảnh biểu tượng. Bốn chữ có nhịp lắc của cái gì lơ lửng chông chênh trong sự bát ngát. Suốt đêm vầng trăng ở trên cao thấp dần và có lúc treo lơ lửng trên nền mũi súng. Những đêm phục kích chờ giặc, vầng trăng như một người bạn thân thiết, gắn bó. “Súng” và “trăng” gợi ra nhiều liên tưởng thú vị. “Súng” biểu tượng cho chiến đấu, “trăng” biểu tượng cho vẻ đẹp thơ mộng, trong sáng, thanh cao, vĩnh hằng. “Súng” và “trăng”, gần và xa, thực tại và mơ mộng, chiến sĩ và thi sĩ, chất chiến đấu và chất trữ tình. Đây là hình ảnh tượng trưng cho tình cảm trong sáng của người chiến sĩ. Mối tình đồng chí đang nảy nở, vươn cao từ cuộc đời chiến đấu.
Tình đồng chí đồng đội như là sự hội tụ, tập trung tất cả những tình cảm, những phẩm chất của nhũng người lính giản dị, cao quý. Gian lao thử thách khiến tình đồng chí đồng đội thêm keo sơn sâu sắc. Ngược lại, tình đồng chí đồng đội giúp người lính có sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn