Bài tham khảo số 4
“Huyện Trìa xử án” thuộc lớp XIII trong vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” là một đoạn trích đặc sắc cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Thông qua văn bản, tác giả dân gian muốn tố cáo, phê phán bọn tham quan, ô lại trong xã hội phong kiến. Đoạn trích đã kể lại cảnh xử án của tên Huyện Trìa nơi công đường.
Trước hết, phải xét đến những nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhân vật. Nếu nói về lí do trực tiếp của vụ kiện cáo thì đó là do Thị Hến mua tài sản mà Ốc và Ngao trộm cắp được từ nhà phú hộ Trùm Sò. Vợ chồng Trùm Sò biết được, có cả tang chứng vật chứng nên đã kiện cáo lên quan trên, mong đòi lại được công bằng. Tuy vậy, ẩn đằng sau vụ xét xử xằng bậy kia là sự mâu thuẫn trong chính những người thực thi công lí. Huyện Trìa là quan tri huyện - một người quyền cao chức trọng với sự đầy đủ, dư dả về tiền tài, của cải. Thế nhưng lão lại có đời sống gia đình không hạnh phúc với mụ vợ nóng nảy, hay ghen tuông. Hay cả ngay trong chính mối quan hệ của lão với thân tín Đề Hầu cũng là sự "bằng mặt không bằng lòng".
Đến với diễn biến của cuộc xét xử, khi Đề Hầu bẩm báo về vụ việc, Huyện Trìa đã nhận xét Đề Hầu là tên hay nói xằng nói bậy: "Đã biết mặt lão Đề hay nói bậy". Hắn miêu tả Đề Hầu với ý châm biếm, chê bai: "Lưng cù chầy hình khéo bơ sờ/Mồm xà cáng vinh râu ngoe ngoét". Chi tiết này khiến cho mối quan hệ tôi - tớ bất ổn được bộc lộ ra một cách vô cùng rõ ràng.
Đến khi nghe lời Thị Hến kêu oan và thấy cách xử án của Huyện Trìa, độc giả lại càng thấy rõ hơn sự thối nát của bộ máy quan lại cũng như những bất công mà nhân dân phải chịu đựng. Thị Hến vốn là kẻ có tội nhưng trước mặt quan thì lại đi kêu oan. Dù tang chứng vật chứng rành rành nhưng mụ vẫn ăn không nói có, thậm chí còn lấy hoàn cảnh của bản thân ra để lấy sự thương hại. Khi biết quan có ý với mình, mụ ta lợi dụng luôn điều đó, hùa theo thói đê tiện của Huyện Trìa để trục lợi cho bản thân. Nhưng một người thực thi công lí như quan tri huyện mới là kẻ thực sự vô lại. Thấy Thị Hến góa chồng, hắn lập tức nổi thói trăng hoa. Miệng hắn thì bảo sẽ "xử phân thuận lí" nhưng thực chất lại đưa ra phán quyết xằng bậy. Thấy Thị Hến đồng thuận với mình, Huyện Trìa lập tức đổi trắng thay đen, buộc tội vợ chồng Trùm Sò "Ỷ phú gia hống hách/Hiếp quả phụ thân cô". Từ đó, kẻ có tội thì thoát, người kêu oan đành chịu. Đến thân tín của hắn là Đề Hầu cũng nhận thấy cách xử án này là vô lí: "Mụ đà nên tệ/Ông Huyện cũng xằng" nhưng ngoài mặt thì vẫn xu nịnh, đồng tình, định bụng về mách với mụ huyện. Tất cả đã vẽ ra bức tranh chân thực và trần trụi nhất về một xã hội phong kiến ngập tràn bất công với những tên tham quan ô lại.
Tác phẩm cũng thể hiện sự xót thương, đồng cảm với vô số con người thấp cổ bé họng khi xưa, được đại diện bởi vợ chồng Trùm Sò. Kết thúc phiên xét xử, Thị Hến thắng kiện. Vợ chồng Trùm Sò không chỉ không lấy lại được của mà còn bị vu oan, giáng tội, phải ngậm ngùi chấp nhận phán quyết bất công: "Trời cao kêu chẳng thấu/Quan lớn dạy phải vâng/Cúi đầu tạ dưới sân/Xin lui về bổn quán". Sự bất lực, nhịn nhục của họ được thể hiện vô cùng rõ ràng, khiến người đọc càng xót xa hơn cho những con người nhỏ bé, "thân cô thế cô" trong một xã hội đầy rẫy bất công.
Thành công về nội dung của tác phẩm còn đến từ nghệ thuật xây dựng cốt truyện chặt chẽ và đầy ý nghĩa. Các nhân vật được khắc họa chủ yếu qua lời nói và hành động, giúp người đọc tự cảm nhận và đánh giá được về tính cách, con người của họ. Bức chân dung những tên tham quan ô lại hiện lên càng chi tiết, rõ ràng, mang đến cái nhìn rõ nét hơn cho người đọc. Ở đây, ta dễ dàng thấy được nghệ thuật châm biếm sâu cay: một ông tri huyện quyền cao chức trọng nhưng lại hèn nhát, sợ vợ; người thực thi công lí nhưng không làm theo luật, chỉ luận tội bằng cảm tính; tình huống xử án tréo ngoe; kết quả xét xử bất công;... Vị thế đối lập của những tên quan lại, người đàn bà góa bụa tâm cơ gian xảo với hai vợ chồng Trùm Sò không quyền không thế cũng được khắc họa rõ nét qua những lời thưa gửi, phán xử. Nhờ đó, sự mục rỗng của xã hội phong kiến hiện lên hết sức chân thực. Không chỉ có vậy, ngôn ngữ giản dị, gần gũi cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm. Một câu chuyện hay với cách truyền đạt uyển chuyển, dân dã rất dễ dàng đi sâu vào lòng độc giả. Nó khơi gợi sự đồng cảm mạnh mẽ, đồng thời khiến cho trải nghiệm đọc của ta thêm mới mẻ, ý nghĩa hơn.
Qua lớp tuồng này, ta càng thêm đồng cảm với nhân dân trong xã hội phong kiến. Vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” sẽ mãi là tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam.