Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

Bài tham khảo số 4

Người đi tìm hình của nước là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Chế Lan Viên. Bài thơ viết về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của vị lãnh tụ tài hoa Hồ Chí Minh. Hành trình tìm đường cứu nước với biết bao gian khổ, thử thách. Chế Lan Viên với tài năng của mình đã tạc nên một bài thơ khiến cho ai cũng xúc động với những cảm xúc trong thơ.


Ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, với nhiều nghề khác nhau, nhiều tên khác nhau, Bác đã phải chịu rất nhiều cực khổ và gian lao. Vậy mà, chỉ với một đoạn thơ, Chế Lan Viên đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ, kéo dài khắp thế giới.


“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi”


Mở đầu bài thơ với câu thơ như khép mở hai chặng đường. Hai vế câu tưởng như trái ngược nhau nhưng lại có mối quan hệ nhân quả, rất lô-gíc : vì yêu nước, không cam tâm nhìn nhân dân nô lệ nên phải ra đi tìm lại dáng hình đất nước – một đất nước độc lập-tự do. Khởi đầu của cuộc hành trình, người thanh niên ấy canh cánh bao nỗi niềm. Con tàu như mang chở cả tình yêu Tổ quốc:


Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre.


Những bãi bờ, làng xóm, những hàng tre quen thuộc của đất nước càng lúc càng mờ khuất dần, lẫn vào chân trời, thì cũng chính là lúc Bác phải ra đi, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước mang đến độc lập tự do cho dân tộc. Trong cái đêm đầu tiên xa nước ấy là sự cồn cào về tình yêu nước và nỗi nhớ nước sâu sắc:


“Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ?”


Cụm từ “ai nỡ ngủ” thể hiện sự can thiệp của ý thức đối với tiềm thức. Người không đành lòng nhắm mắt ngủ, nhưng thực ra đây là nỗi thao thức của một người cách mạng cộng sản luôn lo cho dân, lo cho nước. Nhà thơ Chế Lan Viên như hóa thân mình vào tâm hồn, cốt cách của nhân vật trữ tình để thể hiện rõ diễn biến tâm lý của người ra đi:


Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương


Trên hành trình ấy, Người càng hiểu nhiều hơn về nỗi đau của nhân dân, nôi đau của đất nước. Đây chính là động lực thúc giục Người ra đi tìm đường cứu nước, và là động lực để giúp Người vượt qua những gian khổ, khó khăn trong cuộc hành trình, đầy bôn ba này.


Hình ảnh người thanh niên, chiến sĩ cách mạng yêu nước được nhà thơ Chế Lan Viên miêu tả ở hai khổ thơ đầu bài thơ không hề nổi bật, không hề hoành tráng nhưng vẫn làm cho người đọc hiểu rõ về lý tưởng cách mạng, niềm yêu nước của người chiến sĩ ấy.


Trong hai khổ thơ này, hình ảnh người thanh niên hai mươi tuổi, vượt trùng dương mênh mông đi tìm đường cứu nước hiện ra thật khiêm nhường và giản dị nhưng lại trở thành hình mẫu cao cả, đối lập với những cuộc đời quẩn quanh, nhỏ bé trong ao tù nô lệ:


Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn


Hành trình của người thanh niên yêu nước mở ra với mục tiêu và lý tưởng vô cùng rõ ràng, không mơ hồ.


Thế đi đứng của toàn dân tộc

Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người.


Hai câu thơ giàu chất suy tưởng gợi lên một nhân cách với tầm tư tưởng lớn của thời đại. Nhà thơ như dẫn dắt chúng ta đi theo hành trình cứu nước gian khổ của người thanh niên yêu nước. Trong những câu chuyện kể về cuộc đời hoạt động của Bác trong những năm tháng bôn ba ở xứ người, Chế Lan Viên chọn lựa các chi tiết tiêu biểu, cô đúc lại bằng lối so sánh giàu giá trị biểu cảm và đầy sức gợi :


Có nhớ chăng hỡi giá rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá

Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ

Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya.


Đọc đi, đọc lại những câu thơ này, chúng ta vô cùng xúc động và càng thấy kính yêu Bác biết bao ! Hành trình cứu nước của Bác với vô vàn vất vả, khó khăn, nhưng trong tâm hồn người thanh niêm đó luôn hừng hực ý chí đấu tranh, muốn tìm một con đường để giải phóng đất nước.


Theo dòng sự kiện, Chế Lan Viên khái quát cuộc đời hoạt động của Người bằng ngôn ngữ thơ vừa mượt mà, trữ tình vừa sắc sảo, trí tuệ với một phong cách tài hoa.


Lịch sử thế giới đã trải qua những giờ phút rung chuyển của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, năm 1917. Hành trình cứu nước của Bác được soi rọi bởi “Mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Và, cũng chính ánh sáng mặt trời ấy đã dẫn đường cho Người đến với Chủ nghĩa Lê-nin. Dường như dáng hình đất nước đã dần dần xuất hiện khi Người đọc được Luận cương của Lê-nin:


Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc

Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin

Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp

Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin


Cái độc đáo trong những câu thơ trên là ở chỗ từ những sự kiện chính trị trọng đại, Chế Lan Viên đã thổi vào đó cảm xúc, suy nghĩ, làm sống dậy cái phút giây lịch sử trong hành trình cứu nước một cách thật xúc động.


Giọt lệ của lòng yêu nước sao quá đỗi thiêng liêng! Dẫu ai đã đọc qua áng văn nghị luận ở dạng hồi ký của tác giả Hồ Chí Minh – Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin – cũng không thể hình dung về sự vận dụng tài hoa, sáng tạo mà có sức lay động lòng người đến thế của Chế Lan Viên! Suốt hành trình cứu nước, đây là giọt nước mắt hạnh phúc vô biên đầu tiên, xua tan bao nỗi lo dân nước, kể từ khi Người xa rời Tổ quốc yêu thương:


Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc

“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”

Hình của Đảng lồng trong hình của Nước

Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười


Có người cho rằng, phát hiện của Bác giống như phát hiện của nhà khoa học khi tìm ra chân lý. Cũng cần nói thêm rằng, Bác Hồ của chúng ta đã tìm thấy một chân lý lịch sử: Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin và Người tin rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác – Lê-nin mới có thể giúp các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.


Người thanh niên yêu nước đã vượt qua bao chông gai hiểm trở để đi tìm và đã tìm thấy con đường đúng đắn, đem lại tự do độc lập cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Bằng những khổ thơ đầy cảm hứng lãng mạn cách mạng, nhà thơ Chế Lan Viên đã vẽ ra viễn cảnh tương lai tươi đẹp của đất nước. Sự gắn kết điểm nhìn của tác giả với điểm nhìn của nhân vật trữ tình yêu nước là ở niềm tin yêu, lạc quan về những thay đổi tốt đẹp của ngày mai:


Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng


Hình ảnh con người Việt Nam, đất nước Việt Nam bước lên đài vinh quang với vẻ đẹp rực rỡ lạ kỳ:


Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che


Bài thơ là lòng biết ơn sâu sắc về công lao vĩ đại của Người khai sáng ra nước Việt Nam mới. Từ những sự kiện lịch sử, từ cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ Chế Lan Viên đã sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật vô cùng độc đáo: Người đi tìm hình của nước. Bài thơ, mang cốt cách và lý tưởng lớn, thơ Chế Lan Viên mang tầm cao mới, thể hiện tiếng nói của dân tộc và thời đại.

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

Top 7 Bài văn phân tích bài thơ Người đi tìm hình của nước (Ngữ văn 11) hay nhất

  1. top 1 Bài tham khảo số 1
  2. top 2 Bài tham khảo số 2
  3. top 3 Bài tham khảo số 3
  4. top 4 Bài tham khảo số 4
  5. top 5 Bài tham khảo số 5
  6. top 6 Bài tham khảo số 6
  7. top 7 Bài tham khảo số 7

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |