Bài tham khảo số 4
Đến nay, ‘Tôi có một ước mơ’ của Martin Luther King Jr. vẫn được đánh giá là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất, mở ra một trang mới trong lịch sử nước Mỹ. Ngày 28/8/1963, mục sư Martin Luther King Jr. đọc bài diễn văn trên bậc thềm Đài Tưởng niệm Lincoln ở thủ đô Washington D.C.
Phát biểu của ông diễn ra trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân, thu hút sự tham gia của hơn 250.000 người. Martin Luther King Jr. đã nói lên ước mơ cháy bỏng của mình cho một tương lai của nước Mỹ mà ở đó, người da màu và người da trắng được đối xử bình đẳng, chung sống hoà thuận.
Và cao trào của bài diễn văn là khi Martin Luther King Jr. bày tỏ ước mơ về tự do và nhân quyền trước công chúng qua câu mở đầu: “Tôi có một ước mơ…”. Những lời nói này đã đưa ông trở thành một trong những người có sức ảnh hưởng vĩ đại nhất đến nước Mỹ hiện đại, cùng với các Tổng thống Thomas Jefferson và Abraham Lincoln.
Được ca tụng như là một kiệt tác của thuật hùng biện, bài diễn văn của King được định hình theo phong cách thuyết giáo của các mục sư da đen thuộc hệ phái Baptist, thường viện dẫn từ những nguồn có giá trị thiêng liêng và được mọi người tôn trọng như Kinh Thánh, Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ và Hiến pháp Hoa Kỳ.
Thông qua thủ thuật hùng biện để kiến tạo những liên tưởng (định nghĩa bởi Campell và Huxman (2003) như là “những trích dẫn gián tiếp từ kiến thức văn hoá chung của người Mỹ như Kinh Thánh, thần thoại Hi Lạp và La Mã, hoặc lịch sử nước Mỹ”), King sử dụng ngôn từ và các trích đoạn từ những áng văn thâm thuý và được yêu thích của văn hóa Hoa Kỳ để biến chúng thành sức mạnh thuyết phục cho bài diễn văn của ông.
Ngay từ phần đầu của bài diễn văn, King đã mượn lời từ Diễn văn Gettysburg của Abraham Lincoln khi ông nói “Five score years ago…” (Một trăm năm trước…). Những gợi ý đến từ Kinh Thánh chiếm vị trí vượt trội.
King trích dẫn từ Thi thiên (Thánh vịnh) 30:5 trong đoạn thứ nhì của bài diễn văn, khi nhắc đến điều khoản bãi bỏ nô lệ được ghi trong bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ, ông nói “Nó đã đến như bình minh rộn rã để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ“.
Một gợi ý khác đến từ Kinh Thánh được tìm thấy trong đoạn thứ mười của bài diễn văn: “Không, không, chúng ta không hài lòng, và chúng ta sẽ không hài lòng cho đến khi sự công chính đổ xuống như nước chảy và sự chính trực như một dòng sông“, đến từ Amos 5:24.
King cũng trích dẫn từ Isaiah 40:4 khi ông nói “Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày mọi thung lũng sẽ được nâng cao, mọi đồi núi sẽ bị hạ thấp, chỗ lồi lõm sẽ được san bằng, chỗ quanh co sẽ thành ngay thẳng, và sự vinh hiển của Thiên Chúa sẽ hiển lộ để mọi loài xác thịt cùng nhau chiêm ngưỡng…”
Sử dụng những chữ đầu một câu hoặc một phân đoạn để nhấn mạnh, sắp xếp và đẩy một ý tưởng lên đỉnh điểm (Campbell & Huxman, 2002, p. 177) là phép hùng biện được King sử dụng suốt bài diễn văn.
Một ví dụ được tìm thấy ngay từ đầu khi King dẫn đưa đám đông đến cao trào: “Nay là lúc…” được lặp lại bốn lần trong đoạn thứ sáu của bài diễn văn. Nổi tiếng nhất là câu nói “Tôi có một giấc mơ…” được lặp lại tám lần khi King phác họa bức tranh hòa hợp chủng tộc của một nước Mỹ hiệp nhất.
Theo sắp đặt của chương trình, King là người thứ mười sáu trong số mười tám diễn giả phát biểu trong ngày tổ chức cuộc tuần hành.
Dân biểu Hoa Kỳ John Lewis, ông cũng là một diễn giả tại sự kiện này với tư cách chủ tịch Ủy ban Phối hợp Sinh viên Bất bạo động, nhận xét, “Tiến sĩ King có sức mạnh, năng lực, và khả năng chuyển hóa những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln thành một địa điểm được tưởng nhớ lâu dài.
Bằng cung cách diễn thuyết của ông, King đã giáo dục, soi dẫn, và loan báo không chỉ cho những người có mặt ở đó, nhưng cho mọi người trên khắp nước Mỹ, và cho những thế hệ chưa sinh ra.”
Những ý tưởng được thể hiện trong bài diễn văn phản ánh những ngược đãi King đã nếm trải như một người da đen, và kêu gọi sự quan tâm đến lý tưởng của nước Mỹ như là một quốc gia được thành lập để cung ứng quyền tự do và công lý cho mọi người, rồi ông củng cố và làm thăng hoa những lý tưởng ấy bằng cách đặt chúng vào một bối cảnh thiêng liêng với lập luận rằng sự công bằng xã hội là phù hợp với ý chỉ của Chúa.
Như thế, bài diễn văn đã cống hiến cho nước Mỹ cơ hội được cứu rỗi khỏi tội kỳ thị chủng tộc. King miêu tả những gì nước Mỹ đã hứa hẹn là một “tín phiếu” mà nước Mỹ không chịu thanh khoản. Ông nói, “nước Mỹ đã trao cho người da đen một tấm ngân phiếu xấu”, nay “chúng ta đến để đổi tấm ngân phiếu ấy thành tiền” bằng cách tuần hành ở Washington, D. C.